Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV khẳng định các khoản dịch vụ thu phí mỗi chuyến bay chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng giá vé mà hãng bay đang áp dụng. Không có chuyện sân bay lãi nghìn tỉ đồng do thuế phí cao khiến giá vé máy bay tăng.
Có bao nhiêu khoản thu phí trên vé máy bay?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo ACV khẳng định các khoản thu dịch vụ ở sân bay với hãng nội địa đang rất rẻ so với khu vực. Nếu tính theo tỉ lệ đầu tư và thu đúng sẽ không có mức giá này.
Vậy cơ cấu các chi phí giá, phí ACV đang thu trong một vé máy bay như thế nào? Hiện ACV có 10 mức giá đang thu. Trong đó có khoản thu hộ Nhà nước là giá dịch vụ cất hạ cánh đối với các hãng hàng không, 8 khoản thu Nhà nước quy định khung giá, một khoản thu ACV quy định mức giá.
Danh mục 8 khoản thu Nhà nước quy định khung giá gồm dịch vụ phục vụ hành khách và soi chiếu an ninh, dịch vụ sân đậu tàu bay, cho thuê cầu dẫn khách, quầy thủ tục, băng chuyền hành lý, xe hành lý tự động, phục vụ mặt đất sân bay nhóm C.
Một khoản thu khác mà ACV đang thu là giá dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất. Cụ thể, theo đại diện ACV, tại các cảng hàng không chi nhánh (trừ 4 cảng hàng không lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh), ACV đang thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất cho các hãng hàng không và thu tiền theo chuyến bay.
"Đối với Vietnam Airlines và Vietjet, mức thu này được áp dụng từ khi ký hợp đồng dịch vụ hàng không năm 2012 cho đến nay chỉ điều chỉnh tăng 1 lần vào năm 2019 với mức tăng là 5%", đại diện ACV nói và cho biết thêm với số tiền thu từ dịch vụ này, nếu chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321 là khoảng 30.000 đồng/hành khách.
Theo ACV tính toán, chi phí sân bay trong một vé máy bay nội địa khoảng 125.000 - 170.000 đồng, tùy sân bay. Đây là số tiền khá thấp trong tổng giá vé khách chi trả cho một vé máy bay mà các hãng hàng không đang áp dụng.
Phí dịch vụ hành khách sân bay Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan...
Trong cơ cấu giá vé máy bay hiện tại, chỉ có 2 mục các hãng hàng không thu hộ ACV là phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách, hành lý.
Về giá phục vụ hành khách, ACV cho biết mức giá này tùy theo sân bay, thấp nhất là 54.545 đồng/khách, cao nhất 90.909 đồng (chưa bao gồm VAT). Đây là mức giá dịch vụ cảng, tức là khách sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay.
Có nhiều thông tin cho rằng khoản phí khách trả cho dịch vụ sân bay chiếm 65% khiến giá vé khó giảm, ACV cho rằng chưa chính xác.
Vị này dẫn thông tin so sánh cùng khoản giá dịch vụ sân bay nội địa so với các sân bay trong khu vực, giá ở Việt Nam còn thấp hơn.
Chẳng hạn, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) đang thu 100 nhân dân tệ, hơn 330.000 đồng/khách. Thái Lan thu 95.000 đồng/khách, cao hơn 5.000 đồng so với Việt Nam. Tương tự, Malaysia thu 105.000 đồng/khách, Hàn Quốc thu 90.000 đồng/khách...
Theo ACV, mức giá thu hiện nay vẫn rất rẻ. Tính đúng theo tỉ lệ đầu tư sẽ không có mức giá thu như hiện nay. "Trong năm nay ACV cũng chưa tăng giá dịch vụ nào", vị này khẳng định. Nếu ACV có tăng sẽ dựa trên cơ sở hạ tầng đầu tư mới, dịch vụ mới tốt hơn dịch vụ cũ mới tính toán tăng giá.
Cần rà soát chi phí cấu thành giá vé máy bay
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không cho rằng cần mở rộng phạm vi thanh tra hãng bay thay vì tập trung vào công tác giá vé, niêm yết giá của hãng bay đợt này.
Giá vé máy bay bao gồm nhiều cơ cấu chi phí. Cần chỉ rõ đâu là chi phí Nhà nước thu, phí mà hãng bay đặt ra "bủa vây" trong một vé máy bay. Có loại phí ngang giá vé chẳng hạn như phí quản trị hệ thống 450.000 đồng/khách, phí xuất vé từ 50.000 đồng/lần...
Theo vị này, khi kê khai chi tiết các chi phí sẽ rõ ràng, mức phí nào chưa hợp lý cần điều chỉnh để phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận