21/01/2023 13:00 GMT+7

Ăn Tết Sài Gòn - vui lắm đấy!

Sẽ là rất lạ nếu nói rằng Tết tôi về nhà ở Sài Gòn ăn Tết. Là một người Sài Gòn, dòng đời xuôi ngược đưa bản thân hiện tại sống ở Rạch Giá đã 7 năm nay.

Ăn Tết Sài Gòn - vui lắm đấy! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Gia Tiến

Có gia đình nhỏ ở Rạch Giá nên không phải Tết năm nào cũng có thể về Sài Gòn ăn Tết, thường xen kẽ cách một năm. Chừng 28 Tết, bên kia đường là những chuyến xe đưa những người xa xứ từ Sài Gòn về quê, tôi thì đi ngược lên Sài Gòn, chiều xe bên tôi thông thoáng hơn nhiều. 

Tôi hay đi xe đêm để ngủ một giấc là tới, nhưng lần về ăn Tết hơi khó ngủ. Ở Rạch Giá ăn Tết được vài năm, nhưng với cái Tết ở Sài Gòn luôn mang lại cảm giác, những hình ảnh thân thuộc, mà ở Rạch Giá không có được.

Xe đến bến xe Miền Tây lúc trời còn chưa sáng. Xe trung chuyển đưa tôi đến quận 5, khu tôi ở đa số người Hoa, và tất nhiên tôi cũng là người Hoa. Xuống xe ở Bệnh viện Đại học Y Dược, tôi đi bộ một đoạn nhỏ nữa mới về tới nhà. 

Những hàng quán cà phê dọn ra từ rất sớm, những quán ăn cũng bắt đầu đông khách. Những khu nhà sáng sớm đã mở nhạc Tết, nhạc Tết tiếng Quảng Đông mang giai điệu vui tươi, pha lẫn nét truyền thống.

Cô chú bác hàng xóm hỏi: dạo này làm ăn khá không, năm nay lên ăn Tết hả con,... thật mừng vì ai cũng nhớ và quan tâm mình. Về đến nhà, nhà gần như ai cũng bận rộn, chạy ngược chạy xuôi chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, trước Tết lúc nào cũng mệt nhưng vui. 

Mẹ, cậu, dì, mợ,... ai cũng hỏi thăm, mặc dù thời bây giờ 4.0 rồi, gọi điện thoại là đủ thấy mặt nhau, rồi nói đủ thứ chuyện trên trời khỏi lo tốn tiền cước điện thoại. Nhưng khi gặp lại trực tiếp thì lại là một cảm xúc hoàn toàn khác, tựa như lâu lắm rồi không gặp, có nhiều chuyện để nói, mặc dù mới gọi video call qua Zalo hồi hôm qua thôi. 

Kể ra cũng thật thú vị, những thiết bị công nghệ hiện đại có thể giúp mọi người ngày nào cũng nhìn thấy nhau, nhưng thứ cảm xúc là yếu tố không thể kết nối so với lúc mọi người gặp mặt nhau.

Nhà biết bữa nay tôi về, chuẩn bị nhiều món đồ ăn tôi thích, món ăn đậm chất người Hoa, lâu lâu mới ăn những món như thế cảm thấy ngon quá ngon, mấy ngày Tết tha hồ ăn tới phát ngán.

Mọi năm giao thừa, buổi trưa cúng rước ông táo về lại nhà, cúng xong thì ai ai cũng tranh thủ tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới. Vui nhất là bữa cơm chiều, đó là lúc gia đình đông đủ nhất, cậu mợ hai, các dì đang ở riêng cũng về dùng cơm chung với gia đình, cùng kể lại những chuyện buồn vui năm cũ, nhắc nhở nhau rằng năm mới hãy cố gắng hơn.

Xong bữa cơm chiều, mọi người trong nhà ai cũng có việc riêng, nào là người chuẩn bị ra quận 1 xem pháo hoa, người đi chùa, người đi uống cà phê với bạn bè, nhưng vẫn sẽ có ít nhất một thành viên ở nhà, chuẩn bị mâm cúng giao thừa lúc 12h đêm. 

Hồi học cấp II và cấp III, khi xong bữa cơm chiều là tôi và đám bạn tụ tập tại một điểm nào đó, rồi cùng nhau tung tăng trên chiếc xe đạp hướng về quận 1, xem xong rồi đi chùa ở quận 5, rồi tập hợp nhà một người để cùng nhau chơi thâu đêm, bạn bè tôi đa số là người Hoa, nên không có tục xông đất. 

Ngẫm lại hồi đó thật vui, hiện tại giao thừa chỉ thích ở nhà, cùng phụ cúng giao thừa, coi pháo hoa qua tivi. Mùi khói nhang từ những cây nhang thật sự mang đậm hương vị thời thơ ấu. Nhà nhà thắp nhang, nhà nhà đốt vàng mã đêm giao thừa là thấy Tết bắt đầu từ đây. 

Phút giây giao thừa tôi hay ngồi một góc suy ngẫm, cảm nhận và hít thở bầu không khí Tết trên Sài Gòn!

Dù đêm giao thừa có đi hay không đi mấy chùa người Hoa ở quận 5, thì sáng mùng 1 nhà tôi luôn đi chùa ở tận Thủ Đức, đi 10 ngôi chùa: chùa An Lạc, chùa Một Cột, chùa Quan Đế, chùa Châu Thới (Bình Dương),... 

Giống như một tục lệ, nhà tôi năm nào cũng ghé ngôi chùa đầu tiên và không có năm nào bỏ qua là chùa An Lạc trên đường Phạm Văn Đồng. Đúng với tên gọi của ngôi chùa, đi cúng và ăn chay ở chùa này là an lạc cả năm. Hồi nhỏ cứ đến mùng 1 Tết là tôi thích được nhà dẫn đi chùa, vì chỉ Tết mới có dịp đi Thủ Đức, đâu có giống như bây giờ, buồn buồn là chạy ra Thủ Đức mấy hồi. 

Sở dĩ hồi nhỏ tôi thích đi Thủ Đức không phải vì thích cúng gì đâu, đơn giản là thích ngắm đường ray và xe lửa chạy lướt qua trên đường Kha Vạn Cân xưa, và được đi ngang ngắm nhìn những công trình vui chơi hoành tráng của công viên nước Saigon Waterpark. Trẻ con thì đơn giản hồn nhiên như thế, giờ lớn lên đi chùa bằng sự thành tâm, cầu bình an cho người thân.

Mùng 2, mùng 3 chúc Tết người thân, không khác gì chạy "sô", người thân ở các quận 5, 8, 10, 11, 6, Bình Chánh, Bình Tân, khoảng cách giữa các điểm đâu có gần, hôm nay chưa đi kịp thì ngày mai đi tiếp. Mỗi chỗ ghé ít nhất cũng một tiếng, họ hàng ai cũng tiếp đãi nhiệt tình, cứ giữ chân lại mời ăn cơm mới cho về. 

Họ hàng tôi đa số người Hoa, nên chúc Tết bằng tiếng Quảng Đông, ở Sài Gòn mới có dịp chúc Tết bằng tiếng Quảng Đông, "chúc sánh thẩy kiền hón, cúng hỷ phat chòi" (chúc nhiều sức khỏe, cung hỷ phát tài),... đại loại như thế, những câu chúc luôn trao nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Đó chỉ là vài câu chuyện nhỏ nhặt trong chuyến về nhà ăn Tết. Ăn Tết ở Sài Gòn luôn mang đến những cảm xúc rất đặc biệt. Tôi luôn trân trọng những giây phút ấy, để không phải luyến tiếc sau này. 

Ăn Tết Sài Gòn - vui lắm đấy!

Tính đến ngày 21-1, cuộc thi Về nhà đã nhận được hơn 330 bài dự thi. Cảm ơn các bạn đã gửi bài.

BAN TỔ CHỨC

Ăn Tết Sài Gòn - vui lắm đấy! - Ảnh 3.
Tết về nhà thôi...Tết về nhà thôi...

"Mày xa nhà Tết này nữa là bao nhiêu năm rồi Hai?". Má hỏi tôi như thế trong lúc tôi loay hoay lau chùi bộ lư hương trên bàn thờ, cắm lại bông trong cái bình cổ có hình con nai đứng trên xác lá vàng mùa thu rực rỡ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên