Học sinh lớp 12 khử khuẩn, khai báo y tế trước khi vào trường - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tại buổi họp báo chiều 16-12, ông Trịnh Duy Trọng - trưởng phòng chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết số học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại thực tế rất cao so với khảo sát trước đó. Cụ thể, tỉ lệ học sinh THCS đi học lại là 90.69% và học sinh THPT là hơn 93%.
Xuất hiện 8 ca F0
Theo ông Trọng, trước khi đón học sinh đi học trở lại, tất cả những cơ sở giáo dục, trường học đều phải có kế hoạch dạy học trực tiếp. Các kế hoạch này đều phải được ban chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra và đánh giá mức độ an toàn, nếu đạt yêu cầu mới triển khai.
Đến nay, nhà trường thực hiện tốt kế hoạch đã ban hành, các tình huống xảy ra đều nằm trong dự kiến kế hoạch diễn tập trước. Các kế hoạch này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và các trạm y tế, trạm y tế lưu động và trung tâm y tế các địa phương để kịp thời xử lý các tình huống F0 xuất hiện trong trường.
"Ca F0 có xuất hiện nhưng đều nằm trong kịch bản. Việc dạy và học của những lớp có F0 xuất hiện vẫn diễn ra bình thường", ông Trọng nói.
Ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - cũng cho biết trong số 8 trường hợp F0, có 6 học sinh và 2 giáo viên. Tất cả các trường hợp F0 đều được xử lý theo quy trình, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. "Phụ huynh hãy yên tâm cho con đi học bình thường", ông Hải nói.
Quy trình xử lý khi có F0
Trước đó, Sở Y tế có văn bản gửi Sở GD-ĐT, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học.
Trường hợp phát hiện người nghi nhiễm phải thông báo ngay cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ COVID-19 của cơ sở giáo dục, đồng thời chuyển người nghi nhiễm đến phòng cách ly tạm thời (không sử dụng thang máy).
Thông báo ngay cho phụ huynh để phối hợp xử lý. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người có triệu chứng nghi nhiễm.
Song song đó, phải thông báo ngay đến trạm y tế, trung tâm y tế địa phương để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, Sp02 dưới 96%, nhà trường cần liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện điều trị COVID-19 gần nhất. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, nhà trường hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương nơi cư trú tiếp cận xử lý theo quy định.
Cùng với việc xử lý F0, phải tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.
Sau đó, trường tiếp tục theo dõi F1 trong cùng lớp học với F0, đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Nếu F1 đã tiêm vắc xin đủ liều hoặc là F0 đã khỏi bệnh thì được đi học bình thường nhưng phải xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0.
Nếu F1 chưa tiêm vắc xin đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều nhưng có yếu tố nguy cơ thì cần cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận