Người Nga và Brexit

PHAN XUÂN LOAN 09/07/2016 19:07 GMT+7

TTCT - Sáng 24-6, người Nga thức dậy với kết quả trưng cầu ý dân của người Anh chấn động thế giới: muốn nước Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU).

biemhoaBrexit
biemhoaBrexit

Sáng cùng ngày, tôi gặp Anatoli Sokolov, chuyên gia Viện Đông phương học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) tại Matxcơva, hỏi ý kiến anh về Brexit, Sokolov nói: “Tôi cho rằng đây là thông tin quan trọng với đa số người Nga. Họ thấy rằng EU không phải là tổ chức ổn định và bên trong khối này cũng có những vấn đề và mâu thuẫn, rằng tổ chức này cần được cải cách”.

Bên ngoài, cuộc sống Matxcơva vẫn như mọi khi, nhưng trên thị trường chứng khoán sóng ngầm đã nổi. Các bảng điện tử ghi nhận: đến 7g30 sáng 24-6 theo giờ Matxcơva, đồng bảng Anh giảm 11%, còn 1,3224 USD, mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua và dù có tăng chút ít vài giờ sau đó nhưng vẫn còn ở mức tương đương tháng 9-1985.

Giá USD trong phiên giao dịch đầu ngày nhảy lên 66 rúp “ăn” 1 USD, nhưng đến chiều giảm xuống còn 65,5. Giá dầu thô Brent giảm 6%, xuống dưới mức 50 USD/thùng...

Truyền thông Nga đương nhiên dành không ít dung lượng và thời lượng cho sự kiện Brexit, mà những tin tức đầu tiên là bác bỏ ý kiến cho rằng người Nga “hả hê” với kết quả này.

Ngay trong ngày 24-6, báo chí Nga đã đưa phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ bình luận của Thủ tướng Anh David Cameron trước cuộc trưng cầu, vốn cho rằng “Putin sẽ vui sướng khi người Anh rời khỏi EU”.

Phát biểu sau đó tại Dushanbe trong hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải, ông Putin nói phát biểu của ông Cameron “chỉ là một cách gây ảnh hưởng lên kết quả trưng cầu mà ngay cả điều đó cũng không mang lại kết quả (như ông Cameron) mong muốn”.

“Đó (phát biểu của ông Cameron) không thể hiện gì hơn là một văn hóa chính trị lùn” - ông Putin nói thẳng. Theo Tổng thống Nga, “kết quả trưng cầu này phản ảnh mối quan tâm của người Anh với vấn nạn nhập cư và vấn đề an ninh, cũng như việc không hài lòng với bộ máy EU”.

Nhiều phương tiện truyền thông Nga cũng đứng từ góc độ này khi lý giải sự lựa chọn của người dân Anh. Ông Phedor Lukiyanov - chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, giám đốc khoa học Câu lạc bộ “Valdai” - nói trên Lenta.ru rằng từ lâu mọi người đều thấy EU cần phải cải tổ về thể chế, nhưng EU đã né tránh và vụ Brexit cho thấy cái giá phải trả giờ đã trở nên quá đắt.

Cụ thể, Lukiyanov cho rằng EU cần cải tổ một cách nền tảng, đặc biệt là về mô hình hội nhập. Tờ Moskovsky Komsomolets ngày 25-6 dẫn con số: Chỉ trong năm 2015 đã có hơn 330.000 người nhập cư vào Anh, đa số là công dân EU.

Dù họ tạo điều kiện phát triển kinh tế và tăng thu thuế, nhưng một bộ phận dân Anh không khỏi cảm thấy ảnh hưởng tới tinh thần tự tôn dân tộc, chưa kể áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, nhà ở và y tế.

Không ít ý kiến gắn kết quả Brexit với việc giảm nhẹ cấm vận chống Nga của EU. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond bình luận về Brexit trên BBC rằng “giờ đây tiếng nói của London sẽ yếu ớt hơn trong vấn đề cấm vận chống Nga” và “Tổng thống Putin sáng nay sẽ thấy ít áp lực hơn và lạc quan hơn trong vấn đề cấm vận”.

Aleksei Mukhin, tổng giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga, nói trên Moskovsky Komsomolets ngày 25-6: “Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng Brexit về mặt tinh thần có lợi cho nước Nga, chỉ với một lý do đơn giản: Anh là thành viên công kích Nga mạnh nhất trong EU.

Hiển nhiên Brexit sẽ không đưa nước Anh khỏi đấu trường chính trị và Anh quốc vẫn tiếp tục cuộc chơi của mình, nhưng việc Anh ra khỏi EU sẽ khiến EU trở nên thân thiện hơn với Nga. Có nghĩa sẽ xuất hiện cơ hội để Nga đàm phán với EU mà trước kia không thể vì yếu tố Anh.

Có thể vì thế mà cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga đã viết trên Washington Post rằng “kết quả Brexit là thắng lợi của Putin”. Nhưng ông ta cần hiểu rằng Nga không có đủ ảnh hưởng để tác động đến EU và Anh và gây ra khủng hoảng ở đó, nhưng Nga có thể sử dụng cuộc khủng hoảng này...

Tôi cũng không nói lên điều gì mới mẻ khi cho rằng cuộc khủng hoảng ở EU là do Hoa Kỳ gây ra. Chính Hoa Kỳ đã buộc các chính khách EU ra những quyết định khiến các công dân bất bình với ngôi nhà chung châu Âu. Cũng chính các chính sách của Hoa Kỳ đã tạo ra dòng di dân tới châu Âu. Sự mỉa mai của số phận là ở chỗ Hoa Kỳ quan tâm hơn tất thảy việc đồng thuận vững chắc trong EU, nhưng bằng cách nào đó lại gây ra sự chia rẽ nó và giúp nước Nga thoát khỏi sự cô lập của phương Tây”.■

Thất bại của xã hội học

Giám đốc khoa học Câu lạc bộ “Valdai” Phedor Lukiyanov cho rằng kết quả quan trọng nhất của Brexit là sự thất bại của xã hội học: không đong đo được những tiến trình sâu sắc của các xã hội trong lòng EU. Ông viết trên Lenta.ru: “Mức độ ghẻ lạnh của quần chúng đối với các định chế đã lớn tới mức họ không còn có thể giao tiếp với nhau. Sự mệt mỏi trước toàn cầu hóa và nỗi lo sợ toàn cầu hóa đã sản sinh ra một phản ứng tự nhiên: tự cô lập, tự bảo vệ, vin vào những cái gì nhỏ bé nhưng là của chính mình”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận