14/02/2019 11:21 GMT+7

Áp lực hàng ngoại "lấn át" hàng Việt ngày càng lớn

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Tỉ lệ yêu thích sản phẩm ngoại nhập của người Việt trong những năm gần đây cao hơn tỷ lệ mua dùng. Với xu thế này, người tiêu dùng đang có sự chuyển dịch sang mua các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật, Thái, Hàn...

Áp lực hàng ngoại lấn át hàng Việt ngày càng lớn - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Việt vẫn là "đích ngắm" của các nhà sản xuất trong và ngoài nước - Ảnh: N.BÌNH

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao (HVNCLC) cho biết như vậy tại buổi công bố kết quả điều tra bình chọn HVNCLC năm 2019 được tổ chức ngày 14-2.

Theo bà Hạnh, cuộc điều tra năm nay cũng hé lộ nhiều thông tin mới về thị trường. Tỉ lệ ưa thích và tiêu dùng hàng Việt Nam của người dùng trong nước vẫn cao, chiếm ưu thế với tỉ lệ lần lượt là 89% và 93%. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đều cảm nhận được sức cạnh tranh gay gắt họ gặp phải trong các năm tới với làn sóng hàng ngoại tràn vào. Đặc biệt từ 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sân chơi mới mở ra nhưng cũng đồng thời khép lại cơ hội nếu các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.

"Tôi cảm nhận các doanh nghiệp hiểu rõ áp lực cạnh tranh này và có những phản ứng khác nhau. Một số doanh nghiệp sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, giảm danh mục hàng hoá, tập trung hơn vào ngành mình chuyên sâu nhất. Ngay cả phân phối, họ cũng tổ chức co cụm lại, chú ý đến hiệu quả hơn. Hiện tinh thần thâm nhập, mở rộng thị trường phía Bắc của nhiều doanh nghiệp đang sụt giảm khi họ nhận thấy không cạnh tranh nổi với hàng gian, hàng giả, hàng Trung Quốc và chi phí vận chuyển cao", bà Hạnh nói. 

Ngoài ra, theo bà Hạnh, các doanh nghiệp VN vẫn còn than bị vướng chi phí ban ngành nhiều quá khi làm thị trường.

Lễ công bố Hàng VNCLCC 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 20-2 tới đây và có chủ đề "Số hoá -  chuẩn hoá và chinh phục thị trường".

Tiệm tạp hoá bắt đầu "số hoá"

Khảo sát cho thấy siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưng đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng, tiếp theo là hệ thống cửa hàng tự chọn, tiện lợi.

Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số ngành hàng nhưng vẫn là nơi mua thực phẩm tươi sống chính của người dân.

Kênh trực tuyến dù có đứng cuối bảng nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phẩm. Đa phần là phục vụ người tiêu dùng trẻ.

Tuy vậy, thị trường vẫn đang chứng kiến những sự chuyển động tích cực từ kênh bán lẻ truyền thống. Nhiều chủ tiệm tạp hoá bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp.

Dù sự thay đổi còn chưa nhiều nhưng nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu quan tâm việc tối ưu hoá kinh doanh như không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra vào, hiệu quả và cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh toản.... Họ cũng tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên