24/07/2021 15:29 GMT+7

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
HÀ THANH - MAI THƯƠNG

TTO - Gần 1 năm qua, anh chàng chạy chiếc xe phân khối lớn chở người dân đến viện hiến máu tình nguyện. Tâm niệm của anh là tạo phúc, gieo duyên cho mọi người mang đến hạnh phúc. Ai muốn đi hiến máu, cứ gọi anh!

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 1.

Sáng 24-7, Viện Huyết học - truyền máu trung ương tiếp nhận người dân đến hiến máu sau khi Hà Nội tăng cấp mức độ phòng dịch - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Hôm qua mình cũng đi hiến và nghe thấy nhiều nhân viên y tế của viện đang kêu thiếu máu nhiều, vì dịch nên ít người đi hiến. Các bạn ai muốn tới viện hiến máu mà không có phương tiện đi lại thì cứ bảo mình, mình sẽ đến đưa đón tận nơi".

Hơn 1 năm qua, trên chiếc xe phân khối lớn, anh Nguyễn Văn Thịnh (34 tuổi, ở Hà Nội) gắn bó với việc đưa đón miễn phí người dân muốn đi hiến máu tình nguyện mà không có điều kiện di chuyển. 

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Thịnh (34 tuổi, ở Hà Nội) tình nguyện đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh: NVCC

Bắt đầu từ những người thân, người bạn ở xung quanh, cho đến những người biết đến việc làm của anh đều tin tưởng gửi gắm cả quãng đường dài từ các khu vực ngoại thành đến bệnh viện để tham gia hiến máu tình nguyện. 

Đến những ngày tháng 7 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, anh quyết định làm việc thiện "chuyên nghiệp" hơn, đăng tải dòng trạng thái kèm số điện thoại để mọi người liên lạc khi cần. Làm công việc kinh doanh, chủ động sắp xếp được thời gian, anh Thịnh bộc bạch hễ ai có nhu cầu là đều sẵn sàng đưa đón. 

"Sợ dịch giã, các phương tiện công cộng hạn chế nên mình đăng tải lời kêu gọi trên Facebook. Mọi người cứ chủ động lên lịch hiến máu, báo trước một ngày để mình sắp xếp công việc và đưa đón mọi người đến viện", anh Thịnh chia sẻ.

Mới đầu chỉ qua cuộc gọi hay vài dòng tin nhắn kết nối, nhìn thấy anh "xế" đi dòng xe phân khối lớn đến tận nơi để chở, nhiều người nghĩ anh… lừa đi bán máu. Gặp những người mới, anh đều cặn kẽ giải thích về việc làm của mình, nếu vẫn còn ái ngại, anh trực tiếp gọi đến bệnh viện để họ kết nối với các tình nguyện viên.

"Về sau, khi các bạn đã đến viện hiến máu thì không còn ái ngại nữa mà chủ động gọi cho mình khi đến đợt tiếp theo. Cảm động nhất là về nhà nhận được tin nhắn cảm ơn, động viên của mọi người", anh Thịnh bày tỏ.

Anh nhớ nhất là lần đưa một bạn trẻ đến viện hiến máu, sau đó đưa bạn lên tầng 6 gặp các em nhỏ đang điều trị tại đây. Quãng đường về nhà, bạn trẻ ấy cứ khóc vì thương bệnh nhi và hẹn "lần sau em đủ ngày hiến máu, em điện cho anh đón rồi anh em mình đi tiếp nhé".

"Đó là động lực để mình tiếp tục công việc, mình thấy cần có trách nhiệm để đưa mọi người đi đến nơi về đến chốn, giữ an toàn cho các bạn. Sau mỗi chuyến đi, vui nhất là được nhìn thấy nụ cười của các bé ở viện, chỉ mong góp được chút sức nhỏ của mình giúp các bé", anh Thịnh tâm niệm.

Đợt này dịch bệnh phức tạp hơn, Hà Nội vừa thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, anh sẽ tiếp tục đưa đón người đến viện hiến máu trong điều kiện cho phép, cố gắng được chút nào hay chút đó để giúp người bệnh trong lúc dịch bệnh khó khăn.

Cũng theo Tuổi Trẻ Online ghi nhận sáng 24-7, Viện Huyết học - truyền máu trung ương tiếp nhận không nhiều người đến hiến máu giữa lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và Hà Nội vừa mới bắt đầu thực hiện chỉ thị 16 vào 6h sáng nay. Viện cũng cảnh báo chiến dịch hiến máu lớn nhất trong năm là "Hành trình đỏ" đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, chỉ tiếp nhận được 30% lượng máu dự kiến.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh - viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương, trưởng ban tổ chức Hành trình đỏ - cho biết: “Hầu hết ngân hàng máu đều rơi vào tình trạng báo động. Thiếu máu theo nhóm máu, thiếu chế phẩm tiểu cầu, nhiều nơi có thời điểm chỉ cung cấp được 50-70% nhu cầu máu là thực trạng lúc này”.

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 3.

Viện Huyết học - truyền máu trung ương đo thân nhiệt bằng thiết bị tự động cho những người đăng ký tham gia hiến máu - Ảnh: MAI THƯƠNG

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 4.

Người hiến máu phải khai báo y tế và các thủ tục liên quan - Ảnh: MAI THƯƠNG

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 5.

Lê Bá Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh nhận được thông tin Viện Huyết học - truyền máu đang cần số lượng máu lớn nên anh tranh thủ đi. "Trên đường đi thì cũng lo lắng, vì hôm nay Hà Nội bắt đầu thực hiện chỉ thị 16, nhưng mình nghĩ với mục đích ra ngoài để đi hiến máu cứu người thì cũng là lý do chính đáng" - Ảnh: MAI THƯƠNG

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 6.

"Ngày đầu thực hiện chỉ thị 16, người người nhà nhà đi dự trữ lương thực, nhưng mà đâu cần thiết bằng việc đi dự trữ máu cho người bệnh. Lương thực chắc chắn Hà Nội sẽ đảm bảo đủ rồi mới có quyết định giãn cách xã hội, còn người bệnh thì lúc nào cũng cần máu nên chúng mình chọn đi hiến máu trước" - những người hiến máu trao đổi với nhau trong lúc đăng ký hiến máu sáng 24-7 - Ảnh: MAI THƯƠNG

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 7.

Do tình hình dịch bệnh, mọi người có nhiều thời gian rảnh nên lượng người đăng ký hiến tiểu cầu cũng cao hơn - Ảnh: MAI THƯƠNG

‘Anh xế miễn phí’ chạy phân khối lớn đưa người dân đi hiến máu tình nguyện - Ảnh 8.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương không thể tổ chức hiến máu trong thời gian dài dẫn đến tình trạng máu đang rất khan hiếm - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương không thể tổ chức hiến máu trong thời gian dài dẫn đến tình trạng máu đang rất khan hiếm, Viện Huyết học - truyền máu trung ương mong muốn các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm, duy trì lịch hiến máu tại địa phương với quy mô phù hợp, tổ chức chia giờ cho người hiến máu để vừa an toàn, vừa giúp người bệnh có đủ máu cho cấp cứu và điều trị.

Viện cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe vừa có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch, vừa góp sức chống thiếu máu bằng cách tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu.

Danh sách các địa điểm hiến máu tình nguyện:

1. Hà Nội

- Viện Huyết học - truyền máu trung ương, phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội tiếp nhận từ 8h đến 20h hằng ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

- Các điểm hiến máu cố định: 26 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (Đống Đa), thời gian từ 8h - 12h và 13h30 - 17h thứ hai đến thứ bảy.

2. Tại TP.HCM

- Bệnh viện Truyền máu - huyết học, 118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, thời gian từ 7h - 12h và 13h30 - 16h30 tất cả các ngày.

- Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy, cổng số 5, đường Phạm Hữu Chí, phường 12, quận 5, thời gian từ 7h - 16h từ thứ hai đến thứ sáu.

- Trung tâm Hiến máu nhân đạo, 106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình. Thời gian từ 7h30 - 16h30 từ thứ hai đến thứ sáu và từ 7h - 11h thứ bảy và chủ nhật.

Máu dự trữ sắp cạn, Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi cộng đồng chung tay hiến máu Máu dự trữ sắp cạn, Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi cộng đồng chung tay hiến máu

TTO - Lượng tiểu cầu dự trữ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn 13 đơn vị. Lượng máu dự trữ cũng chỉ còn 2.198 đơn vị, trong khi số lượng máu trung bình sử dụng một ngày tại bệnh viện là 200-300 đơn vị.

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên