18/12/2018 14:12 GMT+7

'Ánh sáng' của người Pa Kô

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Người dân tộc Pa Kô ở thôn Kỳ Rỹ, xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gọi Josefine - cô gái trẻ người Thụy Điển - là “ánh sáng”. Họ chưa từng nghĩ đến việc gọi ai như thế, cho đến một ngày cô gái trẻ này xuất hiện giữa bản làng.

Ánh sáng của người Pa Kô - Ảnh 1.

Josefine hướng dẫn những người Pa Kô làm sản phẩm đan lát truyền thống phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện đại - Ảnh: QUỐC NAM

Tôi cũng không biết nhiều về vùng đất cũng như con người ở A Xing khi bắt đầu. Nhưng khi xem qua một số hình ảnh về họ, tự nhiên tôi không rời được. Như có một cơ duyên nào đó níu chặt.

Elin Josefine Olsson

Họ nói Josefine mang đến cho họ niềm tin và tương lai tươi sáng. Những sản phẩm đan lát bằng tre nứa của người đồng bào Pa Kô từ xa xưa nay được Josefine thiết kế lại theo phong cách hiện đại, rồi đưa qua Thụy Điển và một số nước ở châu Âu bán. Đó là những điều chưa từng có trong suy nghĩ của người dân nơi đây.

Duyên nợ với người Pa Kô

Ông Hồ Văn Ngải, già làng ngoài 70 tuổi ở Kỳ Rỹ, nói cái tên của cô gái này bắt đầu xuất hiện ở thôn Kỳ Rỹ từ đầu năm 2015, thông qua Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị. 

Thời điểm đó, tổ chức này đang tìm một người có kinh nghiệm quốc tế về thiết kế để trợ giúp những người dân tộc Pa Kô ở A Xing phát triển nghề đan lát thủ công.

Josefine lúc này vừa học xong khóa thiết kế sản phẩm tại Central Saint Martins ở London (Anh) và đang tham gia dự án "Hand on project" với một công ty chuyên về thiết kế nội thất nổi tiếng thế giới tại Hà Nội. 

Và Josefine được giới thiệu đến với A Xing để thực hiện việc thổi hồn cho những sản phẩm đan lát thủ công của đồng bào ít người Pa Kô nơi đây. 

"Tôi cũng không biết nhiều về vùng đất cũng như con người ở A Xing khi bắt đầu. Nhưng khi xem qua một số hình ảnh về họ, tự nhiên tôi không rời được. Như có một cơ duyên nào đó níu chặt" - Josefine kể.

Những ngày đầu, để "thăm dò" tay nghề của những người Pa Kô, Josefine vẽ các bản thiết kế cho sản phẩm đan lát tre nứa thủ công theo kiểu hiện đại rồi nhờ người chuyển đến tay những người thợ đan lát Pa Kô ở A Xing. 

Một tuần sau cô nhận lại sản phẩm. Josefine nghĩ đến việc phải làm điều gì đó khác hơn. Sản phẩm đan lát vốn đã khá phổ biến, phải mở ra một cánh cửa mới thì mới có hi vọng giúp được những người Pa Kô đưa sản phẩm đi xa.

Lần thứ hai, Josefine ra chợ mua một chiếc giỏ nhựa của người Việt thường dùng để đi chợ gửi về A Xing kèm yêu cầu những người thợ Pa Kô đan bằng tre theo đúng mẫu đó. 

Kết quả lần 2 có khả quan hơn nhưng vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu. Có lúc Josefine đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng không đành lòng. Cô quyết định tạo ra một bước ngoặt.

Cô tự bỏ tiền túi đưa những người Pa Kô ở A Xing vào tận Quảng Nam chơi. 

Đón nhóm thợ tận miền núi rừng Quảng Trị tới thành phố Hội An, Josefine đưa cả nhóm đến trực tiếp tại một số cơ sở sản xuất mây tre đan chuyên nghiệp ở thành phố này để học kinh nghiệm làm một sản phẩm đẹp. 

Ông Ngải kể cả nhóm chưa hết ngạc nhiên vì bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống một người lạ hoắc, mà lại tự bỏ tiền túi ra cho dân bản đi học nghề thì càng trố mắt khi sau chuyến đi Josefine đã chính thức giao đơn hàng đầu tiên cho dân bản làm. Josefine còn nói lô hàng này sẽ được đưa qua tới Thụy Điển để giới thiệu.

"Dân bản không lạ chuyện đan lát. Nhưng lâu ni chỉ biết đan những vật dụng để đựng củi, đựng lúa hay đựng cá tôm. Nay lại đan để đưa qua tận châu Âu bán. Thật chỉ có ở trong giấc mơ" - Ăm Nhờ, già làng ở Kỳ Rỹ, nói.

Ước mong của cô gái trẻ

Elin Josefine Olsson năm nay 34 tuổi. Cô đã đi nhiều nơi trên thế giới. Nhưng khi đến Việt Nam và nhất là khi đến với vùng đồng bào dân tộc ít người tại Quảng Trị, cô có cảm tình đặc biệt. Đó có lẽ là lý do cô quyết định gắn bó với vùng đất này đến nay.

Theo đại diện Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị, đến nay dự án của Josefine đã thực hiện được 3 năm. Ít nhất trên dưới 500 sản phẩm đan lát thủ công của đồng bào Pa Kô ở núi rừng Quảng Trị đã được cô cho xuất ngoại. 

Josefine mở luôn một cửa hàng riêng tại Thụy Điển để bán mặt hàng này. Thông điệp cô đưa ra rất rõ ràng: thứ cô muốn hướng tới đó là tính văn hóa trong sản phẩm. 

"Những sản phẩm do người Pa Kô làm mang nét văn hóa riêng của dân tộc này. Tôi dựa vào cái gốc này để tạo ra một sản phẩm hiện đại và phù hợp. Tôi muốn mang nét văn hóa này qua giới thiệu ở nước tôi và một số nước khác" - Josefine nói.

May mắn cho Josefine khi những sản phẩm của người Pa Kô mà cô mang đến châu Âu đều được đón nhận nhiệt tình. 

Tháng 1-2016, Josefine mang sản phẩm đầu tiên của những người Pa Kô qua hội chợ Fomex ở Stockholm, Thụy Điển. 

Ngay cả Josefine cũng ngạc nhiên về sự chào đón của người tham gia hội chợ với sản phẩm đến từ vùng đất xa lạ này. 

Sau đó, cô mạnh dạn đặt thêm nhiều đợt hàng nữa. Cứ mỗi khi thấy Josefine về là người Pa Kô ở A Xing mừng vì lại có thêm những đơn hàng mới.

Già làng Hồ Văn Ngải cũng rất tâm đắc với dự án của Josefine. Vì thế, dù cô không thường xuyên có mặt ở bản để giám sát việc đan lát, nhưng già Ngải cùng các thợ đan lát trong bản vẫn dặn nhau làm cho hết lòng, để vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống vừa bảo tồn được nét văn hóa của tộc người Pa Kô.

Già Ngải nói trước đây nghề đan lát ở A Xing khá phát triển. Người dân đan các vật dụng để phục vụ cho sinh hoạt và bán sang các vùng lân cận. Nhưng vài năm trở lại đây, dân bản không còn mặn mà với nghề này nữa. 

Nếu không có Josefine, chắc nghề truyền thống này cũng mất. Riêng Josefine, cô chưa bao giờ giấu mơ ước tạo ra một làng nghề truyền thống chuyên nghiệp ở vùng rừng núi này. 

"Một làng nghề đan lát chuyên nghiệp sẽ là nền tảng bền vững cho những sản phẩm truyền thống của người Pa Kô đi ra thế giới" - Josefine nói.

Thêm những hướng đi

Tiếp nối những tín hiệu sáng sủa của nhóm đan lát mây tre thủ công ở bản Kỳ Rỹ, đầu năm 2018 Josefine đã kết nối được thêm một nhóm đan lát thủ công tại bản Chênh Vênh, xã biên giới Hướng Phùng ở cùng huyện.

Nhóm này hiện cũng đã tạo ra được những sản phẩm chuyên nghiệp và được Josefine cùng khách hàng đánh giá khá cao.

jo 44 3(read-only)

Những chiếc túi đan theo mô hình giỏ nhựa đi chợ được Josefine đặt hàng để đưa qua Thụy Điển bán - Ảnh: QUỐC NAM

Ngoài ra, để hạ giá thành sản phẩm khi đưa ra nước ngoài bán, mới đây Josefine đã thử nghiệm thay đổi hình thức vận chuyển hàng ra nước ngoài.

Nếu trước đây các sản phẩm đan lát thủ công này được đưa qua châu Âu bằng đường hàng không, gần đây Josefine đã đưa được sản phẩm này qua Nhật Bản bằng đường tàu biển, từ đó mới đi sang nước khác.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên