27/02/2015 09:00 GMT+7

​Anh tăng hỗ trợ Việt Nam phòng chống di cư trái phép

NGUYỄN MINH HOÀNG
NGUYỄN MINH HOÀNG

TT - Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao VN và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong những năm gần đây hoạt động đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và mua bán người có chiều hướng gia tăng ở VN.

Trong số các nước là điểm đến của dòng người di cư trái phép thì Vương quốc Anh là một trong những địa điểm phổ biến. Thống kê cho thấy hiện có 30.000-35.000 người Việt nhập cảnh và cư trú trái phép tại Anh. VN đứng thứ năm trong số các nước có nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

Chỉ riêng hai năm 2008-2009, gần 12.000 cơ sở trồng cần sa tại Anh do người Việt vận hành đã bị cảnh sát phát hiện.

Theo báo cáo của Cơ quan Phòng chống tội phạm nghiêm trọng có tổ chức Anh - SOCA (nay đổi thành Cơ quan Phòng chống tội phạm - NCA), trong năm 2011 số nạn nhân của các đường dây buôn lậu người vào Anh, nạn nhân là trẻ em từ VN chiếm 13% trong tổng số 489 trẻ em từ 43 nước (đứng thứ hai sau Romania).

Những người được đưa lậu vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), lao động (22%), giúp việc gia đình (11%) và làm các việc phi pháp khác (17%). Có 8% trong số các nạn nhân bị buộc phải làm những việc phi pháp cho biết họ phải trông nom các cơ sở trồng cần sa.

Ðể phòng chống tội phạm di cư có tổ chức và nô lệ thời hiện đại, Bộ Nội vụ Anh đã đặt ưu tiên cho vấn đề này trong chương trình hành động hằng năm. Ðặc biệt, cơ chế xác định nạn nhân buôn bán người cũng đã được xây dựng và bắt đầu áp dụng từ tháng 4-2009.

Cơ chế này sẽ giúp nhận diện các cá nhân có thể là nạn nhân bị mua bán để trợ giúp và bảo vệ họ. Nhờ cơ chế này, nhiều trường hợp từ chỗ bị coi là phạm tội nhập cảnh và cư trú trái phép đã được nhìn nhận như là nạn nhân của buôn bán người và được nhận các trợ giúp cần thiết.

Theo NCA, trong năm 2013 nạn nhân là người VN chiếm 5% tổng số các nạn nhân được đánh giá theo cơ chế xác định nạn nhân, đứng thứ bảy trong số các nước có nạn nhân được đánh giá. Thái Lan đứng thứ 10 và Romania đứng đầu danh sách.

Trong số 140 nạn nhân người VN được hồi hương từ Anh về nước thì có tới 95 người (68%) nói họ bị các đường dây đưa lậu người và băng nhóm tội phạm ở Anh ép buộc trồng cần sa.

Thông qua IOM, Chính phủ Anh đã định khoản tiền 1.500 bảng Anh để trợ giúp mỗi người hồi hương từ Anh trở về tái hòa nhập, ổn định cuộc sống (chỉ những người đáp ứng được điều kiện của chương trình này mới được nhận tiền).

Mới đây nhất, từ ngày 2 đến 5-2-2015, Ðại sứ quán Anh đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tổ chức khóa tập huấn tại VN cho các cán bộ của cục về phòng chống tội phạm nhập cảnh và vi phạm xuất nhập cảnh.

NGUYỄN MINH HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên