27/07/2014 07:00 GMT+7

Bà mẹ anh hùng người Hoa

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Trong danh sách phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của TP.HCM năm 2014 có một bà mẹ người Hoa.

kXcxbuX1.jpg
Ông Nguyễn Thành Tài (khi còn là phó chủ tịch UBND TP.HCM) đến thăm mẹ Lý Giai - Ảnh gia đình cung cấp

Sinh ra ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc, sang Việt Nam từ năm 17 tuổi, mẹ Lý Giai đã hiến dâng những đứa con của mình cho cách mạng, đã yêu quê hương Việt Nam bằng tình cảm gần như là máu thịt.

Bà đã không chờ được ngày TP.HCM làm lễ trao tặng danh hiệu “Bà mẹ VN anh hùng”. Bà ra đi ở tuổi 94, khi hồ sơ phong tặng đã hoàn tất. Nhận tấm bằng công nhận và chiếc khánh vàng của ban tổ chức trao, chị Lý Quế Liên, con gái út, đem về treo gần di ảnh mẹ ở khu vực trang trọng nhất của ngôi nhà. Ở đó, cao nhất là hình Bác Hồ, phía dưới là hai tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai người con trai - hai liệt sĩ người Hoa: Huỳnh Tài, Huỳnh Tín.

Đám cưới không chú rể

Đến thăm nhà mẹ trên đường Phạm Văn Chí (quận 6, TP.HCM), có cảm giác mẹ vẫn còn ở đó - ở rất gần - bởi những thăng trầm đời mẹ vẫn sống động qua từng lời kể của con, ngập tràn yêu thương trong những trang viết của cháu. Câu chuyện có tựa đề Ngoại tôi và hành trình cuộc đời được cháu ngoại Lê Thành Đạt - sinh viên năm 3 Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM - viết trên Facebook:

“Ngoại tôi sinh ra ở một làng quê nghèo Trung Quốc (thôn Cao Anh, huyện Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông). Khi mới 16 tuổi, bà được mai mối cho một người mà mình không hề quen. Cả ông và bà tôi chỉ biết nhau qua hình mà bà mai (tức chị họ của ông ngoại tôi) gửi cho nhau. Đám cưới diễn ra y như trong phim cổ trang Trung Quốc: một bên là cô dâu và một bên là chú gà trống cúng lạy tổ tiên nhà trai (lúc đó ông ngoại tôi đang ở VN mưu sinh). Đám cưới được xem là độc nhất vô nhị ở cái làng quê nghèo đó, khi cô dâu cưới chồng tận một đất nước xa xôi theo cách không giống ai: đám cưới không chú rể.

Sau đám cưới, bà được gia đình bên chồng gửi theo thương lái vượt biển vào VN tìm chồng. Thời gian đầu, các cụ tha phương cầu thực tìm đến vùng đất Trà Vinh nơi có nhiều người Hoa sinh sống. Họ sống bằng nhiều nghề như làm mướn, phụ hồ, làm công trong các lò gạch, xe nhang. Sau nhiều biến cố, họ tìm về vùng đất Sài Gòn. Thời gian đầu các cụ có liên lạc với gia đình bên Trung Quốc nhưng sau nhiều lần chuyển chỗ ở do phải chạy giặc thì đứt liên lạc với gia đình”.

Chồng bà Lý Giai là ông Huỳnh Anh - cũng là người Hoa. Thời gian đầu về Sài Gòn, hai vợ chồng phải ở nhà thuê, sống bằng nghề làm nhang. “Khi má sinh tui ra thì anh Tài đã theo cách mạng. Ảnh đi năm 1962, tới năm 1968 ảnh về kéo luôn anh Tín đi. Sau này có lần tui hỏi: Sao má để hai anh con đi lâu vậy? Bà trả lời: Anh mày thích thì cứ để nó đi!” - chị Liên kể.

Theo lời chị Liên, dù không nói nhiều nhưng chị biết mẹ ủng hộ chuyện hai anh trai làm. Hay tin các anh về đóng quân ở căn cứ miệt Long Khánh, Đồng Nai, bà lụi hụi chuẩn bị đồ lên thăm. Hồi đó xe đò ít lắm, từ Sài Gòn muốn đi Long Khánh nhiều khi phải chờ xe cả nửa ngày. Xe thì đông, một tay bà ẵm chị Liên, một tay xách giỏ đồ, đứng suốt trên xe. Mỗi lần đi thăm không được vô thẳng căn cứ mà phải tới nhà người dân gần đó rồi nhờ người liên lạc báo tin. Bà hay nấu cháo đem vô tiếp tế cho con nhưng dọc đường, hễ gặp trạm gác hay lính chặn đường xét giỏ, thọc cây quậy vô nồi cháo kiểm tra là coi như cháo hư hết. Khám xét xong, lính gác còn đe: “Bà nhớ phải đi đường này, quẹo đường kia là Việt cộng bắn chết!”. Nghe vậy, bà vâng dạ rồi mừng thầm vì biết “đường kia” là đường vào căn cứ.

Ngóng con về

Đất nước chưa bình yên. Hai anh lớn theo cách mạng rồi, tuổi thơ của chị Liên và các anh chị khác giữa Sài Gòn cũng trôi qua không yên ả. Ký ức của chị vẫn còn khắc ghi những lần cảnh sát xộc vào nhà, túm áo ba chị, thụi vô ngực rồi tra hỏi: “Sao ông bà già rồi mà mấy đứa con còn nhỏ xíu vậy? Mấy thằng con lớn của ông bà đâu?”. Những lúc như vậy, ông Huỳnh Anh chỉ một mực bảo: “Nhà tui nghèo, con cái lớn lên mạnh đứa nào đứa đó đi kiếm ăn, tui đâu có biết”.

Sống giữa Sài Gòn mà mẹ Giai đào khá nhiều hầm trong nhà. Mỗi cái hầm đặt vừa cái lu cho một người ngồi. Mỗi lần nghe có người bắt lính, hai ông bà “lùa” hết mấy đứa con vô hầm trốn vì “dù giá nào cũng không đi lính quốc gia”.

30-4-1975, Sài Gòn giải phóng. Bà Lý Giai và chồng cứ ra ngóng trước cửa mà không thấy con về. Ngóng đủ 10 ngày thì được tin anh Huỳnh Tài hi sinh - anh ngã xuống ngày 18-4-1975, khi đất nước đã gần ngày thống nhất. Thôi thì an ủi vẫn còn anh Huỳnh Tín trở về. Đến tháng 9-1979, anh Tín - đang giữ chức chủ tịch xã - ngồi họp với cơ quan thì bị bọn phản động xông vào bắn chết. Hai anh được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Cũng trong năm 1979, chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra, cộng đồng người Hoa tại TP.HCM náo động. Có tin đồn chính quyền VN sẽ làm khó dễ người Hoa nên nhiều gia đình ráo riết tìm cách trở về Trung Quốc. Ngày đó, ông Huỳnh Anh đã nhận được bộ hồ sơ đăng ký về nước nhưng bàn tính kỹ, cả nhà quyết định không đi. “Khi còn sống, ba má tui hay nói: Từ ngày giải phóng, thích nhất là cả nhà không còn bị cảnh sát tới bắt bớ, ức hiếp như xưa. Ba má tin là cách mạng không làm hại người Hoa mình” - chị Liên nhớ lại.

Khi đã ngoài 90 tuổi, mẹ Giai mới tìm được họ hàng ở cố hương. Bà đi thăm lại từ căn nhà tổ, ghé trường học, viếng mộ tổ, nhìn được cuốn gia phả dòng họ có ghi rõ: “Lý Giai - đời thứ 27”. Xong đâu đó, bà về VN sống những ngày cuối đời và nhắm mắt trên quê hương thứ hai của mình. Năm nay là năm đầu tiên mà quà 27-7 do chủ tịch UBND phường 3, quận 6 đến trao cho gia đình có thêm phần quà cho Bà mẹ VN anh hùng, bên cạnh phần quà cho gia đình liệt sĩ. Và trên trang Facebook đã thấy đứa cháu Lê Thành Đạt bắt đầu viết tiếp câu chuyện của ngoại mình. Cậu đã đặt tên cho chương hai: “Bà mẹ VN anh hùng - những hi sinh và mất mát của một người làm mẹ”...

Chiều 26-7, TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ VN anh hùng” cho 182 mẹ đã có nhiều cống hiến hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND TP, các sở, ban ngành đoàn thể, các quận huyện đã đến dự.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, ông Lê Thanh Hải chúc mừng và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các mẹ - những người đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của mình, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, địa phương, đơn vị thể hiện tốt hơn nữa tinh thần uống nước nhớ nguồn, quan tâm phụng dưỡng các mẹ, chăm lo cho các gia đình chính sách, góp phần giúp các mẹ sống vui hơn, thọ hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên