Chị Thiết phụ giúp người mẹ nuôi của mình kiểm những khoản tiền kiếm được từ tiệm tạp hoá - Ảnh: B.D
Người mẹ ấy là cụ Nguyễn Thị Côi, năm nay 70 tuổi. Bị mù bẩm sinh, cụ Côi sống một mình trong căn nhà cấp 4 nằm kế UBND xã Bình Minh. Thương cụ côi cút, chị Phan Thị Thiết (58 tuổi) - vợ một ngư dân làng biển - đã nhận cụ làm mẹ.
Người mẹ chung
Nhà cụ Côi nằm sát trên tuyến đường dẫn từ tuyến đường ven biển chạy vào trung tâm xã Bình Minh. Cụ ngồi trên chiếc bàn gỗ được đặt chính giữa nhà, đôi mắt đờ đẫn nhìn lên không trung, miệng nhóp nhép nhai trầu, hướng đôi tai đoán từng âm thanh đang dội đến quanh ngôi nhà mình.
Nghe tiếng dép lớn dần trước hiên rồi im bặt, cụ cất tiếng: "Thiết đó phải không con? Vô coi làm vì ren (vì sao) mà thiếu mất một tờ 50 ngàn đồng trong túi, mẹ tìm miết không thấy".
Chị Thiết thả chiếc nón xuống nhà, lấy lọn tiền được cuộn tròn trong 4 lớp bao nilông nhàu cũ, quấn bên ngoài mấy vòng cao su. "Mẹ bỏ lộn tờ tiền qua xấp tiền lẻ rồi. Lẫn lộn ri đây" - chị Thiết nói.
Gần tới cuối chiều rồi, ngôi nhà vẫn nóng sôi. Chị Thiết mấy hôm nay không ra chợ mua cá đem về bán mà ở nhà dành thời gian để lau dọn nhà cửa, lo cơm nước cho người mẹ nuôi của mình. Gian nhà chỉ rộng chừng 70m2, một mình cụ lần mò nhưng đồ đạc được kê dọn gọn gàng. Sàn nhà sạch bóng, chiếc chổi được dựng ngay ngắn ngoài hiên, quần áo xếp thành xấp gọn gàng.
Dưới gian bếp, giàn chén bát được cọ rửa sạch sẽ, đặt ngay ngắn trên kệ. Hai chiếc nồi nhỏ được đậy kín vung nằm ngay ngắn trên bếp. Phía trong có mẻ trứng chiên mới xắn một nửa, nồi bên kia thì chừng hai bát canh rau tôm vừa được nấu lúc trưa. Chị Thiết cầm thêm lọn cá tươi vừa đưa về từ ngoài biển, đặt ngay ngắn trong tủ lạnh rồi lần giở kiểm tra hết toàn bộ nồi niêu, chén bát, đồ ăn trên bếp trước khi trở về nhà.
Mù loà và bệnh tật nên cụ Côi không thể tự lo liệu được mọi việc, chị Thiết nhận cụ làm mẹ để đỡ đần những năm tháng cuối đời - Ảnh: B.D
"Ngày nào cũng phải qua đây dọn dọn dẹp, nấu nướng, kiểm tra cơm nước, chứ để cụ làm tui không an tâm. Mắt không thấy gì, chân tay loạng quạng lỡ may đổ bể đồ đạc, hoả hoạn thì hối hận không kịp. Có cụ tui cũng vui, mà ở đây không riêng tui, bà con xung quanh đều tới giúp đỡ cụ mỗi khi rỗi việc" - chị Thiết nói.
"May mà... có con, đời còn dễ thương"
Cụ Côi nhiều năm nay được xem như người mẹ chung của những người dân làng biển. Cha cụ sau một thời gian ngắn đi lính thì được đưa về trong tình trạng suy nhược, sốt rét ác tính rồi qua đời tại quê nhà. Năm đó cụ Côi còn trong bụng mẹ. Nhưng bất hạnh không dừng lại. Khi sinh ra, cụ Côi là một đứa trẻ mù loà. Mất chồng, một tay mẹ cụ ở vậy nuôi con cho tới già. 10 năm trước, sau nhiều năm lao lực mẹ cụ cũng qua đời. Ngôi nhà cô quạnh chỉ còn lại một con người.
Chị Phan Thị Thiết nói, mấy năm trước cả nhà chị ở thôn kế bên, có biết hoàn cảnh cụ Côi nhưng lúc đó các con còn ăn học, chồng lại đi biển triền miên nên không thể giúp đỡ được. Cách đây chừng 5 năm, khi các con đã yên bề gia thất, vợ chồng chị bán mảnh vườn cũ rồi chuyển về thôn Hoà Bình. Chứng kiến cụ Côi mù loà, lại không có con cái, người thân nên chị bàn với chồng nhận làm mẹ.
"Không ngờ ông chồng tui đồng ý liền. Tối hôm hai vợ chồng bàn nhau thì sáng hôm sau ổng đã qua đi mua tivi, đem khoan vít qua sửa sang lại giường chõng, nhà cửa cho cụ Côi. Lúc đó cụ cũng chưa biết vì sao chồng tui lại bỗng dưng quan tâm cụ như vậy" - chị Thiết nói.
Ngôi nhà của người đàn bà mù bỗng ấm cúng hơn vì có cô con gái nuôi - Ảnh: B.D
Chị Thiết nói rằng chị có 4 đứa con, bao nhiêu năm nay chồng lẫn con chị đi biển quanh năm. Tới nay dù đã 62 tuổi nhưng chồng chị vẫn lênh đênh quanh năm trên sóng, thỉnh thoảng mới về nhà. Mỗi lần về nhà ông lại nóng lòng qua thăm cụ Côi, sửa sang lại đồ đạc, nhà cửa.
"Tui nhận cụ làm mẹ bởi thấy trong lòng thương lắm. Không có máu mủ gì nhưng thấy cụ hiền lành, cũng lọ mọ tuổi già như hình bóng cha mẹ tui nên thương, giúp được gì khi còn sống thì mình cứ làm, vì cụ cũng không sống được bao lâu nữa" - chị Thiết nói.
Câu chuyện vợ chồng chị Thiết nhận cụ Côi làm mẹ để đỡ đầu, chăm sóc, phụng dưỡng gây xúc động mạnh mẽ tới chính quyền và bà con xóm giềng. Hội phụ nữ xã Bình Minh từng có ý định làm một buổi lễ nhận đỡ đầu, nhưng chị Thiết bảo ngại nên ý tưởng đó không thành.
Từ ngày có chị Thiết, nhà cụ Côi lúc nào cũng ấm cúng. Cứ sáng sớm tới chiều, chị Thiết trở thành "cô Tấm" trong câu chuyện cổ tích, làm người con của cụ Côi lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, săn sóc lúc đau ốm như chính người thân ruột thịt.
Góp gạo, chung rau để nuôi mẹ
Chị Thiết bảo rằng do bị mù nên gần như các công việc thường ngày cụ Côi không thể tự xoay xở được. Thật may mắn là hoàn cảnh của cụ được nhiều bà con xóm giềng, chính quyền chia sẻ nên người cho lon gạo, người có bịch cá tươi thì cũng dành phần. Dù vậy, cụ Côi cũng phải đi viện thường xuyên vì nhiều căn bệnh nan y như ung thư vú, tiểu đường…
"Tháng 11 năm ngoái cụ lọ mọ dưới bếp rồi bị rắn cắn mà tui không biết. Hai ngày sau thấy cụ cứ ngồi gãi chân, bắp đùi cứ sưng to dần rồi nổi bọng nước. Tui hoảng quá hỏi thì cụ bảo rằng bị rắn cắn. Cả nhà thuê xe cấp cứu chuyển lên viện thì bác sĩ bảo chậm vài ba tiếng nữa thì sẽ khó lòng cứu được" - chị Thiết kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận