02/10/2020 11:11 GMT+7

Ân nhân của sinh viên nghèo: 'Biết mà không giúp thì day dứt lắm'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trời nhá nhem tối, ông Nguyễn Bắc Đẩu - một ân nhân của nhiều sinh viên nghèo xứ Quảng và là “vị sứ giả đặc biệt” của học bổng Tiếp sức đến trường - thuyết phục chúng tôi phải tới được hết nhà của 5 tân sinh viên mà ông "thu thập" được.

Ân nhân của sinh viên nghèo: Biết mà không giúp thì day dứt lắm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bắc Đẩu tại nhà một tân sinh viên mồ côi cha, mẹ đi nhặt đồng nát - Ảnh: B.D.

"Hôm nay tôi tìm qua ngôi trường bên, thấy nhiều cháu tội quá. Tôi đã tới nhà từng cháu, nếu không có sự giúp đỡ nào thì chắc chắn các cháu sẽ không đi học nổi" - ông Đẩu nói qua điện thoại.

Tôi xúc động vì sự ân cần và rộng lượng đó của những người tài trợ cho học bổng. Đó chính là sự cao thượng, tính nhân văn và đầy tử tế mà tôi đã thấy và thôi thúc tôi tìm kiếm những hoàn cảnh khác.

Ông NGUYỄN BẮC ĐẨU

Dòng nước mắt nóng hổi

Ông Đẩu cầm tờ giấy ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại kèm những dòng thông tin của Nguyễn Thị Huỳnh Nhi - tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng - rồi chạy xe máy vòng vèo qua mấy khu dân cư. Ông dừng xe trước cổng nhà Nhi tại thôn Bồng Lai, xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam) rồi ngoái lại: "Đây là nhà cháu Nhi mà tui nói với chú mấy lần".

Nhi và mẹ biết trước có khách tới nên lấy tấm khăn trải bàn ra phủ ngay ngắn, chuẩn bị sẵn một ấm nước đặt giữa gian nhà. Ngôi nhà ấy không có bất kỳ một vật dụng nào: không tivi, không bàn ghế gỗ, không quạt điện. Bốn bề trống trơn và cửa sổ che bằng mấy tấm ván mỏng. Phía trong nhà, những hàng gạch xếp chồng lên nhau che bốn bề nhưng nhiều năm nay cũng không được tô trát. 

"Ngôi nhà này phải mất 3 năm mới xây xong, bắt đầu đổ móng từ năm 2018 và tới đầu năm này mẹ con mới dọn vào ở. Tiền để làm nhà từ khoản 40 triệu đồng của Nhà nước hỗ trợ, tiền vay nợ anh em. Cứ đi làm dành ra được đồng nào là mẹ của Nhi lại đi mua gạch về ghép lên cho tới thành ngôi nhà hiện nay, làm chỗ che nắng mưa cho ba mẹ con" - ông Nguyễn Văn Mạnh, chú của Nhi, cám cảnh kể.

Nguyễn Thị Huỳnh Nhi là học trò nghèo, cha mất từ năm 2014 sau cơn tai biến. Nhi có một người anh cũng đang học ĐH tại Đà Nẵng. Từ ngày ba mất tới nay, những tấm quần áo đơn sơ cùng bữa cơm đứt đoạn của cả nhà từ tiền đi rửa bát thuê của mẹ Nhi là bà Phạm Thị Sáu.

Là người biết rõ câu chuyện của Nhi, ông Đẩu ngồi lặng im trước những hàng nước mắt của hai mẹ con. Ông nói rằng từ đầu năm học 2019-2020 đã dành nhiều thời gian đi tìm kiếm những câu chuyện học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn để lấy thông tin, tìm kênh giúp đỡ. 

Và vào mùa thi THPT vừa qua, câu chuyện của Nhi được ông ghi cẩn thận trong sổ tay cùng sự hỗ trợ và xác minh của Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu nơi Nhi học 3 năm cấp 3. 

"Tui không biết nói làm sao khi thấy hoàn cảnh cháu như vậy. Xuống nhà mà chẳng dám hứa hẹn gì, chỉ nghe mẹ con cháu kể, lo lắng về tương lai học hành của Nhi mà tui cũng chẳng khá giả chi. Trăm sự gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường, bởi nhiều năm nay học bổng này đã làm cầu nối cho hàng trăm sinh viên vùng Điện Bàn" - ông Đẩu gửi gắm.

Trời nhá nhem tối, ông Đẩu thuyết phục chúng tôi phải tới được hết nhà của 5 tân sinh viên mà ông "thu thập" tìm kiếm được bằng nhiều kênh khác nhau: từ lời kể của chòm xóm, qua ban đại diện cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo. 

Ông nói đã tìm hiểu và "tuyển lựa" rất kỹ trước khi giới thiệu các em này tới báo Tuổi Trẻ. Như bạn Trần Thị Lâm ở thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung vừa đậu vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng. "Cháu Lâm mất cha, mẹ quét rác ở chợ, nếu không có sự hỗ trợ nào chắc chắn cháu sẽ không thể đi học" - ông Đẩu vừa chạy xe đưa chúng tôi tới nhà Lâm vừa nói.

Biết mà không giúp thì day dứt lắm

Ông Nguyễn Bắc Đẩu từng là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn. Ông từng làm cán bộ xã rồi nghỉ hưu sớm với một câu chuyện đặc biệt về tình yêu thương, cưu mang đứa cháu ruột bị bại não Nguyễn Hoàng Gia Bảo. 

Bảo là nhân vật từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường vào năm 2009, và cũng là cơ duyên khiến ông Đẩu quyết tâm đi tìm tân sinh viên khó khăn để giới thiệu học bổng, nối dài thêm những câu chuyện học hành.

Ông Đẩu cho biết Nguyễn Hoàng Gia Bảo - hiện là kỹ sư công nghệ thông tin tại Trường Quốc tế Canada (TP.HCM) - bị bại não từ nhỏ, nằm què quặt trên giường. Mẹ mất khi Bảo vừa chào đời, lúc hơn 2 tuổi ba của Bảo cũng qua đời. Quá thương cháu, ông Đẩu đã quyết định nghỉ việc về thay cha mẹ Bảo nuôi nấng, cõng Bảo đến trường. 

Câu chuyện chàng trai khuyết tật này "lọt" vào tầm ngắm của hoạt động tìm kiếm gương mặt cho học bổng Tiếp sức đến trường năm 2009. Chính ông Đẩu là người đã cõng cháu xuống Hội An dự lễ trao học bổng. Ông sụt sùi nước mắt khi thấy đứa cháu tiều tụy, thân phận của mình lọt thỏm trong vòng tay yêu mến, cổ vũ của các nhà hảo tâm.

Sau năm 2009, ông Đẩu nắm hết các mối liên lạc với báo Tuổi Trẻ. Mùa trao học bổng 2010, ông tự tìm kiếm và kết nối được hai tân sinh viên. Một trong số đó là cô học trò nghèo với một câu chuyện tình cờ gặp cô gái này mà tới giờ ông vẫn ám ảnh. 

"Chiều đó, chạy xe máy từ Trường Nguyễn Duy Hiệu về nhà, tôi tò mò khi thấy một cô bé mặc áo dài tinh khôi, vừa đạp xe mắt vừa nhìn quanh hai bên vệ đường. Khi thấy vỏ lon bia, chai nhựa hay mẩu giấy báo thì cô bé khựng xe rồi cúi nhặt. Tôi âm thầm theo về tới nhà và cũng là lúc chiếc giỏ xe gần đầy đồng nát" - ông Đẩu kể.

Ông nói rằng khi tới nhà thì cô học trò nghèo tỏ ra ngượng ngùng. "Tôi hỏi: "Cháu ơi, chiếc áo dài cháu mặc đẹp thế mà sao cháu lại chất đầy mấy thứ rác rưởi này trước giỏ làm chi" thì cô bé cúi mặt, ánh mắt tủi tủi, nói rằng cháu tranh thủ nhặt ve chai về bán lấy tiền đi học. 

Năm đó cô bé học hết 12, đậu vào ĐH ở Đà Nẵng nhưng cha mẹ ly hôn, sống với người thân nhưng họ đều nghèo khó, đường vào ĐH xa vời vợi và đầy mong manh. Tôi chạy về, cầm điện thoại gọi ngay cho Tuổi Trẻ. Cô bé sau đó được giúp đỡ, được đi học và nay đã thành đạt tại TP.HCM" - ông Đẩu kể.

Cả chục năm nay, ông Đẩu luôn hối thúc chúng tôi vào mỗi dịp học sinh vừa vào ĐH. Ông nói rằng vì đã thấy sự tử tế của học bổng, đã thấy nhiều câu chuyện đổi thay số phận từ nghịch cảnh mà ông chẳng hề ngại ngần khi gọi tới Tuổi Trẻ

Ông Đẩu là người đã giới thiệu rất nhiều nhân vật cho học bổng, trong số này nhiều sinh viên không chỉ được nhận hỗ trợ mà câu chuyện học hành, thành đạt của các em đã truyền cảm hứng cho cộng đồng như cậu sinh viên bại não Trương Hùng Anh - hiện học năm cuối ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Và cứ mỗi mùa tìm kiếm học bổng Tiếp sức đến trường, chúng tôi lại luôn nhận được sự đồng hành, tìm kiếm và dẫn tới tận nơi của ông Đẩu. Bất cứ ở nơi đâu, giờ nào, miễn là có hoàn cảnh cần giúp đỡ, ông Đẩu lại lạch cạch chạy xe đưa chúng tôi tìm tới nhà. 

"Những hoàn cảnh tui giới thiệu phần lớn được giúp đỡ hết, nhiều cháu nay thành đạt, có cháu nhớ tới mình nhưng có cháu cũng không liên lạc. Nhưng tôi vui lắm, cứ thấy cháu Bảo của tôi hiện giờ đã đổi đời nhờ học bổng, sống vui vẻ lạc quan là tôi lại có thêm niềm vui khi đi tìm kiếm những hoàn cảnh xứng đáng" - ông Đẩu nói.

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ

1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.

Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua địa chỉ email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.

Kinh phí học bổng chuyển về: Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

CÔNG TRIỆU

Ân nhân của sinh viên nghèo: Biết mà không giúp thì day dứt lắm - Ảnh 4.
17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên