Chiến tranh đã tàn phá nặng nề nhiều vùng lãnh thổ Ukraine - Ảnh: AP
Tại hội nghị, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói một phần tài chính cho việc tái thiết nên tới từ tài sản mà phương Tây đã tịch thu của các quan chức và tỉ phú Nga, mà ông cho rằng giá trị từ 300 - 500 tỉ USD dù không thể kiểm tra đối chiếu thông tin này. Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ ước tính tổng tài sản của các thân chủ Nga gửi ở các nhà băng của họ là 150 - 200 tỉ frank Thụy Sĩ (155 - 207 tỉ USD).
Ba giai đoạn tái thiết
Cũng theo lời ông Shmyhal, thiệt hại với hạ tầng Ukraine vì cuộc chiến hiện đã lên tới 100 tỉ USD. Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết kế hoạch tái thiết Ukraine dày khoảng 2.000 trang liệt kê hàng loạt dự án hạ tầng, an ninh, đầu tư chống biến đổi khí hậu và đa dạng hóa năng lượng. Ủy ban châu Âu hiện đang cân nhắc các giải pháp huy động tiền, bao gồm các khoản cho vay và viện trợ.
Ông Shmyhal nói cuộc tái thiết sẽ chia làm ba giai đoạn: đáp ứng những nhu cầu cấp thiết như cung cấp nước sạch; tái thiết nhanh hậu chiến như xây dựng nhà ở; và tái thiết lâu dài nhắm vào hạ tầng để "thay đổi bộ mặt đất nước".
Theo chương trình đó, trong vòng 10 năm, Ukraine dự kiến sẽ triển khai 850 dự án tái thiết và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm 7%. Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có 580 dự án được triển khai với chi phí 350 tỉ USD, và 2026 - 2032 là 270 dự án nữa với tổng đầu tư 400 tỉ USD.
Một bản đồ thiệt hại chi tiết với các vùng lãnh thổ Ukraine cũng được đính kèm. Chẳng hạn, bản đồ cho thấy 167 trường học, 1.402km đường sá, 122 bệnh viện và 7,4 triệu m2 nhà ở đã bị phá hủy riêng ở vùng Kiev vì chiến tranh.
"Tái thiết Ukraine không phải là một dự án địa phương, không phải một dự án quốc gia, mà là nhiệm vụ chung của cả thế giới dân chủ, của tất cả các nước cho rằng mình thuộc về thế giới văn minh", ông Zelensky phát biểu qua video ở Lugano. "Tái thiết Ukraine đồng nghĩa với khôi phục những nguyên tắc sống, không gian sống và mọi thứ thuộc về con người", ông Zelensky tiếp.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss cho rằng cuộc tái thiết sẽ cần tới cả một "Kế hoạch Marshall" - ý chỉ chương trình hỗ trợ của Mỹ để khôi phục nền kinh tế cả châu Âu sau Thế chiến 2.
Khó kiếm đủ ngân sách
Hội nghị ở Lugano quy tụ hàng trăm đại biểu các chính phủ, nhóm vận động, lĩnh vực tư nhân, học giả và các tổ chức của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị vốn có tiền thân là một diễn đàn đa quốc gia hỗ trợ cải cách cho Ukraine từ trước cuộc chiến, nhưng lần này tập trung vào công tác tái thiết hậu chiến.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần khoảng 5 tỉ USD mỗi tháng để duy trì các dịch vụ thiết yếu cho người dân và giữ cho nền kinh tế không sụp đổ. IMF cũng tính toán mức thâm hụt ngân sách của Ukraine năm nay sẽ là 39 tỉ USD, tương đương 25% GDP trước chiến tranh (155,6 tỉ USD vào năm 2020).
Ngay cả việc bù đắp cho những khoản chi đó hiện cũng chưa rõ ràng, khi lạm phát đang tăng chóng mặt ở nước này và nguy cơ bị Nga cắt hoàn toàn nguồn cung nhiên liệu vẫn còn đó.
Tuần trước trong một hội nghị ở Đức, nhóm G7 đã cam kết sẽ hỗ trợ tài chính và kinh tế cho Ukraine 29,5 tỉ USD trong năm nay. Liên minh châu Âu đã cung cấp 1 tỉ euro (hơn 1 tỉ USD) viện trợ ngắn hạn cho Kiev, trong khi Đức vẫn chưa giải ngân một khoản hỗ trợ cam kết khác trị giá 9 tỉ USD. Trước đó nữa, Liên minh châu Âu đã cho Kiev vay khẩn cấp 1,2 tỉ euro (1,23 tỉ USD).
"Kể từ đầu cuộc chiến, Liên minh châu Âu đã huy động khoảng 6,2 tỉ euro (6,38 tỉ USD) hỗ trợ tài chính (cho Ukraine) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói ở Lugano - Và sẽ còn thêm những khoản nữa. Chúng tôi sẽ tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết trung và dài hạn".
Ngân hàng Đầu tư châu Âu, cơ quan cho vay phát triển chính của Liên minh châu Âu, đang xây dựng một chương trình giúp Ukraine tái thiết với các khoản đầu tư lên tới 104,3 tỉ USD, theo Reuters. Tuy nhiên, cộng dồn tất cả các khoản đó lại vẫn còn kém xa so với mức yêu cầu 750 tỉ USD của chính quyền Kiev.
Các nhóm môi trường cũng nêu nghị trình của họ trong cuộc tái thiết Ukraine. Các nhóm vận động hành lang cho điện gió và năng lượng mặt trời Wind Europe và Solar Power Europe muốn Ukraine đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 40% sản lượng điện từ nguồn tái chế vào năm 2030, tương đương với mục tiêu chung của Liên minh châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Ukraine hiện sản xuất không tới 10% điện từ các nguồn tái chế. Hầu hết điện của nước này là từ nguồn hạt nhân và than đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận