14/10/2021 08:58 GMT+7

Apple, hãng ôtô khóc ròng vì thiếu chip

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Giá cổ phiếu của Apple đã giảm 1,6% xuống còn 139,27 USD vào cuối phiên giao dịch ngày 12-10, sau khi Hãng tin Bloomberg đưa tin 'quả táo cắn dở' có thể cắt giảm sản lượng iPhone 13 tới 10 triệu chiếc do tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Apple, hãng ôtô khóc ròng vì thiếu chip - Ảnh 1.

Sản xuất iPhone 13 đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip trên toàn cầu - Ảnh: Reuters

Apple dự kiến sẽ sản xuất 90 triệu chiếc iPhone thuộc các mẫu mới vào 3 tháng cuối của năm nay. 

Tuy nhiên, Apple đã nói với các nhà sản xuất của họ rằng số đơn vị được sản xuất sẽ thấp hơn vì các nhà cung cấp chip, trong đó có Công ty Broadcom và Texas Instruments, đang gặp khó khăn trong việc cung cấp linh kiện.

Khan hiếm do đại dịch

Theo Bloomberg, nhu cầu tăng trong đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu chip. 

Nhu cầu chip tăng đến từ tăng trưởng doanh số thiết bị điện tử dùng để học và làm việc từ xa trong đại dịch, từ máy tính, điện thoại đến các thiết bị gia dụng như tivi, máy lọc không khí... tất cả đều cần chip.

Do con chip quá phổ biến nên khi tình trạng thiếu hụt chip diễn ra, các công ty công nghệ như Apple và các nhà sản xuất ôtô bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Theo Bloomberg, tình trạng thiếu chip dự kiến thổi bay 210 tỉ USD doanh số ôtô trong năm nay, sản lượng giảm 7,7 triệu chiếc. Riêng Toyota giảm sản lượng tại 14 nhà máy trong tháng 9 vừa qua.

Thiếu chip làm giảm doanh số bán iPhone, iPad và máy Mac của Apple, trực tiếp ảnh hưởng hàng tỉ đôla vào doanh thu quý 3 của hãng này.

Nhiều nhà sản xuất ôtô cắt giảm sản lượng trong đại dịch vì nghĩ rằng doanh số sẽ giảm, để rồi không xoay xở kịp khi doanh số bất ngờ phục hồi nhờ các chính sách ưu đãi. 

Các nhà sản xuất ôtô đã vội vàng tăng cường đơn đặt hàng vào cuối năm 2020, để rồi bị từ chối vì các nhà sản xuất chip vốn đang "còng lưng" đáp ứng đơn hàng từ các công ty công nghệ như Apple hay Samsung.

Tình trạng khan hiếm chip đã được dự báo từ đầu năm 2020. Tới giữa năm đó, gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc bắt đầu tích trữ hàng để đối phó các lệnh trừng phạt từ Mỹ, kéo theo làn sóng tích trữ linh kiện từ các công ty khác. 

Vấn đề chậm trễ của chuỗi cung ứng cũng góp phần khiến những con chip chậm đến tay người cần. 

AP Moller-Maersk (trụ sở chính ở Copenhagen, Đan Mạch) - công ty vận tải container lớn nhất thế giới - cho biết tình trạng thiếu lao động trong đại dịch làm chậm tốc độ giao hàng, dẫn đến lượng hàng tồn đọng rất lớn.

Kế hoạch trăm tỉ đô

Các nước đang chú trọng nâng cao năng lực sản xuất chip. Mỹ, quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thiết kế chip, đang tìm cách khuyến khích các công ty xây dựng hoặc mở rộng nhà máy sản xuất trong nước. 

Ngày 8-9, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấp 52 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước. Phần lớn số tiền sẽ dành cho việc xây dựng các nhà máy chip của Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) tại Mỹ.

Chính quyền Mỹ sẽ ưu đãi thuế cho nhà máy trị giá 12 tỉ USD của TSMC tọa lạc ở bang Arizona và cơ sở 17 tỉ USD mà Samsung đang cân nhắc xây dựng ở Texas. Ngày 24-9 vừa qua, Intel chi 20 tỉ USD khởi công xây dựng 2 nhà máy chip ở Arizona.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025), Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết chi 1,4 nghìn tỉ USD để đảm bảo Trung Quốc dẫn đầu trong các lĩnh vực như sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và xe tự lái. 

Trong năm 2020, Trung Quốc chi tới 33 tỉ USD cho lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và quốc phòng nhằm tăng vị thế trong cuộc đua công nghệ với Mỹ.

Ngày 13-5, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ lên đến 450 tỉ USD nhằm biến tham vọng trở thành cường quốc bán dẫn thành hiện thực. 

Nước này cũng đề ra nhiều ưu đãi về thuế đối với các công ty bán dẫn lớn nhằm thu hút đầu tư. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách nhân đôi công suất sản xuất chip lên ngưỡng 20% thị trường toàn cầu đến năm 2030.

Các hãng sản xuất chip lớn cũng không ngồi yên chờ ưu đãi, họ có cuộc đua của riêng mình. Hồi tháng 4, TSMC (Đài Loan) tuyên bố đầu tư 100 tỉ USD trong 3 năm tới, bao gồm chi 30 tỉ USD cho việc mở rộng và nâng công suất trong năm 2021. 

Cuối tháng 8, Samsung Electronics công bố kế hoạch đầu tư quy mô hơn 200 tỉ USD (lớn nhất từ trước tới nay) trong vòng 3 năm với trọng điểm đầu tư là chip bán dẫn.

Từ thiếu thành thừa?

Ngày 19-9, Hãng phân tích thị trường IDC dự báo tình trạng thiếu chip bán dẫn sẽ cân bằng từ giữa năm 2022 rồi sau đó chuyển sang dư thừa do cuộc chạy đua đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất. IDC dự đoán vấn đề thiếu hụt chip vẫn diễn ra ở một số lĩnh vực, nhất là ở mảng thiết bị đầu cuối, do nguồn nguyên liệu hạn chế.

Nhìn chung, thị trường bán dẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới (2021 - 2025) với mức 5,3% mỗi năm và sẽ đạt giá trị 600 tỉ USD vào năm 2025.

Bloomberg: Thiếu chip toàn cầu, Apple có thể giảm sản lượng iPhone 13 Bloomberg: Thiếu chip toàn cầu, Apple có thể giảm sản lượng iPhone 13

TTO - Ngày 12-10, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết có thể Hãng Apple của Mỹ sẽ cắt giảm sản lượng iPhone 13 tới 10 triệu đơn vị do tình trạng thiếu chip toàn cầu.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên