11/10/2024 09:37 GMT+7

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 5: Những người ở lại xây thời đại mới

"Đi hay ở" là câu hỏi lớn của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, nhà tư sản Hà Nội năm 1954 và rất nhiều người đã chọn ở lại, cùng góp sức xây đắp đời mới trên mảnh đất đã giành được độc lập mà họ yêu thương tha thiết.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 5: Những người ở lại xây thời đại mới - Ảnh 1.

Tác phẩm Phố Hàng Đào ngày tiếp quản thủ đô của Trịnh Hữu Ngọc

Bạn bè mình ở đây cả, đi thì ở với ai

Quyết định ở lại của họa sĩ, ông chủ xưởng gỗ MÉMO Trịnh Hữu Ngọc, nhà nghiên cứu, nhà báo, ông chủ tạp chí Tri Tân Nguyễn Tường Phượng... năm ấy tưởng như là đương nhiên. Có rất nhiều lý do để họ quyết định ở lại với đồng bào mình, trong đó có một lý do chung đó là niềm tin yêu tha thiết với Hà Nội, với xứ sở.

Trong căn nhà cổ trên phố Quán Thánh của gia đình đã đi vào bài thơ, bài hát nổi tiếng Em ơi Hà Nội phố, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ (Trịnh Hữu Tuấn) bồi hồi nhớ lại bao ký ức về người cha thân yêu của mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, ông chủ xưởng đồ gỗ nội thất MÉMO nổi tiếng ở Hà thành trước 1954.

Khi bố còn sống, Trịnh Lữ đã nhiều lần hỏi bố tại sao hồi ấy nhà ông không vào Sài Gòn hoặc sang Paris như sắp xếp của chính quyền Pháp. Có quá nhiều lý do khiến ông chủ MÉMO quyết định ở lại.

Ông Trịnh Lữ kể lúc bấy giờ cha ông là người rất thành công với xưởng đồ gỗ, chuyên thiết kế, sản xuất đồ nội thất rất được các nhà tư sản và tầng lớp trí thức mới ưa chuộng. Gia đình ông Ngọc được sắp xếp vào Nam hoặc sang Pháp. Ông Trịnh Lữ lúc đó 6 tuổi còn nhớ lính Pháp đến nhà ông đóng thùng tất cả máy móc xưởng mộc. Các con ông Ngọc mỗi người được phát một cái ba lô Mỹ để đựng quần áo và một miếng thẻ bạc khắc tên tuổi mình đeo ở cổ tay.

Thế rồi, người Pháp nổ mìn phá chùa Một Cột. Đau lòng, người vợ thứ của ông Ngọc là họa sĩ Nguyễn Thị Khang ra tận nơi vẽ xác ngôi chùa. Gia đình họ quyết định không đi đâu cả. Ông Trịnh Lữ bảo bố mình tuy là ông chủ xưởng mộc nổi tiếng nhưng ông không suy nghĩ như người nhà giàu, người làm ăn mà như một nghệ sĩ. Cho nên mọi quyết định của ông Ngọc đều vì tình cảm. Rất gắn bó với quê hương, ông bảo: "Đi thì nhớ lắm màu xanh đồng ruộng, tre trúc, núi non này lắm, chịu làm sao được".

Ông cũng không cần một đời sống giàu có mà "bên kia" hứa hẹn. Ngược lại, ông sợ sự giàu có sẽ khiến con cái hư hỏng hết. Ông vẫn bảo với các con "giàu có là dễ hỏng nhất". Ông chỉ muốn các con tự lực cánh sinh, chăm lao động. Vậy thì đâu cớ gì để ông phải rời bỏ mảnh đất quê hương.

Thêm nữa, những người bạn thân thiết của ông từ hồi còn hoạt động trong phong trào Hướng đạo như Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng... đã trở về từ chiến khu để xây dựng thời đại độc lập, tự do. Bạn bè thương quý đều đang hăng hái xây đắp cuộc đời mới, "mình bỏ đi thì sống với ai".

Vậy là gia đình ông Ngọc quyết ở lại. Ngày bộ đội về tiếp quản thủ đô 10-10-1954, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc mang giá vẽ ra đầu phố Hàng Đào vẽ cảnh tưng bừng cờ hoa. Ông Trịnh Lữ lúc đó lên 6, lần đầu tiên được bố mẹ dạy cách vỗ tay hoan khô khi đứng đón chào những đoàn quân chiến thắng trở về.

Ở lại Hà Nội, ông Trịnh Hữu Ngọc nhiệt tình tham gia xây dựng cuộc đời mới. Ông đi vẽ một tháng liền về vùng biên giới phía Bắc của đất nước, chuyển xưởng MÉMO cho Bộ Quốc phòng, mở lớp vẽ thủ đô trong xưởng mộc cũ để sinh sống.

Rồi trường tư không được mở nữa, năm 1962, theo thiện ý và thu xếp của chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng - một người bạn thân thiết của ông Ngọc, ông về dạy ở Trường Mỹ thuật công nghiệp (nay là Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).

Ông cũng được mời làm đồ nội thất cho chuyên cơ AN24 của Bác Hồ và văn phòng Phủ Thủ tướng, làm nội thất khu vực nhà chờ và đón khách của sân bay Gia Lâm, nội thất phòng khánh tiết của Ủy ban Hành chính TP Hà Nội...

Sau này, cảm hứng về ngày tiếp quản thủ đô, ông Trịnh Hữu Ngọc đã vẽ bộ tranh sơn khắc Tiếp quản thủ đô, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội treo ở phòng khánh tiết...

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 5: Những người ở lại xây thời đại mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tường Phượng (bìa phải) cùng vợ và ba con đầu những năm 1950 tại nhà ở Hà Nội - Ảnh: GĐCC

Một người ở lại, cả họ theo

Câu chuyện ở lại của nhà nghiên cứu văn học, sử học lừng danh, nhà báo Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974, hiệu Tiên Đàm) cũng thật cảm động. Bà Nguyễn Hải Yến - con gái ông Nguyễn Tường Phượng - nhớ lại những ngày đặc biệt ấy.

Ông Nguyễn Tường Phượng là con trai quan án sát triều Nguyễn, là chủ bút tạp chí Tri Tân (tồn tại từ 1941 - 1946), một nhà nghiên cứu văn học sử nổi danh, nhà giáo đang dạy tú tài ở Trường Chu Văn An. Bà Yến khi ấy 12 tuổi, còn nhớ bố mình được vận động di cư nhiều lắm. Biết ông là người nho nhã, sẽ khó vận động ông vào Nam, quân Pháp dụ ông vào Huế làm giám đốc một trường ở đây. Nhưng ngay từ đầu ông Nguyễn Tường Phượng đã kiên định chọn ở lại.

Bà Hải Yến còn nhớ gia đình bà lúc ấy sống ở biệt thự 21 Trần Hưng Đạo, khu vực rất căng thẳng vì gần khu nhượng địa, nhà thương Đồn Thủy mà những người lính Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ đang chữa trị. Lại thêm cảnh ngày nào họ hàng đông đúc gồm các nhà tư sản, tri thức cũng tìm đến nhà ông Phượng để hỏi ý kiến ông đi hay ở. Họ cũng muốn ở lại theo ông Phượng, nhưng lại sợ bị bắt cưỡng bức di cư, phải nhờ ông Phượng chỉ cách đối phó.

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 5: Những người ở lại xây thời đại mới - Ảnh 4.

Bộ tranh sơn khắc Tiếp quản thủ đô của Trịnh Hữu Ngọc

Cách của ông Phượng là giả đóng gói đồ đạc vào thùng, để ngổn ngang trong nhà, khóa cửa lại và có hé cửa cho quân Pháp nhìn vào tưởng như nhà ông đang chuẩn bị đi. Thực ra, ông Phượng về quê ở Bắc Ninh lánh mặt, vợ con ông cũng đi tới nhà họ hàng ở nhờ, để tránh bị quân Pháp đến quấy nhiễu, vận động di cư. Nhờ vậy gia đình ông vẫn được ở lại Hà Nội, ở lại thành phố đã gắn bó với ông cả đời, nơi ông đã dìu dắt bao lứa học trò, và họ hàng nội ngoại đều ở đây cả.

Quyết định của cụ Tiên Đàm không chỉ cho gia đình cụ, mà toàn bộ họ hàng nội, ngoại đều nhìn vào cụ để theo, không một ai di cư. Trải qua những ngày căng thẳng tránh bị cưỡng bức di cư như thế, nên ông Nguyễn Tường Phượng đã đón ngày tiếp quản thủ đô 10-10-1954 với một cảm xúc rất đặc biệt, vui mừng khôn kể. Như những người Hà Nội khác, ông chờ đợi một vận mệnh mới cho thành phố.

Bà Hải Yến kể lòng người vỡ òa niềm vui như thác đổ. Trước đó, khi bộ đội chưa về tiếp quản, Hà Nội chìm trong không khí căng thẳng tột độ, nhà nào nhà ấy đóng cửa kín mít vì sợ trước khi quân Pháp rút đi sẽ làm càn, phóng hỏa đốt phá thành phố... Tới ngày 10-10-1954, cờ hoa bừng lên khắp phố, nhà nhà mở cửa, ra đường đón những đoàn quân trở về. Các khu phố người ta nhảy sạp, múa hát mừng đoàn quân giải phóng, một bộ mặt hoàn toàn khác của Hà Nội.

Bà Hải Yến còn nhớ lúc ấy bà đang học "lớp bét" Trường Ngô Sĩ Liên, cũng nhào ra đường đón bộ đội. "Các anh đi đâu là chúng tôi đi theo, hát theo các anh những bài như Qua miền Tây Bắc (nhạc sĩ Nguyễn Thành), Vì nhân dân quê mình (nhạc sĩ Doãn Quang Khải). Chúng tôi thích lắm vì thấy các anh bộ đội vui vẻ, trẻ trung, khác hẳn lính Pháp chỉ gây nỗi sợ hãi. Nhà tôi có mấy chú đi kháng chiến trở về lành lặn, gặp lại nhau mừng vô cùng", bà Yến kể.

Có một điều thú vị, cả hai người trong câu chuyện chọn ở lại thủ đô sau 1954 này tưởng không liên quan thực ra lại từng gắn bó. Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc từng vẽ rất nhiều minh họa cho tạp chí Tri Tân - tiếng nói của giới trí thức Hà Nội trước 1945 do ông Nguyễn Tường Phượng làm chủ bút. Ông Ngọc yêu quý tờ tạp chí của ông Phượng tới độ đã đặt tên cho hai người con cùng sinh năm 1945 của mình là Tri và Tân.

---------------------

"Và khi máy bay lượn một vòng giã biệt trên bầu trời Hà Nội, phía trên hình bầu dục xanh lam của hồ Hoàn Kiếm, trái tim tôi như đang muốn nói: Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt với Người, Việt Nam thân yêu!".

Kỳ tới: Chia tay những người bạn Liên Xô đặc biệt

70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 5: Những người ở lại xây thời đại mới - Ảnh 3.70 năm tiếp quản thủ đô: Ta đã về đây Hà Nội ơi! - Kỳ 4: Cuộc trùng phùng trong trời tự do

Ngày 10-10-1954, trời thu rất đẹp, cuộc trùng phùng diễn ra trong trời tự do. Đoàn quân đi như sóng tiến về Hà Nội...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên