Các doanh nghiệp Nhật cung cấp mặt hàng tiêu dùng, gia dụng muốn đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam khi nhìn thấy tiềm năng thị trường đang phát triển.

Hàng Nhật kích hoạt vào thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Hơn 10 giờ sáng ngày 7-12, tại khách sạn Melia Hà Nội, ông Tomofumi Abe - Trưởng phòng Dự án của văn phòng đại diện tại Hà Nội (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO), đứng giữa hội trường nhắc khéo các hoạt động trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp hai nước cần ngắn gọn, hiệu quả để làm sao có thể tiếp cận được nhiều nhất các khách hàng tiềm năng nhất.

Hàng Nhật kích hoạt vào thị trường Việt Nam - Ảnh 2.

Sự kiện "Kết nối doanh nghiệp" lĩnh vực hàng gia dụng Nhật Bản được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt kết nối, ông Trần Đức Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Awa, cho biết trong suốt 20 năm nay đã làm việc với các đối tác Nhật Bản chuyên phân phối các sản phẩm hàng gia dụng và nhập nguyên liệu để sản xuất con dấu.

Mặc dù hàng Nhật có mức giá khá "chát" nhưng hiệu quả sử dụng cao hơn, chất lượng bền hơn và chú trọng đến yếu tố môi trường, sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên hay oganic, kiểm soát hóa chất độc hại.

Với nhu cầu tiêu dùng người Việt ngày càng tăng với các sản phẩm chất lượng cao, ông Hùng cho biết muốn tìm kiếm các đơn vị cung cấp sản phẩm mỹ phẩm, hàng tiêu dùng để đưa vào hệ thống phân phối của công ty.

"Đối tác Nhật Bản làm việc rất kỹ càng, giao dịch rõ ràng và nghiêm chỉnh. Khi chúng tôi có yêu cầu hỗ trợ về hàng hóa như nghiên cứu, cải tiến nguyên liệu, thiết bị, các đối tác thường hỗ trợ nhiệt tình để giải quyết khó khăn. Tôi đang quan tâm các dòng hàng chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp thông qua chương trình kết nối này để tìm nhà cung cấp trực tiếp, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí giá thành cho người tiêu dùng" – ông Hùng nói.

Anh Nguyễn Tiến Phan - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ tóc Việt Hàn – chuyên sản xuất các sản phẩm kéo da dụng có thương hiệu Viko, cho biết các sản phẩm của Nhật Bản được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, độ bền và tiện dụng trong sử dụng, nên nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. 

Tuy nhiên giá cả đang là một vấn đề, bởi so với thị trường hiện nay thì giá các sản phẩm hàng Nhật thường cao hơn từ 20-30%.

Quang cảnh buổi kết nối doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

"Chúng tôi đang trao đổi với nhiều nhà cung cấp khác nhau để tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp như cung cấp hàng hóa đa dạng chủng loại, mức giá cạnh tranh và có chính sách hỗ trợ nhà nhập khẩu" anh Phan cho hay.

Các doanh nghiệp Việt Nam xem đây là cơ hội để có thể gặp gỡ trực tiếp nhiều nhất các nhà cung cấp, nhằm tìm kiếm các đơn vị phù hợp nhất.

Trước đó, vào ngày 4-12, một ngày kết nối tương tự cũng đã được diễn ra. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam.

Sau ba năm kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên, sự kiện "Kết nối doanh nghiệp ngành Hàng tiêu dùng Nhật Bản - Good Goods Japan" trở lại TP.HCM khi chính phủ Nhật Bản nhìn thấy cơ hội thúc đẩy hàng hóa Nhật Bản sang thị trường Việt Nam trước nhu cầu tiêu dùng của người Việt.

Hàng Nhật kích hoạt vào thị trường Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Ayumi Kusaba - Phó giám đốc tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) - cho biết so với các thị trường Thái Lan, Malaysia và Thượng Hải (Trung Quốc) được JETRO tổ chức trước đó, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường Việt Nam lần này nhiều hơn hẳn.

Theo đại diện JETRO, điểm mới của sự kiện này là các doanh nghiệp Nhật Bản mang tới những sản phẩm cao cấp với chất lượng được đánh giá thực sự hữu dụng và hỗ trợ cuộc sống con người thoải mái hơn như sổ viết tay với chất lượng giấy cao cấp Nhật Bản, các sản phẩm dùng cho nuôi dạy trẻ của công ty Co, LTD RYM; phụ kiện nhà bếp gồm dao, thìa, dĩa, sản phẩm chất tẩy rửa và mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… được ra đời từ những sáng chế của các nhà khoa học.

Ông Yoichiro Takagi - Đại diện công ty The Honmono Company - cho biết công ty chuyên nghiên cứu sản phẩm với công nghệ "thân thiện với con người", "thân thiện với trái đất" và phát triển các sản phẩm mới dưới tiêu chí đánh giá "hàng thật". 

"Chúng tôi đã có đại lý nhận bán thực phẩm chức năng trong trung tâm thương mại ở TP.HCM, nhưng về lâu dài chúng tôi muốn phát triển theo kênh bán lẻ tại các nhà thuốc", ông Yoichiro Takagi nói.

Mang đến sản phẩm đất nặn thuộc danh mục dòng hàng đồ chơi trẻ em tại chương trình, đại diện của Công ty Gincho Industruy cho biết với triết lý mang lại nụ cười cho tất cả trẻ em trong học tập và vui chơi, các sản phẩm đều được nghiên cứu và sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. 

Với nguyên liệu được làm từ bột gạo, muối và nước, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật là ST và tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm STC.

"Nếu trẻ em khi chơi và sử dụng mà ăn vào thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe, vì nguyên liệu được sử dụng hoàn toàn là tự nhiên. Hiện chúng tôi đã có một nhà phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam, dù lượng hàng tiêu thụ chưa nhiều nhưng đơn hàng khá ổn định.

Quang cảnh buổi kết nối doanh nghiệp Việt Nam tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ BÌNH

Giá của sản phẩm dù ở mức cao nhưng hiện cũng đang khá cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường, cùng với chính sách hỗ trợ đối tác bán hàng thông qua quảng bá các kênh như Facebook, chúng tôi hi vọng sẽ được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều hơn" – vị này cho hay.

Ông Hiromi Sawafuchi, phụ trách chiến lược phát triển thị trường quốc tế công ty Sanyoshiyo, chuyên sản xuất sổ ghi chép cao cấp, cho biết trong ngày 4-12 đã tiếp xúc với những hệ thống nhà sách lớn của Việt Nam về cơ hội đưa hàng vào đây. 

Các sản phẩm sổ ghi chép của công ty đều là hàng cao cấp với mức giá bán từ 600.000 đến hơn 1 triệu đồng/sổ, dành cho những chuyên gia trong các lĩnh vực bác sĩ, kỹ sư, họa sĩ…

Khá bận rộn với các cuộc gặp gỡ, ông Susumu Hayasaki - đại diện công ty Nissen Shoko, chuyên sản xuất khăn mặt, khăn choàng… cao cấp, cho biết đã có mặt ở thị trường Việt Nam và thời gian tới sẽ tập trung vào đối tượng khách là phụ nữ, bên cạnh mảng hàng tiêu dùng cho trẻ em.

Hàng Nhật kích hoạt vào thị trường Việt Nam - Ảnh 6.

Theo ghi nhận, các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu đến thị trường Việt Nam các sản phẩm đa dạng mẫu mã và phong phú chủng loại như đồ dùng trẻ em, dụng cụ bếp, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, văn phòng phẩm...

Lợi thế của doanh nghiệp Nhật Bản là cạnh tranh về chất lượng nhưng thách thức lại là giá bán khá cao. Hiện nay, sản phẩm hàng hóa Nhật Bản có giá cao hơn so với thị trường từ 20-30% song với chất lượng đảm bảo nên có khá nhiều nhà nhập khẩu, phân phối Việt Nam quan tâm.  

Theo ông Ayumi Kusaba, việc đi khảo sát thực tế ở các điểm bán lẻ tại hai thành phố sẽ giúp doanh nghiệp Nhật Bản có thể điều chỉnh giá bán phù hợp hơn nhằm cạnh tranh.

Ông Tomofumi ABE cho biết Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nên đây là thị trường tiềm năng khi có dân số trẻ với tầng lớp có thu nhập cao ngày càng gia tăng. Do đó, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa chất lượng, an toàn được đặt lên hàng đầu. 

Dẫn chứng là ngay trong buổi kết nối được diễn ra trong một ngày tại Hà Nội, đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

Ông Tomofumi cho biết để các chương trình xúc tiến thương mại, giao lưu hợp tác của các doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao, mỗi năm JETRO cần tổ chức một chủ đề, ngành hàng khác nhau để tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng và thị trường Việt Nam.

"Những chương trình kết nối này sẽ là tiền đề giúp hàng Nhật Bản rộng cửa vào thị trường Việt Nam hơn. Qua 5 lần tổ chức chương trình, đã có những đơn hàng lớn có giá trị cao được ký kết. Với chất lượng và sản phẩm đề cao sự an toàn, an tâm nên hàng Nhật Bản có thể tự tin cạnh tranh trên thị trường Việt Nam so với các sản phẩm ngoại nhập khác" - ông Tomofumi nói.

MINH NGỌC - HẢI KIM
NAM TRẦN - NHƯ BÌNH
TUẤN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên