15/08/2022 10:30 GMT+7

Afghanistan: vùng đất của nỗi buồn

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Đúng một năm trước, vào ngày 15-8-2021, lực lượng Taliban lên nắm chính quyền sau khi kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, còn tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài.

Afghanistan: vùng đất của nỗi buồn - Ảnh 1.

Các tay súng Taliban bắn súng lên trời để giải tán nhóm phụ nữ biểu tình ở thủ đô Kabul vào hôm 13-8 - Ảnh: AFP

Sự trở lại của Taliban có thể đã giúp kết thúc giao tranh ở Afghanistan, nhưng nỗi đau khổ của người dân cứ tiếp diễn, đến mức tạp chí Foreign Policy của Mỹ miêu tả: "Một năm sau khi Taliban nắm quyền, Afghanistan là vùng đất của nỗi buồn".

Ít cải thiện

Trong một năm qua, hàng trăm ngàn người Afghanistan đã rời bỏ quê hương của họ, trong đó có hơn 122.000 người được sơ tán trong các cuộc không vận của Mỹ và đồng minh, sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan.

Một năm trôi qua, một số thứ ở Afghanistan đã được cải thiện. Tham nhũng, vấn nạn nghiêm trọng của nước Cộng hòa Afghanistan trước đây, dường như đang giảm đi. Giao tranh quy mô lớn nhìn chung đã dừng, mặc dù vẫn có các vụ bạo lực lẻ tẻ ở một số vùng.

Tuy nhiên, các diễn biến tích cực đó không bù đắp nổi biết bao điều tiêu cực dưới sự cai trị của Taliban. Sự tuyệt vọng đã lan rộng tại Afghanistan thời gian qua. Các dân tộc thiểu số và những nhóm khác như cộng đồng LGBTQ+ không còn cảm thấy an toàn. Thủ đô Kabul sôi động một thời dường như đã mất sức sống.

Trong khi đó, những người ăn xin chen chúc trên các con đường, và nhiều người vẫn xếp hàng bên ngoài các ngân hàng với khao khát nhận được tiền mặt trong bối cảnh hàng tỉ USD của chính quyền cũ Afghanistan bị đóng băng ở Mỹ. Nội bộ Taliban lục đục, còn phụ nữ bất đồng với các biện pháp hạn chế mới của Taliban.

Chia sẻ trên báo New York Times hôm 13-8, bà Nahid Shahalimi, nhà hoạt động và là nhà làm phim người Afghanistan, cho biết kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã ban hành hàng chục lệnh cấm và sắc lệnh hạn chế quyền tự do của phụ nữ. Bộ Phụ nữ Afghanistan bị loại bỏ vào tháng 9-2021 và thay thế bằng Bộ Tuyên truyền đạo đức và phòng chống tệ nạn.

Liên Hiệp Quốc cho biết hầu hết người dân Afghanistan hiện nay đang sống dưới ngưỡng nghèo. Hồi tháng 3, cơ quan này kêu gọi viện trợ kỷ lục 4,4 tỉ USD cho hàng triệu người Afghanistan đang cần thức ăn, chỗ ở, chăm sóc y tế.

Thiếu một chính phủ toàn diện

Đến nay chưa có quốc gia nào công nhận chính quyền của Taliban là hợp pháp. Trong khi đó, Taliban đã bỏ qua cả áp lực trong nước và quốc tế về việc thành lập một chính phủ toàn diện. Theo tạp chí The Diplomat, các nhà kỹ trị đã bị gạt sang một bên để có lợi cho sự lãnh đạo cốt lõi của Taliban.

Điều đó được thể hiện rõ ở các chức vụ cấp bộ như các bộ Kinh tế, Tài chính, Nước và năng lượng, Hàng không dân dụng, Phục hồi và phát triển nông thôn. Người Pashtun (chiếm phần lớn lực lượng Taliban) nắm giữ hơn 90% các vị trí hàng đầu này, để lại rất ít khoảng trống cho các nhóm thiểu số và tôn giáo khác. Bên trong cái gọi là "tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan" này, toàn bộ nội các là nam giới.

"Rõ ràng Taliban đã ưu tiên chương trình nghị sự tôn giáo và tư tưởng hơn là nền kinh tế và nhu cầu nhân đạo của người dân Afghanistan" - bà Justine Fleischner, giám đốc nghiên cứu tại Tổ chức Quan sát hòa bình Afghanistan (APW), nhận định.

Người ta cũng thấy được Taliban đã thất hứa. Trong lần đầu tiên cai trị Afghanistan vào những năm 1990, Taliban từng áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với phụ nữ, theo đó cấm tất cả trẻ em gái đi học, cấm phụ nữ đi làm và yêu cầu họ phải mặc burqa (áo choàng dài che kín toàn thân) khi đi ra ngoài.

Trong khoảng 20 năm sau đó - sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001 - cả một thế hệ phụ nữ Afghanistan đã quay trở lại trường học và đi làm, đặc biệt ở các khu vực thành thị.

Dường như thừa nhận những thay đổi đó, cho nên khi Taliban nắm quyền trở lại vào năm ngoái, họ đã trấn an người dân rằng họ sẽ không áp dụng trở lại các quy định khắt khe như trong quá khứ. Tuy nhiên, bà Fereshta Abbasi, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), đánh giá mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó.

Hàng loạt sắc lệnh đã cản trở phụ nữ tiếp cận với giáo dục, việc làm và sự tự do đi lại. Đối với các góa phụ chiến tranh và những hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ, các sắc lệnh hạn chế này của Taliban giống như một "bản án tử hình". Tháng 3 năm nay, trong một quyết định bất ngờ, Taliban đã yêu cầu các trường trung học cơ sở dành cho nữ sinh đóng cửa, chỉ vài giờ sau khi mở lại, bất chấp những hứa hẹn trước đó.

"Những biện pháp hạn chế mà Taliban đưa ra đã khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc có được một cuộc sống bình thường và nhiều người cảm thấy tuyệt vọng. Afghanistan đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất" - bà Fereshta Abbasi bình luận.

Đối mặt tương lai ảm đạm

Theo văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hôm 12-8 hàng loạt chuyên gia Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đáng kể những nỗ lực nhằm gây sức ép Taliban tuân thủ các nguyên tắc nhân quyền cơ bản, đồng thời cảnh báo "tương lai của Afghanistan sẽ ảm đạm" nếu không có thêm các biện pháp giúp đảo ngược tình trạng nhân quyền đang xấu đi, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái.

Các chuyên gia này đánh giá Taliban không chỉ không thực hiện các cam kết về bảo vệ quyền con người, mà còn đảo ngược nhiều tiến bộ đã đạt được trong hai thập niên qua.

Thủ lĩnh tối cao bí ẩn của Taliban ‘nhắn’ thế giới đừng xen vào việc của Afghanistan Thủ lĩnh tối cao bí ẩn của Taliban ‘nhắn’ thế giới đừng xen vào việc của Afghanistan

TTO - Trong lần hiếm hoi rời Kandahar, nơi khởi nguồn và là trung tâm thiêng liêng của Taliban, để dự một hội nghị tôn giáo, Thủ lĩnh tối cao bí ẩn của Taliban - Hibatullah Akhundzada kêu gọi thế giới ngừng xen vào đường lối của Afghanistan.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên