
Xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã đưa phiếu lấy ý kiến cử tri cho từng hộ dân - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 25-4, đồng loạt các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh An Giang đã lấy ý kiến cử tri bằng hình thức phát phiếu cho người dân chọn tên xã, phường gắn với truyền thống văn hóa địa phương hoặc ý kiến khác.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ngay từ sáng sớm, chính quyền các xã, phường, thị trấn của tỉnh An Giang đã bắt đầu phát phiếu lấy ý kiến cử tri về tên gọi các xã, phường sau sáp nhập.
Đáng chú ý, trong phiếu lấy ý kiến lần này, ngoài phần chọn đồng ý hay không đồng ý còn có thêm phần ý kiến khác cho cử tri trình bày nguyện vọng riêng khi đặt tên xã, phường sau sáp nhập.
Báo cáo của ông Hồ Văn Mừng - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, 21 xã, phường giữ nguyên tên cũ; 33 xã, phường điều chỉnh tên theo truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương, không dùng tên phương vị (đông, tây, nam, bắc). Các xã, phường đổi tên để phù hợp hơn với truyền thống địa phương.
Một lãnh đạo UBND huyện Thoại Sơn cho biết người dân rất vui mừng khi được giữ tên gọi cũ của các xã sau khi sáp nhập. Ban đầu tỉnh đặt tên xã theo hướng Thoại Sơn Trung, Thoại Sơn Đông… gây phản ứng. Nay được giữ tên cũ, bà con đều phấn khởi.
Một cựu bí thư Huyện ủy Phú Tân khẳng định huyện Phú Tân không thiếu địa danh, lịch sử lâu đời nhưng việc đặt tên xã gắn tên huyện và phương hướng như: Phú Tân Đông, Phú Tân Nam, Phú Tân Trung, Phú Tân Tây và Phú Tân Bắc… gây bức xúc, xóa nhòa truyền thống lịch sử đấu tranh của cha ông vùng đất cù lao này.
Theo kế hoạch, trong hôm nay, các xã, phường sẽ họp HĐND thông qua nghị quyết đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập. Ngày mai 26-4, HĐND huyện, thành phố sẽ họp và đến ngày 28-4, HĐND tỉnh An Giang sẽ họp thông qua 2 đề án sáp nhập xã, tỉnh.

Người dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang được lấy ý kiến tận nhà - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận