02/02/2018 10:52 GMT+7

Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Người anh hùng của tiểu đoàn 16

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - 'Đám trẻ chúng tôi có khúc mắc, rắc rối gì cũng đi tìm anh Sáu Bắc. Trên đường hành quân anh Sáu luôn đi cuối cùng chăm sóc cả tiểu đoàn'.

Anh ngã xuống đường băng năm ấy: Người anh hùng của tiểu đoàn 16 - Ảnh 1.

Anh hùng Lực lượng vũ trang, thượng úy Nguyễn Văn Sáu - chính trị viên trưởng tiểu đoàn 16 - trong một lần về thăm nhà - Ảnh: TỰ TRUNG chụp lại

Không còn nghi ngờ gì về con số cả ngàn chiến sĩ của ba tiểu đoàn đã hi sinh trong một đêm một ngày kịch chiến tại sân bay Tân Sơn Nhất. Những đồng đội còn lại, ai cũng nhắc đi nhắc lại hình ảnh: "Người trước bị bắn gục, người sau tiếp tục xông lên". 

Ấy vậy nhưng gần 50 năm sau, trong số họ mới chỉ có một người được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang: thượng úy Nguyễn Văn Sáu - chính trị viên trưởng tiểu đoàn 16.

Luôn đi đầu trong cuộc tấn công

50 năm, nhưng hình ảnh ông Sáu vẫn chưa phai mờ trong ký ức người ở lại... Ông Vũ Chí Thành (Lộc Giang, Long An) kể: "Cùng cả trăm anh em tập luyện, rồi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam, hình ảnh anh Nguyễn Văn Sáu, mà chúng tôi thường gọi là anh Sáu Bắc, tạo ấn tượng rất sâu đậm. 

Hầu hết chúng tôi đều là lính mới, tuổi chỉ 19, 20, vừa học xong lớp 10, vừa rời mâm cơm của mẹ, còn anh Sáu khi ấy đã ngoài 30, là một sĩ quan dày dạn chiến trường, đã có nhiều chiến công ở tận cánh đồng Chum bên Lào. 

Anh cao lớn, đẹp trai, vui tính, lại đã có vợ con. Với chúng tôi, anh không chỉ là một chỉ huy, một chính trị viên nắm giữ tinh thần tiểu đoàn mà còn là một người anh lớn đầy kinh nghiệm chiến trường và cuộc đời. 

Đám trẻ chúng tôi có khúc mắc, rắc rối gì cũng đi tìm anh Sáu Bắc. Đường hành quân, khi nào anh cũng đi cuối cùng để đảm bảo những người yếu sức, đau bệnh không bị rớt lại...

Vào đến chiến trường miền Nam, chúng tôi đổi phiên hiệu thành tiểu đoàn 16, cùng nhau đánh 10 trận lớn trên địa bàn Tây Ninh. Kinh nghiệm chiến đấu của anh Sáu càng được bộc lộ và tôi luyện. Ở Bắc, chúng tôi chỉ được luyện tập sở trường đánh công kiên, vào đây học thêm kinh nghiệm chống càn. 

Nếu trên đường hành quân anh Sáu luôn đi cuối cùng chăm sóc cả tiểu đoàn, thì khi tham gia các cuộc tấn công, anh lại luôn đi hàng đầu cùng các bộ phận chủ công, mũi nhọn. Tôi nhớ nhất tác phong chỉ huy rất dứt khoát, quyết liệt của anh trong các trận Tam Hiệp, Bến Cầu, Mộc Bài...

Tết Mậu Thân, chúng tôi nhận lệnh hành quân về phía Sài Gòn ngay chiều 30 tết. Vào trận, gặp hàng rào, lô cốt với hỏa lực mạnh, chính trị viên Nguyễn Văn Sáu đã xông xáo ở phía trước, chỉ huy đại đội 1 và 2 phá hàng rào, đánh chiếm lô cốt đầu cầu, chia làm hai cánh tiến sâu vào sân bay... 

Vào được rồi, trong lúc chỉ huy chiếm hangga máy bay, anh trúng đạn và bị thương nặng. Chúng tôi cử người đưa anh về phía sau nhưng anh Sáu kiên quyết không đồng ý. 

Anh gọi cậu liên lạc đến, tháo chiếc xắc cốt đựng tài liệu luôn đeo bên người, nói: "Bằng mọi giá phải đưa về Sở chỉ huy tiền phương". Rồi anh nằm tại chỗ tiếp tục chỉ huy, động viên tinh thần anh em cho đến lúc hi sinh...".

Trong ký ức người thân

Ông Nguyễn Văn Cẩn, anh ruột của ông Nguyễn Văn Sáu, hiện sống tại TP.HCM, cho biết: "Sáu là em ruột tôi, nhưng tôi đã thoát ly từ ngày Sáu còn nhỏ nên anh em ít có dịp gần nhau. Sau này, khi Sáu nhập ngũ, em thường xuyên viết thư cho tôi, kể chuyện quân ngũ, trao đổi những vấn đề quân sự, tâm sự về lý tưởng.

Hòa bình rồi, tôi tìm gặp các đồng đội của Sáu để được nghe kể về em. Anh em kể lại những thành tích nổi bật của Sáu khi mới vào quân đội, làm trinh sát ở Tây Bắc, tham gia tiễu phỉ Vàng Pao. 

Ở Cánh đồng Chum (Lào), một lần Sáu chỉ huy một trung đội chốt ở ngã ba Sakufukhum, quân Thái, phỉ từ ba đường tấn công xuống. Tướng Chu Huy Mân lệnh phải cố gắng giữ chân đối phương trong 24 giờ để quân khu chuẩn bị phản công. Sáu đã chỉ huy trung đội chốt được 48 giờ. Sau lần ấy, Sáu được tuyên dương, kết nạp Đảng tại chiến trường.

Một lần khác, Sáu và nhiều anh em bị thương, được trực thăng đưa về Hà Nội. Các máy bay thời ấy đều tháo hết các băng ghế để làm công tác vận tải, thương binh nằm la liệt trên sàn. Đang bay thì bị chiếc F4 của Mỹ phát hiện truy kích, chiếc trực thăng bổ nhào xuống tránh đạn. 

Thương binh bị xô đẩy, các vết thương bật máu ra ngoài. Sáu vẫn bình tĩnh cắn răng chịu đau, động viên anh em không rên la làm kinh động phi công. Lần ấy, máy bay phải hạ cánh xuống Sơn La. Rồi Sáu cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào Nam cho đến lúc hi sinh...".

Bà Lưu Thị Vòng - vợ ông Nguyễn Văn Sáu, hiện sống tại Thạch Thành, Thanh Hóa - nhớ lại: "Chúng tôi cưới nhau lúc cả hai 22 tuổi, ở với nhau được hai tháng, vừa kịp quen cái nết chu đáo, vui vẻ của chồng thì anh Sáu nhập ngũ, được cử đến mặt trận Lào. 

Ba năm anh mới được nghỉ phép một lần, mỗi lần 15 ngày. Qua 6 năm, hai đợt phép, chúng tôi có được hai con, một trai, một gái. Năm 1966, anh về thăm vợ con, gia đình vài ngày rồi lên đường vượt Trường Sơn vào Nam. 

Mấy tháng sau, tôi nhận được một lá thư của anh gửi từ đường Trường Sơn, dặn dò ở nhà cố gắng nuôi con rồi bặt tin từ đó. Khi ấy, con gái út tôi được 15 tháng...

Năm 1971, tôi nhận được giấy báo tử, ghi anh hi sinh năm 1968 ở mặt trận phía Nam. Một đời làm vợ của tôi, những ngày được sống với chồng cộng lại chỉ hơn 3 tháng. Như bao nhiêu người, tôi chết ngất. Rồi cũng như bao nhiêu người, tôi lại cắn răng đứng lên, tiếp tục đi làm, vượt qua khó khăn, thiếu thốn tình cảm lẫn vật chất, thờ chồng nuôi con. 

Năm 1995, các chú cùng đơn vị báo tin tìm được ngôi mộ tập thể đầu tiên, con trai đã đưa tôi vào TP.HCM một lần. Chúng tôi cùng đến viếng anh ấy và các đồng đội, được nhìn thấy tên anh khắc trên bia cùng 181 anh em khác. Từ ấy, gia đình chúng tôi làm giỗ cho anh ngày mùng 2 tết".

Số phận của tôi là cô đơn. Con gái rồi đến lượt con trai tôi cùng bị phát hiện ung thư. Hai cháu lần lượt ra đi cách nay vài năm. Một đời thờ chồng nuôi con, giờ tôi vẫn phải sống một mình. Tôi 81 tuổi rồi, chỉ chờ đến ngày gặp lại chồng con dưới chín suối...

Bà Lưu Thị Vòng

Lưu danh giữa những anh hùng

anhhung 1(read-only)

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang được trao tặng cho thượng úy Nguyễn Văn Sáu - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong bản báo cáo thành tích của tiểu đoàn 16 được những người cựu binh còn lại lập năm 2011, tên của chính trị viên Nguyễn Văn Sáu được lặp lại nhiều lần. Năm 2013, thượng úy Nguyễn Văn Sáu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với tiểu đoàn 16 yêu thương của mình. Trong tiểu đoàn của ông vẫn còn những người anh hùng khác nhưng chỉ mới mình ông được lưu danh.

Kỳ tới: Chết trong khi đứng bắn

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên