29/11/2014 13:24 GMT+7

​Bà và cháu ở ấp Mỹ Hạnh

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Con tên là Trương Thị Kim Duyên. Con học lớp 4 Trường tiểu học Chánh An A. Từ nhỏ cha bỏ, còn mẹ có chồng khác nên con ở cùng bà ngoại. Bà ngoại con thường dẫn con đi bắt hến bán để có tiền ăn học và mua gạo cho cuộc sống hằng ngày”.

Hình ảnh hai bà cháu mò hến ở con kênh đã quá quen thuộc với người dân ấp Mỹ Hạnh - Ảnh: My Lăng

Lá thư rất ngắn gọn đó được anh bạn họa sĩ chạy xe máy từ miền Tây lên tòa soạn báo Tuổi Trẻ đưa tận tay phóng viên. Anh bảo vô tình đi sáng tác ở xã Chánh An (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), gặp cảnh hai bà cháu, một già lọm khọm còng cả lưng, một nhỏ tí như cái kẹo, đang bì bõm vục mặt dưới kênh mò hến giữa trưa nắng mà cầm lòng không đặng.

Đứa con không thừa nhận

Khi chúng tôi hỏi thăm nhà Kim Duyên ở ấp Mỹ Hạnh (xã Chánh An), người dân dẫn đến ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch không tô trát ximăng, “cửa” là những ô trống không cánh cửa.

Trong nhà có một bà lão lưng còng như dấu chấm hỏi và cô cháu gái bé bỏng như chồi măng. Đó là bà Đoàn Thị Xê, 77 tuổi, và bé Kim Duyên. Giờ cơm, nhìn Kim Duyên dọn bữa trưa mà tôi nghẹn lòng. Bữa cơm của hai bà cháu chỉ có cơm trắng với chén nước tương. Kim Duyên ăn ngon lành trong khi bà ngoại trệu trạo nhai. Không có canh, cô bé lấy nước nóng chế vào, múc thêm nước tương. Vậy là xong bữa cơm.

Bà Xê xoa đầu đứa cháu ngoại bé nhỏ, cười: “Được cái nó dễ nuôi lắm. Tui nuôi nó chỉ có cơm trắng với muối trộn chút nước, có bữa thì được ăn với nước tương, nước mắm mà nó cứ ú nù. Giờ lớn nó mới ốm nhom, cái mặt dài dọc ra đó chớ. Cơm trắng ăn với nước tương nó ăn được 2-3 chén. Nhưng ăn cơm chan nước tương riết nó nóng mũi, nó biểu: Con thở hết nổi ngoại ơi. Nghe thấy tội quá mà biết làm sao giờ”.

Kim Duyên ở với bà ngoại từ lúc lọt lòng mẹ. “Mẹ nó đi làm ở Vũng Tàu, bị người ta gạt làm cho có thai. Sanh ra, cấn sữa thì mẹ nó bỏ đi làm tùm lum, thảy con cho ngoại nuôi rồi đi lấy chồng. Tới giờ con Duyên đã 11 tuổi nhưng không biết mặt cha” - bà Xê kể.

Từ mẫu giáo đến lớp 1, một tay ngoại dẫn Kim Duyên đi học. Giờ trường xa hơn, quanh xóm chỉ có mình Kim Duyên đi học. “Đi một mình sợ lắm nhưng con không dám nghỉ bữa nào” - Kim Duyên thủ thỉ.

Sinh ra trong gian khó, cô bé sớm ý thức được hoàn cảnh nhà mình. Từ lớp 1 tới giờ Duyên không hỏi xin tiền ngoại ăn sáng nữa. Bữa nào ngoại có tiền thì cho 1.000 đồng, không thì nhịn đói đi học. Có những lần nhịn đói, cô bé vẫn ráng ngồi trong lớp học.

Thầy Nguyễn Việt Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1 Trường tiểu học Chánh An A, kể: “Có bữa tôi đang dạy thấy Duyên ôm bụng, mặt nhăn nhó, tôi hỏi mới hay em bị đau nãy giờ. Tôi bảo sao con không nói, em bảo: Con ráng học...

Tôi đưa xuống phòng y tế rồi quay về lớp dạy tiếp. Mới được một lát đã thấy Duyên về lớp. Bé học chăm lắm, hay phát biểu, rất lanh lợi, hoạt bát. Hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng bé rất lễ phép, hòa đồng, hay cười và không tự ti, mặc cảm”. Hỏi chuyện này, Duyên mỉm cười bảo: “Bữa đó về nhà con ăn tới hai tô cơm luôn”.

Trên tường gạch, cô nhóc dán một bức tranh vẽ hình trái tim và dòng chữ tô đậm: Mẹ yêu. Bức tranh đó cô bé vẽ trong một chiều mưa, khi nỗi nhớ về mẹ dâng tràn trong tâm hồn con trẻ.

Rớm nước mắt, bà Xê tâm sự: “Bốn năm tháng mẹ nó mới về thăm. Có lần thì được gói kẹo, bịch bánh. Nhằm bữa mẹ nó về thấy hai bà cháu không có gạo ăn, mẹ nó khóc nhưng cũng không giúp được gì. Mẹ nó lấy chồng 4-5 năm nay rồi, nhưng chồng cũng nghèo”.

Còn Kim Duyên hồn nhiên nói: “Hồi mẹ con còn ở đây, trời mưa, mẹ về nhà dượng. Con nhớ mẹ khóc. Giờ con quen rồi. Chỉ thấy buồn buồn chớ không khóc nữa”.

Thu nhập hằng ngày của bà Xê chỉ dựa vào mấy ký hến mò dưới kênh. Bất kể giờ nào, cứ canh chừng nước cạn nửa sông là bà Xê lại xách rổ đi mò hến. Nhưng hến ở con kênh gần nhà mò riết cũng hết. Hai bà cháu phải lội bộ cả cây số mới có hến. Bữa nào nhiều thì được 6 lít hến (khoảng 5kg). Giá mỗi lít từ 3.000-4.000 đồng. Bán được đồng nào, đong gạo, mua đồ ăn sống ngày đó. Còn dư bao nhiêu thì dành dụm, đóng tiền quỹ, mua sách vở, quần áo đi học.

Bà ngoại là bạn thân nhất

Kim Duyên lí lắc bảo: “Bà ngoại là bạn thân nhất của con. Đi đâu con cũng không dám đi lâu, sợ ngoại ở một mình buồn”. Đầu tháng 11 vừa rồi bà Xê phải nhập viện. Sổ khám bệnh của Bệnh viện Mang Thít cho biết bà Xê bị rối loạn tiền đình, viêm dạ dày, suy nhược cơ thể, viêm phế quản, bệnh tim do thiếu máu cục bộ.

“Tui bệnh, chỉ có một mình nó vô bệnh viện nuôi ngoại. Đi cầu, đi tiểu nó dẫn đi. Hết nước nóng thì nó xách bình thủy đi xin. Sáng 5g hừng đông nó xách cà mèn đi xin cháo, trưa đi xin cơm. Hai bà cháu ăn chung một phần” - bà Xê kể.

Kim Duyên khoác tay bà ngoại, bảo: “Hồi ngoại bệnh, con buồn lắm. Con sợ ngoại chết, con ở với ai. Chỉ có ngoại mới lo cho con. Ngoại nói ngoại nghèo vẫn ráng cho con đi học. Ráng học mới mần được, không nghèo khổ như ngoại. Có lần thầy biểu cả lớp ghi tên mình, tên cha mẹ, nghề nghiệp, số điện thoại cha mẹ vô tờ giấy gửi cho trường. Cái gì có mẹ thì con ghi. Còn cha thì con để trống.

Lúc đó con buồn lắm. Vì cả lớp đều biết con không có cha. Con chỉ ước có cha mẹ, đi làm cho ngoại khỏi cực, con muốn ăn gì có đó. Con thích được như mấy bạn con được cha mẹ đưa rước đi học. Còn con chỉ có ngoại. Chưa lần nào con được ba mẹ đưa đi học”...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên