27/04/2018 11:05 GMT+7

Ẩn họa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Dù Sở GD-ĐT Nghệ An đã có văn bản cảnh báo ngăn ngừa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học nhưng các vụ ngộ độc do học sinh ăn phải hạt của quả cây ngô đồng vẫn xảy ra.

Học sinh bị ngộ độc do ăn hạt cây ngô đồng - Video: DOÃN HÒA

Cây ngô đồng (còn gọi là cây bã đậu - PV) hiện đang được trồng rất nhiều trong các trường học, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học.

Nhầm hạt ngô đồng là…hạt dẻ

Ba ngày sau vụ việc 7 học sinh nhập viện cấp cứu do ăn phải hạt của quả cây ngô đồng, các giáo viên và phụ huynh Trường tiểu học Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vẫn chưa hết nỗi lo lắng trước mối nguy cơ ngộ độc từ cây, hoa trong trường học.

Khu vực trồng hai cây ngô đồng đang được nhà trường thay thế bằng hai cây bàng để tạo bóng mát cho học sinh. Nhóm học sinh lớp 1 bị ngộ độc cũng đến trường học tập bình thường trở lại.

Em N.T.B.N, học sinh lớp 1B kể lại, đầu giờ học chiều 23-4, N. thấy các anh chị lớp trên nhặt quả ngô đồng chính rụng ở trong sân trường rồi đập vỡ, lấy hạt bên trong. Nhóm lớp của N. chơi gần đó được anh chị nói "đây là hạt dẻ" nên nghe lời ăn theo.

N. ăn hai hạt, một số bạn khác ăn một hạt, nửa hạt. "Các bạn ăn hạt của quả cây ngô đồng nói vị thơm bùi như hạt đậu phộng và khen ngon nên em cũng ăn theo", N. nói.

Ẩn họa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học - Ảnh 2.

Quả cây ngô đồng bên trong chứa hạt có thể gây ngộ độc cho học sinh - Ảnh: DOÃN HÒA

Chừng 30 phút sau vào lớp học, 7 học sinh bắt đầu có các triệu chứng buồn nôn, đau bụng dữ dội. Ngay lập tức, cô giáo phụ trách lớp đưa các em đến phòng y tế của trường để kiểm tra sức khỏe và báo cho phụ huynh.

"Các em học sinh bị ngộ độc được chuyển nhanh xuống Trung tâm y tế huyện nên may mắn không em nào nguy kịch đến tính mạng. Khi chúng tôi tìm hiểu mới biết các em cùng ăn hạt của quả cây ngô đồng.

Đây là hai cây ngô đồng trồng trong trường hàng chục năm qua, tạo bóng mát cho sân trường. Năm học trước, nhà trường cũng từng cảnh báo nhưng không nghĩ học sinh lại bị ngộ độc tiếp", ông Võ Duy Cảnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Tân, nói.

Vì sao chưa loại bỏ ngay cây ngô đồng?

Ẩn họa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học - Ảnh 3.

Cây ngô đồng được trồng tạo bóng mát tại một trường tiểu học ở TP Vinh, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Tại khuôn viên các trường học ở Nghệ An hiện được trồng các cây như phượng, hoa sữa, bằng lăng, xoài, xà cừ, cây ngô đồng…nhằm tạo bóng mát cho học sinh vui chơi.

Riêng trên các tuyến phố, khu dân cư ở TP Vinh có khoảng 6.000 cây ngô đồng trên 15 năm tuổi, chiếm 20% tổng số cây xanh trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thay thế cây này gặp vướng mắc do thiếu kinh phí.

Trước yêu cầu cần loại bỏ ngay cây ngô đồng, nhiều trường học cho rằng phương án này khó khả thi bởi đây hầu hết là cây được trồng lâu năm, tán rộng, tạo bóng mát cho học sinh.

Việc trồng cây thay thế phù hợp cần có thời gian. Quan trọng là việc giáo dục, nhắc nhở các em hiểu được độc tố có trong hạt và không ăn loại hạt cây ngô đồng.

Ẩn họa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học - Ảnh 4.

Một trường học ở huyện Quế Phong, Nghệ An chặt bỏ cây ngô đồng - Ảnh: HÙNG CƯỜNG

Ông Hoàng Đình Sơn - trưởng phòng GD-ĐT Tân Kỳ cho hay, để có một cây xanh tạo bóng mát trong sân trường phải mất hàng chục năm trồng chăm sóc. Thời gian trước đây, cây ngô đồng được trồng rất phổ biến, không chỉ ở các trường học vì loại cây này có tán rộng, ít sâu bệnh, ít rụng lá.

"Năm học trước, chúng tôi đã có văn bản gửi các trường khuyến cáo học sinh không ăn hạt của quả cây ngô đồng và không trồng mới cây này. Việc thay thế cây ngô đồng cũng cầy phải có thời gian, không thể nói chặt bỏ ngay được", ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, từ năm hoc trước phía Sở đã yêu cầu các nhà trường, phụ huynh tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở phòng tránh học sinh ăn hạt cây ngô đồng bởi đây là loại cây ngộ độc; đồng thời có kế hoạch dần loại bỏ cây ngô đồng đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc không dùng để ăn uống như: cây lá ngón, cây cà độc dược, cây trúc đào, cây thầu dầu và cây ngô đồng.

Ẩn họa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học - Ảnh 5.

Quả cây ngô đồng khi chín - Ảnh: DOÃN HÒA

Cây ngô đồng hay còn gọi là cây bã đậu, bã đậu tây, mã đậu, vông đồng (tên khoa học Hura crepitans), là một loài thực vật có hoa thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae). Vỏ thân cành có màu vàng nâu với nhiều gai biểu bì.

Quả hình cầu dẹt, thuộc dạng quả nang lớn, ngoài có vỏ cứng, khi chín tách ra. Hạt có hình trứng, mờ, màu nâu xám.

Trong cây ngô đồng thì nhựa và hạt của cây chứa chất dầu, có độc. Độc tố chính có trong cây ngô đồng là chất curcin gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan.

Nếu trẻ ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.

Khi trẻ ăn phải hạt ngô đồng và có biểu hiện ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy thì người thân cần lập tức dùng mọi biện pháp làm trẻ nôn ra.

Chặt cây ngô đồng sau vụ 7 học sinh ngộ độc Chặt cây ngô đồng sau vụ 7 học sinh ngộ độc

TTO - Nghe lời nói đùa của anh chị lớp trên, nhóm học sinh lớp 1 Trường tiểu học Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã ăn hạt cây ngô đồng và bị ngộ độc.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên