Trụ sở hãng ARM ở Anh - Ảnh Wikipedia
Đây là một trong những động thái nối gót các hãng công nghệ lớn ngừng làm ăn với Huawei, tuân theo sắc lệnh của ông Trump, trong cuộc chiến chống lại hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Sự tẩy chay của ARM khiến giới quan sát cho rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn thiệt hại từ việc Google tuyên bố ngừng hợp tác.
ARM là hãng thiết kế chip điện tử Anh, hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản). Tờ Nikkei Asian Review cho biết ARM nắm bằng sáng chế của 90% bộ xử lý điện thoại toàn cầu. Trong số đó, nhiều thiết kế chip của hãng đặc biệt quan trọng đối với các dự án phát triển thiết bị bán dẫn.
Điều này đồng nghĩa rằng tham vọng bành trướng trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn của Huawei gặp lực cản không hề nhỏ khi ARM tuyên bố ngừng hợp tác.
Huawei sở hữu hãng thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc, HiSilicon Technologies, cũng như đang xúc tiến việc thiết kế bộ xử lý Kirin cho dòng điện thoại cao cấp của mình. Dù vậy, công ty này vẫn cần tới các thiết kế của ARM để làm khung nền cho các sản phẩm chip trong tương lai.
Ngay cả Kunpeng 920, bộ xử lý máy chủ do Huawei tự thiết kế, cũng cần đến các thiết kế của ARM để làm cơ sở. Kunpeng 920 được Huawei ra mắt tháng 1-2019 như sản phẩm thay thế bộ xử lý của Intel.
Thực tế, Nikkei Asian Review nhận định Huawei dường như đề phòng quyết định này của ARM từ trước.
Đó là lý do công ty Trung Quốc đã chốt một thỏa thuận nâng cao cùng nhà thiết kế của Anh, nhằm vào một danh mục bản vẽ kỹ thuật đầy đủ hơn của ARM.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ bao nhiêu bằng sáng chế đã được nhượng quyền sử dụng, cũng như ARM hiện kiểm soát bao nhiêu bằng và giấy phép dành cho Huawei.
Huawei tuyên bố họ đánh giá cao quan hệ cùng các đối tác, và chấp nhận một số quyết định được đưa ra vì sức ép chính trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận