Ngày 26-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho rằng nếu Ấn Độ có áp thuế xuất khẩu với mặt hàng gạo đồ hay loại gạo khác, thì giá lúa gạo Việt Nam… cũng không thay đổi so với hiện tại.
"Không phải họ áp thuế xuất khẩu 20% hay 30% thì giá lúa gạo Việt Nam có cơ hội tăng nữa. Mà hãy nhìn thực tế hiện tại, giá lúa bán từ ruộng của nông dân làm tê liệt xuất khẩu của doanh nghiệp Việt rồi. Do "cò" và thương lái đẩy giá, chèn ép" - ông Bình giải thích.
Theo ông, những diễn biến lúa gạo ở thị trường Việt Nam đang làm các doanh nghiệp xuất khẩu không bán được gạo, không giao dịch được vì giá lúa nông dân bán quá cao.
Nếu Ấn Độ có cấm thêm thì giá lúa tại Việt Nam cũng đã quá cao so với giá mà người tiêu dùng thế giới chấp nhận được, trừ người mua cho những đơn hàng dở dang. Đơn hàng lớn, mới thì đang đàm phán để giãn thời gian vụ đông xuân năm tới giao.
"Giá lúa hiện nay 7.900 đồng/kg; xuất khẩu giá 638 USD/tấn với gạo 5% tấm. Vì thế các doanh nghiệp dừng hết và không phát sinh mới hợp đồng nào", ông Bình dẫn chứng.
Cũng theo ông Bình, Việt Nam hầu như không có gạo đồ, trước đây thì có, sau thua lỗ nên doanh nghiệp đã "dẹp" kinh doanh.
Tương tự, giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đánh giá "không ảnh hưởng đến giá lúa gạo Việt Nam" khi nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có thêm động thái áp thuế xuất khẩu với gạo đồ.
Giáo sư Xuân giải thích: "Hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá cả lúa gạo trong nước hay xuất khẩu. Vì gạo đồ là mặt hàng ít được người tiêu dùng chọn, chỉ châu Phi mới ăn gạo đồ nên không ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cũng tùy vào nhu cầu, nếu không chỉ châu Phi mà các nước khác cũng giành nhau mua thì giá lên. Kinh tế thị trường phụ thuộc quyền lực nguồn cung cấp. Nhưng so với thế giới, việc áp thuế này càng làm cho cơn sốt giá cao trên toàn cầu sẽ gay gắt hơn".
Ngoài Ấn Độ, mới đây cũng có thông tin Myanmar có kế hoạch tạm dừng xuất khẩu gạo đến ngày 15-10. Về thông tin này, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng có nghe thông tin Myanmar dự kiến sẽ hạn chế xuất khẩu gạo trong vài ngày tới.
Vị này nhìn nhận: "Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo trong thời gian tới. Nhưng với thị trường nội địa, giá gạo đang ở mức rất cao rồi. Lệnh hạn chế xuất khẩu của Myanmar nếu xảy ra, có thể khiến giá gạo trên thị trường tăng thêm trong ngắn hạn nhưng không quá cao. Bởi hiện giao dịch rất ít, chỉ một vài doanh nghiệp có hợp đồng giá trị nhỏ. Các khách hàng thị trường truyền thống chần chừ chưa ký đơn dù rất có nhu cầu mua".
Trước đó, ngày 20-7, Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo đã khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt thêm 100 USD/tấn.
Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 638 USD/tấn và Thái Lan là 628 USD/tấn. Kể từ năm 2008, giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, đã tăng khoảng 20%.
Lệnh cấm của Ấn Độ khiến thị trường thế giới thiếu hụt khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo, trong khi Thái Lan và Việt Nam chỉ có thể bổ sung nguồn cung thêm tối đa 2 triệu tấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận