Ấn Độ lên tiếng trước thông tin 'cơ trưởng ngắt nhiên liệu' máy bay Air India

Giữa những thông tin cho thấy cơ trưởng có thể đã ngắt nhiên liệu khiến máy bay hãng Air India gặp nạn, Ấn Độ cho biết chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.

Air India - Ảnh 1.

Hiện trường vụ thảm kịch hàng không Air India vào chiều 12-6 ở bang Gujarat, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Cơ quan điều tra tai nạn máy bay của Ấn Độ ngày 17-7 cho biết còn quá sớm để đưa ra bất kỳ "kết luận chắc chắn" nào về nguyên nhân dẫn đến thảm kịch rơi máy bay của hãng Air India hồi tháng trước khiến 260 người thiệt mạng.

"Chúng tôi kêu gọi cả công chúng và giới truyền thông kiềm chế việc lan truyền những thông tin vội vàng có nguy cơ làm suy yếu tính toàn vẹn của quá trình điều tra", Hãng tin Reuters dẫn lời ông GVG Yugandhar, giám đốc Cục Điều tra tai nạn máy bay (AAIB). Ông nhấn mạnh cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất.

Báo cáo sơ bộ của AAIB cuối tuần trước về vụ tai nạn viết rằng thông tin ghi âm buồng lái cho thấy một phi công đã hỏi người kia tại sao lại cắt nhiên liệu và "phi công kia trả lời rằng anh ta không làm như vậy". Báo cáo không nêu cụ thể phi công nào đã nói.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal đưa ra nhiều chi tiết hơn liên quan đến báo cáo sơ bộ của AAIB. Tờ này dẫn ghi âm cuộc đối thoại giữa cơ trưởng và cơ phó, cũng như ý kiến chuyên gia, cho thấy cơ trưởng có thể đã ngắt nhiên liệu tới động cơ của chiếc Boeing 787 Dreamliner, khiến máy bay mất lực đẩy ngay sau khi cất cánh và gặp nạn.

Theo báo này, các công tắc nhiên liệu trên chiếc máy bay gặp nạn hôm 12-6 của hãng hàng không Air India chuyển từ chế độ "run" (hoạt động) sang "cutoff" (nghỉ) chỉ một giây sau khi cất cánh nhưng không xác định ai thao tác.

Khi phi công phụ Clive Kunder hỏi lý do, cơ trưởng Sumeet Sabharwal phủ nhận việc này. Phi công trưởng và phó có tổng kinh nghiệm bay lần lượt là 15.638 giờ và 3.403 giờ.

Các chuyên gia nhận định ở giai đoạn này, phi công phụ đang kiểm soát máy bay nên khó có khả năng vô tình chạm vào công tắc. Chuyên gia an toàn hàng không John Nance cho rằng bằng chứng gián tiếp cho thấy có người trong buồng lái cố ý hoặc vô tình ngắt nhiên liệu.

Ngay khi mất công suất động cơ, camera an ninh cho thấy tua bin dự phòng đã được bật. Máy bay đạt độ cao gần 200m trước khi mất độ cao. Dù phi hành đoàn sau đó đã bật lại công tắc và hệ thống tự động khởi động động cơ nhưng máy bay không đủ tốc độ và độ cao để phục hồi, rồi va vào cây, ống khói và lao vào một tòa nhà của trường y gần đó, bốc cháy.

Báo cáo AAIB khẳng định không phát hiện lỗi kỹ thuật hay bảo dưỡng và không đưa ra khuyến nghị an toàn nào cho công ty sản xuất máy bay Boeing.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) và hãng máy bay Boeing sau đó cũng thông báo hệ thống khóa công tắc nhiên liệu vẫn an toàn.

Các nhà điều tra vẫn tiếp tục làm rõ mọi yếu tố, theo quy định sẽ có báo cáo cuối cùng trong vòng một năm.

Vụ tai nạn đã làm dấy lên tranh luận liệu có nên lắp thêm camera hình ảnh trong buồng lái, bên cạnh hệ thống ghi âm, để hỗ trợ điều tra các tai nạn phức tạp liên quan thao tác con người.

Trong khi đó, hãng hàng không Air India đối mặt thêm áp lực khác. Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) gần đây thông báo sẽ xem xét hãng hàng không giá rẻ Air India Express, sau khi có cáo buộc hãng này chậm thay linh kiện động cơ cho một dòng máy bay và ghi chép hồ sơ bảo dưỡng không chính xác.

Vụ rơi máy bay Air India: tập trung điều tra hành động của cơ trưởng- Ảnh 3.Thảm kịch hàng không Air India: Cả hai công tắc nhiên liệu bị ngắt không thể do vô tình

Việc cả hai công tắc nhiên liệu của chuyến bay Boeing 787 Dreamliner đồng loạt bị ngắt ngay sau khi cất cánh khiến giới điều tra đang nghiêng về giả thuyết đó là hành động có chủ đích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Air India Boeing Ấn Độ