16/08/2016 10:32 GMT+7

Anh trì hoãn Brexit tới 
cuối năm 2019

D.KIM THOA , DUONGKIMTHOA@TUOITRE.COM.VN
D.KIM THOA , DUONGKIMTHOA@TUOITRE.COM.VN

TTO - Nước Anh có thể còn ở lại Liên minh châu Âu (EU) tới cuối năm 2019, chậm hơn gần một năm so với dự đoán, khi các bộ phụ trách đàm phán cho việc này chưa thật sự sẵn sàng.

*** Error ***
Một cuộc tuần hành ủng hộ và phản đối Anh rời khỏi EU - Ảnh: AFP

Báo Sunday Times dẫn nguồn tin riêng của họ cho biết Bộ trưởng David Davis phụ trách những vấn đề liên quan tới quá trình giải quyết thủ tục Anh rời EU (Brexit) và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox, hai vị trí mới do Thủ tướng Theresa May lập ra sau khi đắc cử, đã chia sẻ riêng với một số nhân vật cao cấp ở London rằng họ vẫn chưa sẵn sàng để bắt đầu thương thuyết các thỏa thuận rời EU.

Cần thời gian chuẩn bị

Tờ báo này dẫn nguồn tin đã nói chuyện với cả hai bộ trưởng liên quan tới Brexit cho biết: “Lúc này, các bộ trưởng cho rằng việc kích hoạt điều 50 có thể sẽ bị trì hoãn tới mùa thu năm 2017. Họ chưa có cơ sở để tuyển dụng đủ nhân sự và thậm chí còn nói là chưa biết nên đặt ra những câu hỏi đúng đắn nào ở thời điểm rốt cuộc phải bước vào đàm phán với châu Âu”. Bà Theresa May vẫn luôn thận trọng nói rằng bà sẽ không kích hoạt điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động thủ tục rời khối của Anh cho tới đầu năm 2017, vì chính phủ của bà cần có thời gian chuẩn bị.

Truyền thông Anh nhận định các bộ mới đưa ra lý do giải thích cho sự trì hoãn vì chưa có đủ nhân viên và năng lực chuyên môn để tham gia đàm phán là chưa thỏa đáng, nếu không muốn nói là phi lý. Đành rằng Bộ trưởng Davis mới tuyển được gần một nửa trong tổng số 250 nhân viên ông cần, còn Bộ trưởng Fox mới tuyển được chưa đầy 100 người trong tổng số khoảng 1.000 nhân viên đàm phán thương mại ông đang tìm kiếm.

Bất cứ sự trì hoãn nào của Brexit lúc này ngoài việc làm dấy lên những chỉ trích của phe ủng hộ ra đi trong nội bộ Đảng Bảo thủ của bà May, sẽ còn gây ra những vấn đề lớn hơn cho toàn châu lục. Năm tới, Pháp và Đức sẽ cùng tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia và bà May có thể muốn chờ đợi sau khi hai cuộc bầu cử này có kết quả mới kích hoạt điều 50. Và như thế quá trình xử lý thủ tục rời khối có thể sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2017. Theo đó, với hai năm giải quyết thủ tục theo dự tính, phải tới cuối năm 2019 nước Anh mới có thể chính thức rời EU.

Chồng chéo giữa các bộ

Trong khi đó ở một diễn biến khác có liên quan, nội dung một bức thư bị rò rỉ và sau đó bị công bố trên tờ Guardian cho biết những mâu thuẫn căng thẳng mới đang nảy sinh giữa Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Liam Fox, khi ông Fox tỏ rõ ý đồ muốn thâu tóm quyền lực trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế của Anh.

Theo đó, trong khoảng thời gian hai tuần sau khi đảm nhiệm cương vị mới, ông Fox đã viết thư cho ông Johnson và bà May, yêu cầu tân thủ tướng Anh giao cho bộ của ông đảm trách vấn đề ngoại giao kinh tế, một hoạt động cốt lõi hiện đang thuộc quản lý của ông Johnson. Ông Fox đề nghị bà May cần “tổ chức lại theo tư duy lý trí” về các bộ và cho rằng ông “cần nắm quyền lãnh đạo rõ ràng về chương trình thương mại và đầu tư”, còn ông Johnson sẽ điều hành chính sách an ninh, ngoại giao, trong đó có cả việc giám sát hoạt động của các cơ quan tình báo.

Được biết Ngoại trưởng Anh Johnson kiên quyết bác bỏ đề nghị của ông Fox, tuy nhiên chấp thuận việc sẽ điều động nhân viên hợp tác với Bộ Thương mại quốc tế do ông Fox quản lý. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Anh một mặt không bình luận về bức thư rò rỉ, mặt khác chỉ khẳng định “đây là nỗ lực của toàn chính phủ để có thể tiến hành Brexit thành công”.

Tuy nhiên, những sự cố tranh giành quyền lực giữa ông Fox và ông Johnson rõ ràng không lọt qua mắt của các nghị sĩ đảng đối lập. Bà Emily Thornberry, nghị sĩ Công đảng phụ trách lĩnh vực ngoại giao, cho rằng bà May chính là nguyên nhân gây ra sự “chen vai thích cánh” này giữa các bộ trưởng. Bà Thornberry nói: “Bà ấy tạo ra ba bộ độc lập này không phải để giúp việc quản lý của chính phủ với vấn đề Brexit hợp lý hơn, mà chỉ để nhằm mua sự trung thành của ba người là ông Liam Fox, ông Boris Johnson và ông David Davis”.

Sự cố rò rỉ bức thư là sai lầm thứ hai xảy ra tại Bộ Thương mại quốc tế của ông Fox trong những ngày gần đây. Hôm thứ sáu tuần trước (12-8), bộ này đã phải gỡ khỏi trang web của họ một thông cáo báo chí gây hoang mang khi nói rằng Vương quốc Anh sẽ vẫn tiếp tục duy trì giao dịch thương mại với Liên minh châu Âu (EU) theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi rời khối “cho tới khi nào thương thuyết xong những thỏa thuận thương mại mới”.

Giao dịch thương mại theo các quy định của WTO có nghĩa là các doanh nghiệp Anh sẽ phải chịu mức thuế cao hơn bình thường đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, trong đó có 10% thuế với mặt hàng ôtô và 12% thuế với mặt hàng quần áo, đồng thời không được tiếp cận các thị trường dịch vụ và tài chính của EU. Sau khi gỡ bỏ, Bộ Thương mại quốc tế của ông Fox đính chính là họ đã sai sót khi công bố thông cáo đó.

Các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đều đang rất sốt ruột với tiến độ giải quyết thủ tục rời khối của Anh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng mặc dù ai cũng hiểu là nước Anh cần một vài tháng để phác thảo chiến lược của họ, nhưng “không ai muốn kéo dài một tình trạng không chắc chắn”.

D.KIM THOA , DUONGKIMTHOA@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên