26/09/2016 10:37 GMT+7

​Trời mưa, cá chép lên đồng

MINH KỲ
MINH KỲ

TTO - Những con chép bơi lướt nhanh, vây lưng nhô lên khỏi mặt nước trông thật đẹp mắt. Nhiều người mang nơm rượt theo sau với nụ cười tươi khi chụp được cá hay tiếc ngẩn ngơ khi sẩy chú chép to…

Quăng chài bắt cá trên sông Thoa, nơi trú ngụ của những cá con chép nặng dăm bảy cân
Quăng chài bắt cá trên sông Thoa, nơi trú ngụ của những cá con chép nặng dăm bảy cân - Ảnh: MINH KỲ

Vùng đất Đức Phổ quê tôi nằm ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, có bốn dòng sông Thoa, Trà Câu, Lò Bó và sông Trường hòa chung dòng nước đổ ra biển qua cửa Mỹ Á.

Dưới những rặng tre tỏa bóng mát ven bờ hạ nguồn sông Thoa có nhiều hang hốc, là nơi trú ngụ của những con cá chép to đến dăm bảy cân. Vào mùa nắng, nhiều người dân sinh sống đôi bờ dùng súng bắn tên săn bắt những con chép sống lâu năm dưới lòng sông.

Mũi tên sắt có ngạnh cột với sợi dây dài gắn vào thanh gỗ thẳng có lắp lẫy cò và lò xo để đẩy tên bay xa.

“Thợ săn” lặn xuống đáy sông gần hang hốc, cần thận ngắm hướng mũi tên vào thân cá rồi lẫy cò, buông dây cho cá vùng vẫy kéo tên chạy trốn trong làn nước. Lát sau, giật nhẹ sợi dây kéo cá trở lại rồi buông tay, đợi khi chép đuối sức thì thu dây bắt gọn.

Những cơn mưa xối xả, mù mịt đất trời làm cho sông, hồ, ruộng đồng mênh mông nước. Cá lội ngược dòng bơi lên đồng kiếm thức ăn và tìm nơi sinh sản. Dân gian gọi hiện tượng này là “cá lên” sau cả năm đợi chờ.

Cảnh bắt cá trên cánh đồng xâm xấp nước thật hào hứng, mặc cho mưa rơi lạnh buốt.

Cá chép luôn thu hút mọi người với chiếc vây lưng nhô lên khỏi mặt nước, bơi lướt nhanh trông thật đẹp mắt. Nhiều người mang nơm rượt theo sau với nụ cười tươi khi chụp được cá hay tiếc ngẩn ngơ khi sẩy chú chép to.

Những bậc cao niên dạo bộ bên bờ suối rồi thong thả buông nhá cạnh vũng nước xoáy. Cá chép háo hức ngược dòng lượn quanh vũng nước xoáy chợt quẫy liên hồi tìm cách thoát thân khi chiếc nhá được nhấc lên khỏi mặt nước.

Vài người giăng lưới trên đồng vắng với hi vọng bắt được những con chép mải mê rong ruổi khi nước lên đồng.

Giăng lưới trên đồng trong ngày mưa lũ
Giăng lưới trên đồng trong ngày mưa lũ - Ảnh: MINH KỲ

Làng quê rộn ràng những ngày “cá lên” với những câu hỏi bắt được ít hay nhiều, cá to hay nhỏ… Những người vợ lựa con chép lớn sai con mang sang biểu ông bà để tỏ lòng hiếu thảo. Bữa cơm gia đình thêm phần ấm cúng với những món ăn chế biến từ cá chép.

Phương pháp chế biến giản đơn phải kể đến món cá chép kho ngọt. Dùng tay móc mang cá, mổ bỏ bụng rồi rửa sạch cho vào nồi nước đang sôi trên bếp. Tiếp đến, nêm muối, tiêu, đường, bột ngọt và vài lát ớt thái mỏng cùng dăm lát cà chua chín.

Dạo ra vườn nhà nhổ mớ rau nén rửa sạch, thái ngắn cho vào nồi, đợi nước sôi trở lại thì nhấc xuống khỏi bếp, vớt cá ra đĩa.

Thịt cá chép kho ngọt thơm hòa quyện với hương vị của rau nén xen lẫn vị cay của tiêu, ớt, vị mặn của muối, vị ngọt của đường, bột ngọt… làm ấm lòng cả gia đình.

Muỗng nước cá kho nóng hổi, ngọt thơm lưu mãi nơi đầu lưỡi, giúp giải nhiệt trong cơ thể. Nước cá chép kho ngon tuyệt khi cho vào bát ăn với cơm hoặc bún.

Đĩa cá chép kho ngọt
Đĩa cá chép kho ngọt - Ảnh: MINH KỲ

Cá chép có thể chế biến nhiều món ngon: nấu cháo, kho riềng, hấp… làm “mê mệt” nhiều người. Khi đánh bắt được nhiều, những người phụ nữ chân quê thường muối cá để ăn dần.

Cá để nguyên con, móc mang và mổ bỏ ruột rồi rửa sạch, vớt ra rổ tre để cho ráo nước. Rắc lớp muối hạt dưới đáy lu sành rồi xếp đều cá lên trên, xen kẽ lớp muối - lớp cá. Sau đó, dùng vỉ đan bằng nan tre lèn chặt rồi đậy kín nắp lu, đặt vào nơi râm mát.

Vài tháng sau, mùi cá muối tỏa hương thơm phức khi mở nắp lu. Thịt cá muối chín đỏ sẫm trông thật bắt mắt và chỉ cần cho vào tô chưng cách thủy trong vòng vài phút là đã có món cá đậm đà hương vị.

Mưa lại về. Những bậc cao niên lại ngắm mây trời và nhìn ra cánh đồng đợi ngày “cá lên”. 

Cá chép mới đánh bắt còn tươi rói - Ảnh: MINH KỲ

Không chỉ dùng để chế biến các món ăn ngon, cá chép còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh. Thịt cá, vây cá, mật cá và phần đầu đều là những vị thuốc quý trong y học cổ truyền.

Theo Đông y, thị cá chép có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, hạ khí thông nhũ. Thịt cá dùng để chữa bệnh phù thũng, hai chân phù nề, vàng da, ứ tắc sữa…Vảy cá có tính bình, tác dụng cầm máu.

Mật cá có vị đắng, tính lạnh, không độc, có tác dụng thông ứ, minh nhục… Đặc biệt, cá chép là loại thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai. 

MINH KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên