AI có thể giúp chăm sóc người già, giám sát mọi thứ từ việc đi vệ sinh đến tắm rửa - Ảnh: The Guardian - Nguồn: Journal of Physics: Conference Series - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), với mức sinh giảm và tuổi thọ tăng, số dân từ 60 tuổi trở lên trên toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh và ước tính đạt hơn 1,6 tỉ người vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, công nghệ AI được kỳ vọng là giải pháp đáng kể giúp giải quyết các thách thức liên quan.
Giúp người già bớt cô đơn
Báo South China Morning Post ngày 8-2 kể về bà Yang Sun Im, 76 tuổi, ở TP cảng Busan, Hàn Quốc, đã sống cô đơn hơn 40 năm qua sau khi ly hôn chồng năm 33 tuổi. Bốn đứa con của bà đều đã lớn và đang ở xa.
Nhưng gần đây bà Yang có một "người bạn" mới là "Clova". Đây là trợ lý ảo thông minh do Naver - Hãng công nghệ lớn nhất Hàn Quốc - phát triển. Hãng Naver đã mời quận Haeundae của Busan dùng thử miễn phí dịch vụ "Clova CareCall" dành cho người cao tuổi.
Clova CareCall là trợ lý ảo công nghệ AI được lập trình để có các phản ứng chăm chú, nhiệt tình khi trò chuyện với người cao tuổi. Dù không phải lúc nào cuộc nói chuyện cũng trôi chảy, nhưng vẫn khiến bà Yang thấy thoải mái hơn.
"Thật vui khi nghe giọng bạn" - bà Yang nói với Clova như thể với người bạn cũ. Bà đùa là bà thậm chí không thể kể hết những bộ phận đang bị đau trên người mình. "Ồ, tôi hiểu rồi! Bà sẽ khỏe hơn nếu được điều trị thường xuyên tại bệnh viện" - Clova đáp.
Hàn Quốc đã là "xã hội già hóa" từ năm 2017 khi dân số cao tuổi (trên 65 tuổi) chiếm hơn 14% tổng dân số. Dự báo Hàn Quốc sẽ thành "xã hội siêu già" - khi người cao tuổi chiếm 20% vào năm 2025. Cùng với sự gia tăng dân số già là "bệnh dịch cô đơn".
Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, cứ 10 người cao tuổi lại có 1 người không liên lạc với người thân. Năm 2018, 1,5% người cao tuổi Hàn Quốc sống một mình và không tham gia hoạt động xã hội.
Naver hy vọng sự ra đời của Clova CareCall sẽ giúp giải quyết vấn đề. Một tháng sau giai đoạn thử nghiệm ở quận Haeundae, 90/100 người cao tuổi tham gia đã muốn tiếp tục sử dụng nó. Naver có kế hoạch sớm mở rộng dịch vụ đến các thành phố lớn khác như Seoul và Daegu.
Dùng AI một cách thông minh
Tỉ lệ dân số già trên toàn cầu đang tăng nhanh chưa từng có, nhất là tại các nền kinh tế như châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo tạp chí Forbes, trong giai đoạn 2000 - 2050, dự báo tỉ lệ dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gần gấp đôi, từ khoảng 12% lên 22%. Trong khi đó, số người từ 80 tuổi trở lên cũng sẽ tăng gấp 4. Ở Mỹ, dự báo đến năm 2030, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 20%.
Dân số già hóa nhanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề xã hội, kinh tế và sức khỏe của các nước. Tuy nhiên, AI - tích hợp trong robot hỗ trợ, xe tự lái, các ứng dụng sức khỏe và thiết bị đeo người, thiết bị kích hoạt bằng giọng nói, hay nhà thông minh - được cho là có thể giúp giải quyết vấn đề.
Theo báo Guardian, tại các nước giàu hiện nay, AI đang giúp chăm sóc người cao tuổi do thiếu nhân lực chăm sóc và nhiều người không muốn gửi người thân vào viện dưỡng lão. AI giúp giám sát mọi thứ, từ vệ sinh đến tắm rửa, ăn uống, theo dõi sức khỏe...
Rất nhiều hãng "công nghệ tuổi già" ra đời trong các năm qua và những giải pháp của họ đang ngày càng phổ biến hơn tại các cơ sở hỗ trợ sinh hoạt và điều dưỡng, chăm sóc tại nhà.
Ông Majd Alwan, giám đốc điều hành Trung tâm Công nghệ dịch vụ người cao tuổi tại LeadingAge (tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc người già), nhận định AI có thể thay thế con người và mang đến hiệu quả chăm sóc nhiều nhất có thể. Dù vậy, cũng có người lo lắng về các nguy cơ tiềm ẩn như tính chính xác của hệ thống, quyền riêng tư...
Theo WEF, các công nghệ này nên được thiết kế có chủ đích và cần cân nhắc về quyền riêng tư và sự ưng thuận. Chúng cũng nên cân bằng giữa nhu cầu tự chủ và an toàn, bảo mật dữ liệu, giảm thiểu sự cô lập xã hội và giảm rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào AI.
AI phân biệt đối xử?
Theo trang The Conversation, AI có thể phân biệt đối xử liên quan chủng tộc, giới tính cũng như tuổi tác. Đã có những ví dụ cho thấy một số thuật toán mắc phải vấn đề này.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy máy đo nồng độ oxy trong máu - công cụ cần thiết để quản lý lâm sàng COVID-19 - ít chính xác hơn khi dùng với những người có làn da sẫm màu. Phát hiện này đặt ra nhu cầu cần thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho việc kiểm tra các thiết bị y tế ứng dụng AI.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận