Phóng to |
Bà Kela, 60 tuổi, mang phân đi đổ sau khi dọn nhà xí ở làng Nekpur (bang Uttar Pradesh), cách thủ đô New Delhi khoảng 60km - Ảnh: AFP |
Để xóa bỏ hình ảnh mà quan chức nước này mô tả là “vết nhơ của xã hội”, Quốc hội Ấn Độ hôm 7-9 đã thông qua dự luật cấm hành vi dọn dẹp các “nhà vệ sinh khô” (hố xí không giội nước, không có hầm chứa chất thải) bằng tay với các dụng cụ thô sơ. Thật ra, vấn đề này đã được nêu ra trong một đạo luật ban hành cách đây 20 năm nhưng không đạt được kết quả như ý muốn.
Mức phạt 5 năm tù
Theo trang web của IDSN, mạng lưới quốc tế đấu tranh loại bỏ việc phân biệt đẳng cấp, hiện Ấn Độ có khoảng 1,3 triệu người thuộc tầng lớp “tiện dân”, phần lớn trong số đó là phụ nữ, làm nghề dọn phân thủ công để kiếm sống. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ khoảng 94.372 rupee/năm (1.489 USD/năm), theo số liệu năm 2012 của Ngân hàng Thế giới, thì có những người dọn nhà xí chỉ kiếm được 1 rupee/ngày (tương đương 330 đồng VN/ngày). Trong khi đó, một báo cáo của IDSN cho thấy phụ nữ làm nghề này kiếm được 5-10 rupee hằng tháng khi thu dọn nhà vệ sinh cho một hộ gia đình. |
Theo AFP, trong khi Chính phủ Ấn Độ vẫn loay hoay với việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân, việc đầu tư các hệ thống thoát nước hiện đại đang bị bỏ lỡ, tạo điều kiện cho các nhà vệ sinh dơ bẩn tiếp tục tồn tại. Nhưng việc dọn dẹp các nhà vệ sinh thô sơ này lại là nguồn sống của những người thuộc tầng lớp “tiện dân” (dalit), vốn được xem là “hạ đẳng” trong đất nước vẫn nặng nề phân biệt đẳng cấp như Ấn Độ.
Dự luật trên, đang chờ tổng thống ký thành luật, không chỉ cấm thuê người hốt dọn các nhà vệ sinh khô, mà còn hướng đến việc đào tạo nghề khác cho họ. Những người phạm luật có thể bị phạt 50.000 rupee (khoảng 16,3 triệu đồng VN) hoặc năm năm tù giam, theo Hãng thông tấn Ấn Độ PTI. “Công việc phi nhân đạo đó đi ngược lại quyền được sống giữ tròn phẩm giá của con người” - AFP dẫn lời bà Kumari Selja, bộ trưởng phụ trách các vấn đề an sinh - xã hội Ấn Độ.
Dự luật cũng cấm xây dựng các nhà vệ sinh không có hệ thống xả nước, và đề ra các mức phạt nặng đối với các thành phố thuê công nhân vệ sinh cống rãnh mà không trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ. AFP mô tả những công nhân này thường để mình trần chui xuống bể chứa chất thải hay cống rãnh, rồi dùng xẻng hoặc một thanh gỗ để thu dọn những thứ hôi hám dưới đó.
AFP dẫn số liệu từ Hội đồng Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ cho biết đến năm 2011, chỉ có 160 trong số 8.000 thị trấn ở nước này có hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải. Hơn 600 triệu trong tổng số gần 1,3 tỉ dân Ấn thậm chí không có cả nhà vệ sinh thô sơ nhất, và thường phải “giải quyết” ở những nơi lộ thiên như ngoài đường, trên mương rãnh hay ngoài đồng ruộng.
Phóng to |
Bà Kela dọn nhà xí ở làng Nekpur - Ảnh: AFP |
Cả xã hội ủng hộ
Sau khi dự luật được thông qua, Sulabh - tổ chức phi chính phủ hàng đầu Ấn Độ - ngay lập tức thông báo nhận bảy phụ nữ từng hành nghề dọn nhà xí làm nhân viên kiểm soát của tổ chức này, theo nhật báo tiếng Anh The Hindu. Tiến sĩ Bindeshwar Pathak được dẫn lời cho hay sẽ khởi xướng phong trào nâng cao nhận thức cho người dân về dự luật mới được thông qua như một “bước đi mang tính biểu tượng” để cổ vũ cho công bằng xã hội. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để loại bỏ hoàn toàn “tệ nạn” này ra khỏi xã hội Ấn Độ” - TS Pathak cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Sriram - người Ấn, 25 tuổi, làm HLV yoga ở TP.HCM - cho rằng việc thông qua dự luật sẽ giúp nâng cao phần nào vị trí của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Sriram, đã ở Việt Nam hai năm, nhận xét: “Dự luật này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phá bỏ thói quen phân biệt đối xử với những người được gọi là “hạ đẳng” trong hệ thống Ấn giáo”. Theo báo Hindustan Times, Safai Karamachari Andolan - cơ quan quốc gia bảo vệ những người dọn nhà xí thủ công - gọi việc thông qua dự luật là “nỗ lực sửa đổi sự bất công và nỗi hổ thẹn do lịch sử để lại” mà những người làm nghề này phải chịu đựng.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, anh Phùng Quốc Toán - lớp cao học chuyên ngành máy tính ở thành phố Chennai - cho biết tình trạng phân biệt giàu nghèo hiện nay khá phổ biến ở Ấn Độ và những người làm nghề dọn nhà xí thường bị tầng lớp trên của xã hội khinh khi. “Ở Ấn Độ, người nghèo thường bị người giàu khinh miệt” - anh Toán, đã ở Ấn Độ hai năm, xác nhận.
Bàn về thực trạng này, Kunal Chawla, sinh viên ngành điện - điện tử ĐH Sri Ramaswamy Memorial ở Chennai, nói với Tuổi Trẻ rằng việc thu dọn hố xí thủ công chủ yếu diễn ra ở vùng nông thôn và “các khu ổ chuột hay những vùng kém phát triển ở thành thị”. Kunal thừa nhận các tầng lớp khác không muốn ngồi chung hay thậm chí nói chuyện với những người được gọi là “tiện dân” làm nghề vệ sinh hố xí.
Kunal bộc bạch với tư cách một người Ấn có gia đình khá giả ở New Delhi: “Thật sự thì dù ngoài miệng có nói không còn chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ hay chúng tôi có suy nghĩ cấp tiến đến mức nào đi nữa, thì những người như tôi không hề muốn ngồi chung hay ăn chung một nơi với ai làm nghề này”. Tuy vậy, Kunal cho rằng lệnh cấm mới được thông qua là nhằm cải thiện hình ảnh cũng như vị trí của nhóm người bị coi là “hạ đẳng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận