Dưới đây là chia sẻ của chị L.Tâm, sống ở Hà Nội, về vấn đề nhường người yếu thế:
Vụ một người khuyết tật tố cáo chủ quán phở đuổi vì ngồi xe lăn vẫn còn chưa ngã ngũ. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và sẽ có câu trả lời thỏa đáng, để từ đó có thể rút ra bài học cho mình.
Nhưng vụ việc cũng khiến tôi nhớ đến câu chuyện của mẹ tôi và vấn đề đặc quyền của người yếu thế. Nói to tát vậy, nhưng đặc quyền đó có thể chỉ là những điều đơn giản như nhường chỗ cho trẻ em, người già, người khuyết tật hay phụ nữ có thai trên xe buýt.
Việc tưởng như rất nhỏ và dường như ai cũng đồng thuận hóa ra cũng lắm tranh cãi. Trong vụ nhường ghế, thông thường trẻ em, người già, người khuyết tật và phụ nữ có thai là nhóm yếu thế, còn lại là nhóm khỏe mạnh.
Nhưng mạng xã hội cũng không ít lần bùng lên tranh cãi rằng nhường ghế chỉ là "nên". "Tôi còn trẻ nhưng đang ốm vì sao tôi phải nhường", "Tôi rất mệt mỏi, ngồi ghế cũng là tội lỗi sao", "Sao các cụ không chọn giờ thấp điểm mà đi"... là những ý kiến có thể thấy xung quanh vấn đề này.
Mẹ tôi thường xuyên đi xe buýt. Là người cao tuổi, bà thuộc nhóm được nhường ghế. Nhưng không phải lúc nào bà cũng nhận sự nhường đó. Bản thân tôi cũng thuộc nhóm từng cho rằng người trẻ phải nhường ghế cho người già, nên cảm thấy rất khó hiểu.
Mẹ nói rằng mình vẫn còn khỏe, nếu cảm thấy không khỏe thì bà sẽ nhận ghế nhường. Nhưng bình thường, mẹ sẽ không nhận, bởi "người trẻ cũng biết mệt chứ". Mẹ không đồng tình với cảnh nhiều người già cố ép người khác nhường ghế, ngồi xuống xong còn không một lời cảm ơn.
Lúc đó, tôi mới ngộ ra, không phải "người trẻ" nào cũng khỏe mạnh. Họ hoàn toàn có thể vừa đứng suốt nhiều tiếng đồng hồ trên dây chuyền sản xuất. Họ cũng có thể vừa phải tăng ca cả một đêm không ngủ.
Họ cũng có thể đang "có gì đó" trong người mà không thể hiện ra bên ngoài. Chẳng hạn, những bà bầu 3 tháng đầu bụng chưa nhô lên nên khó nhìn ra, và rất dễ trở thành đối tượng bị chỉ trích nếu họ không nhường ghế. Những người này cũng nên được xếp vào nhóm yếu thế.
Một chuyện khác tôi cũng nhận ra từ cuộc trò chuyện với mẹ. Người khỏe mạnh nên hỗ trợ cho người yếu thế, nhưng ngược lại, hóa ra nhiều người yếu thế cũng hết sức tránh làm phiền người khác một cách tinh tế, như mẹ tôi.
Là người cao tuổi, bà biết mình sẽ luôn được nhường ghế khi đi xe buýt. Do đó, bà luôn tránh di chuyển vào giờ cao điểm nếu không thực sự cần thiết.
Dù bình thường bà thích tự đi hơn, nhưng nếu cảm thấy không được khỏe mà cần ra ngoài, bà sẽ nhờ con cháu hoặc bắt taxi, xe ôm thay vì dùng xe buýt. Bà không muốn làm phiền người khác, những người sẽ phải nhường chỗ cho bà.
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa cứ mặc người yếu thế tự xử, hay không cần bất cứ hỗ trợ, ưu đãi nào cho họ. Thiết nghĩ, cả hai bên đều nên "nhường nhau" có lẽ chính xác hơn.
Những người khỏe mạnh hơn, có điều kiện hơn hỗ trợ người yếu thế hơn. Còn những người yếu thế cũng hỗ trợ ngược lại, dù chỉ nhỏ như việc tránh đi xe buýt giờ cao điểm, tránh đến những nơi dễ gây bất lợi cho tình trạng của mình. Bởi như mẹ tôi đã nói, trong cuộc đời này, ai cũng có khó khăn riêng cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận