06/06/2012 08:18 GMT+7

Ba Lan "đi dây" với Euro 2012

TRUNG NGHĨA (từ Warsaw)
TRUNG NGHĨA (từ Warsaw)

TT - Theo dữ liệu mới công bố của Chính phủ Ba Lan, quý 1-2012 kinh tế Ba Lan tăng trưởng 3,5%. Tuy nhiên, con số này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (4,3%) khiến nhiều người bi quan.

TT - Theo dữ liệu mới công bố của Chính phủ Ba Lan, quý 1-2012 kinh tế Ba Lan tăng trưởng 3,5%. Tuy nhiên, con số này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (4,3%) khiến nhiều người bi quan.

Hiệp hội Sử dụng lực lượng lao động Ba Lan cho rằng “nền kinh tế Ba Lan đã chậm lại. Quá trình suy giảm kinh tế của Ba Lan đã thật sự bắt đầu”. Các nhà kinh tế dự đoán hết năm 2012, tăng trưởng kinh tế Ba Lan sẽ chỉ 2,5-3%. So với nhiều nước châu Âu đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, có vẻ như kinh tế Ba Lan tốt hơn hẳn. Họ tự hào là quốc gia tăng trưởng duy nhất trong số 27 nước Liên minh châu Âu (EU) trong thời kỳ khủng hoảng.

Tuy nhiên, đầu tư ngân sách để phục vụ Euro suốt năm năm qua khiến Ba Lan đang “đi trên dây” sau khi giải kết thúc ngày 1-7. Các nhà phân tích tin rằng lĩnh vực đầu tư và xây dựng ở Ba Lan sẽ giảm hẳn và không còn tạo ra nhiều công ăn việc làm như trước. Tỉ lệ thất nghiệp tại Ba Lan ở mức cao (12,9%), còn tỉ lệ lạm phát cũng không dễ chịu chút nào: 4% (số liệu hồi tháng 4-2012). Đồng zloty giảm giá và đã xảy ra một vài cuộc biểu tình trong những tháng qua.

Tổ chức Capital Economics có trụ sở ở London dự báo Ba Lan chỉ còn ở mức tăng trưởng 1,8% trong năm nay và kết luận Ba Lan không miễn dịch với cuộc khủng hoảng kinh tế ở khối EU. Tình trạng vỡ nợ ở Hi Lạp khiến các nhà đầu tư nước ngoài chùn tay ở châu Âu khiến Ba Lan cũng bị giảm nguồn đầu tư, nhất là sau khi Euro kết thúc.

Với việc đăng cai Euro, Ba Lan hi vọng cải thiện hình ảnh quốc gia đối với thế giới. “Các CĐV đến Ba Lan xem Euro sẽ là đại sứ của chúng tôi” - giám đốc Tổ chức Du lịch Ba Lan Rafal Szmytke hi vọng. Piotr Tatara, người đứng đầu chiến dịch quảng bá quốc gia nhân dịp Euro, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không có cơ hội thứ hai”. Các chuyên gia ước tính số lượng khách du lịch nước ngoài đến Ba Lan, hiện nay là 10 triệu người/năm, có thể nhảy lên tới 13,6 triệu vào năm 2013 và tiếp tục tăng thêm 500.000 người mỗi năm cho đến năm 2020.

Jacek Bochenek, người đứng đầu Kiểm toán viên dự án Euro 2012, nói: “Việc tổ chức Euro là chất xúc tác cho sự thay đổi ở Ba Lan”. Nước này đã đầu tư hàng tỉ euro vào việc xây, sửa bốn sân vận động, làm các đường cao tốc nối bốn thành phố đăng cai, nâng cấp nhà ga, xây dựng sân bay mới. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói: “Đó là khoản đầu tư vào thương hiệu và danh tiếng của Ba Lan”.

Những năm qua, Ba Lan đã đổ 22,8 tỉ euro vào đầu tư cho kinh tế và cơ sở hạ tầng. Trong số đó có gần phân nửa từ khối EU thông qua chính sách hỗ trợ các nước nghèo trong khối này phát triển.

Khi trái bóng sắp sửa lăn trên sân vận động quốc gia, Warsaw đang sốt ruột chờ xem họ sẽ phát triển như hiện tượng thành công của Barcelona (Tây Ban Nha) ở Olympic 1992 hay là theo chiều hướng “thê thảm” mà Athens (Hi Lạp) đã vấp phải sau khi đăng cai Olympic 2004. Người Ba Lan đang tìm mọi cách để gặt hái những lợi ích thu được từ Euro 2012. Tuy nhiên, những lo ngại đã dấy lên khi nhiều tuyến đường cao tốc không kịp hoàn thành, sân bay mới Modlin ở Warsaw chỉ có thể khai trương khi Euro... gần kết thúc. Dư luận nước này cũng đặt vấn đề về sự lãng phí và tham nhũng khi kinh phí xây sân vận động quốc gia quá cao.

Mặt khác, lợi ích kinh tế từ việc du khách nước ngoài đến Ba Lan xem đá bóng (dự kiến 700.000-1 triệu người) chi xài khoảng 193 triệu euro rõ ràng không thấm là bao so với khoản đầu tư cho Euro của nước chủ nhà.

TRUNG NGHĨA (từ Warsaw)

TRUNG NGHĨA (từ Warsaw)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên