Em Trần Thị Kim Anh (trái) và Trần Thị Hồng Ngọc, học sinh lớp 7 Trường THCS Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhận quà thay bố mẹ - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
“Chúng tôi không chỉ mong muốn đóng góp giúp đỡ những người dân miền Trung đang gặp khó khăn mà còn mong muốn kết nối và kêu gọi mọi người chung tay góp sức. Chúng tôi tin rằng đây là một hành trình kết nối những trái tim, lòng nhân ái và sự đồng cảm của người Việt dành cho người Việt, truyền sức mạnh giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống |
Ông Trần Vũ Hoài (phó chủ tịch truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam) |
Giữa lúc khó khăn chất chồng, những phần quà ấy - nói như một ông ngư dân trưởng thôn - chỉ như “muối bỏ biển” thôi, nhưng những hạt muối ấy đáng quý biết chừng nào.
Hành trình giản dị
Hành trình “Thương về miền Trung” đã đến 80 xã, là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sự cố môi trường. Một sân khấu đơn sơ được dựng lên tại hội trường UBND xã, tại nhà văn hóa thôn, tại nhà học tập cộng đồng. Những người tổ chức giản dị và sốt sắng.
Có mặt ở nhiều buổi lễ trao quà, anh Nguyễn Thiện Lâm, đại diện cho ban tổ chức, cũng chỉ nói thật khiêm tốn: “Mỗi phần quà tuy nhỏ nhưng chúng tôi mong phần nào giúp cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn”. Phần quà nhỏ ấy gồm 5kg gạo cùng một số nhu yếu phẩm khác.
Người cho trân trọng. Người nhận quà cũng trân trọng. Như buổi sáng 18-8, ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), 1.200 phần quà đã đến tay người nghèo nơi đây. Khu hội trường của đồn công an Cửa Tùng có những lúc không đủ chỗ ngồi cho người dân đến nhận quà. “Mấy tháng nay quá khổ rồi nên giờ nghe có quà mừng lắm” - một lão ngư dân 68 tuổi thật thà bày tỏ.
Trước đó, buổi lễ trao quà sáng 15-8 tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nhiều nghệ sĩ đã cùng tham gia chương trình. Phạm Hương, Hồ Vĩnh Khoa, Lan Khuê, Chế Nguyễn Quỳnh Châu... những nghệ sĩ vốn chỉ nghe và biết về những khó khăn của miền Trung qua những trang báo, qua những bản tin truyền hình và những dòng chia sẻ trên mạng... đã trực tiếp được đến gặp, được trò chuyện với bà con về những lo toan hằng ngày của họ.
Hình ảnh của các nghệ sĩ được đăng tải trên các fanpage đã nhận được hàng trăm ngàn lượt quan tâm, chia sẻ. Việc này càng có ý nghĩa hơn khi mà chương trình “Thương về miền Trung” kêu gọi sự chung tay của cộng đồng: Với mỗi sản phẩm có giá trên 30.000 đồng được bán ra, Công ty Unilever Việt Nam sẽ đóng góp 10.000 đồng quyên góp cho hành trình này cho đến khi đạt được mục tiêu cam kết là 50.000 phần quà.
Tất cả đã sẵn sàng trao đến người dân những món quà thiết yếu mang tình cảm của người dân cả nước. |
Khát khao được lao động
Có mặt tại những xã ven biển miền Trung những ngày tháng 7, tháng 8 mới thấm thía hết cái buồn cái lo rất thật của người dân nơi đây, từ người già tới trẻ nhỏ, từ những ngư dân gắn với biển đến những người làm dịch vụ trên bờ. Những hỗ trợ đầu tiên từ phía chính quyền và các nhà hảo tâm đã giúp họ được phần nào.
“Nhưng về lâu về dài thì phải có việc để làm, mình phải tự làm mà ăn, mà nuôi con thôi. Giúp chỉ những lúc khó khăn ni thôi” - chị Trần Thị Lâm (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói. Chị vừa sinh đôi hai bé gái được mấy tháng nay, chưa đi làm được.
Chồng chị phải ra tận biển Quảng Ninh đánh cá thuê, nhưng chưa quen việc, gió mưa thất thường nên chưa có dư được đồng nào gửi về nuôi vợ và năm đứa con thơ dại. “Ở mô cũng không bằng được quê mình” - chị Lâm nói.
Trong những buổi lễ trao quà của hành trình “Thương về miền Trung”, dễ dàng nhận thấy hầu hết những người đến nhận quà là người già, phụ nữ. Những trai tráng, những người đàn ông làng biển đang miệt mài xoay xở những công việc khác. Người tranh thủ sửa lại con thuyền đợi ngày tiếp tục ra khơi.
Người mua cặp trâu, mua đàn vịt về chăn thả... Những đôi mắt vẫn đau đáu nhìn về phía biển. “Mình sống về biển, mà biển không mần được thì đói meo” - ông Võ Xuân Toàn ở thôn Hải Phong 1 (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa nói vừa chỉ tay về con thuyền đang đậu trên bãi mấy tháng nay của gia đình ông.
Niềm mong mỏi lớn nhất của ông, cũng như của tất cả những người dân xứ biển này, là được lao động, được lo cho gia đình mình bằng chính công việc mà cha ông bao đời nay đã làm: bám biển, ra khơi.
Những ngày này, thông tin về ngày được ra khơi bám biển ngày càng gần, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều nghi ngại. Những người đồng hành với hành trình “Thương về miền Trung” cũng chỉ mong ước rằng, tấm lòng của cả nước hướng về miền Trung lúc khó khăn sẽ giúp người dân nơi đây vững vàng hơn trong cuộc mưu sinh, bám biển...
Hơn 2.000 phần quà đến với người dân Kỳ Anh Ngày 30-8, hơn 2.000 phần quà của chương trình “Thương về miền Trung” do Công ty Unilever Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã đến với người dân khó khăn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại P.Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, ngay từ sáng sớm, hơn 1.200 hộ dân đến nhận quà. Ôm phần quà bên người, em Trần Thị Hồng Ngọc (học sinh lớp 7 Trường THCS Kỳ Trinh) kể mẹ em làm ruộng, bố đi phụ hồ trên phố. Vì sự cố môi trường biển mà mẹ Ngọc phải bỏ nghề phụ bắt sò, ốc ở dọc bờ biển. “Sáng nay mẹ bận đi bán rau, nên em cầm phiếu đi nhận quà” - Ngọc nói. Chiều cùng ngày, 958 phần quà của chương trình “Thương về miền Trung” đã đến với người dân P.Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh. Tính đến hết ngày 30-8, hành trình “Thương về miền Trung” chính thức khép lại tại Hà Tĩnh. Ông Hoàng Trung Thông, phó bí thư Thị ủy thị xã Kỳ Anh, cho biết sau sự cố môi trường, đời sống người dân thị xã gặp rất nhiều khó khăn. Những phần quà của chương trình “Thương về miên Trung” tuy nhỏ nhưng góp phần ý nghĩa trong việc giúp đỡ, động viên người dân nơi đây vượt qua khó khăn trước mắt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận