02/11/2018 17:23 GMT+7

70 năm lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc - kỳ cuối: Sự tham gia của Việt Nam

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đầu tháng 6-2014, hai sĩ quan quân đội đầu tiên của Việt Nam đã lên đường sang Nam Sudan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Phái bộ Nam Sudan với vai trò là sĩ quan liên lạc.

70 năm lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc - kỳ cuối: Sự tham gia của Việt Nam - Ảnh 1.

Các nữ binh sĩ mũ nồi xanh VN tại Nam Sudan - Ảnh: HỒ LÊ cung cấp

Đối với kết quả mà các sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ thì tôi chỉ có một từ để nói, đó là: tuyệt vời”

Nguyên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc BAN KI MOON


Hai sĩ quan đầu tiên ở Nam Sudan

Đó là trung tá Mạc Đức Trọng và trung tá Trần Nam Ngạn thuộc Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam (Bộ Quốc phòng). Theo số liệu của LHQ, cuộc nội chiến ở Nam Sudan đã khiến hàng chục ngàn người dân thiệt mạng và hơn 2 triệu người mất nhà cửa.

Khi qua Nam Sudan, hai sĩ quan này được LHQ huấn luyện cách báo cáo tình hình sau tuần tra, cách thức liên lạc...

Trung tá Trọng cho biết: "Vì chúng tôi là người Việt Nam đầu tiên nên sau khi thực tập nhiệm vụ cụ thể, LHQ còn cho thực tập tại các phòng ban tham mưu.

Đó là chương trình huấn luyện đặc biệt dành riêng cho Việt Nam. Họ biết mình đi làm nhiệm vụ nhưng còn tìm hiểu cơ cấu của LHQ để báo cáo về nước...

Một tuần sau khi huấn luyện, trung tá Ngạn được cử về thủ phủ Bor - cách thủ đô Juba 200km, còn trung tá Trọng về tỉnh Melut, cách thủ đô 1.000km.

Ở Bor lúc đó đang diễn ra xung đột giữa phe của Tổng thống Kiir và Phó tổng thống Machar. Tình trạng bắn giết diễn ra hằng ngày.

Trung tá Trần Nam Ngạn cho hay: "Cứ ngày hôm nay phe này giành quyền kiểm soát thì mấy ngày sau phe kia giành lại được quyền kiểm soát. Tình hình rất hỗn loạn và vô cùng nguy hiểm".

Hằng tuần, nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc là phải bay đến các khu vực dân cư tìm hiểu xem người dân có bị đói khát, thiên tai, có bị tấn công hay không, nếu có thì bị lực lượng nào tấn công... và báo cáo để LHQ có kế hoạch cứu trợ.

Trong khi đó tại Melut - cực bắc của Nam Sudan, trung tá Trọng cũng ngày đêm đối diện với khó khăn, nguy hiểm. Melut là chiến trường trọng điểm của quân chính phủ và quân đối lập. Họ đánh nhau liên tục.

Khi xung đột xảy ra, các hoạt động cứu trợ quốc tế bị ngừng. Sau xung đột, nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc là đến các vùng xung đột gặp chỉ huy các bên để đàm phán nối lại hoạt động cứu trợ giúp hàng ngàn người dân được cấp lương thực ăn hằng ngày và đảm bảo tính mạng cho nhân viên LHQ cũng như sự an toàn của các chuyến bay cứu trợ của LHQ.

Trong một năm ở Nam Sudan, trung tá Trọng cho biết mình đã thực hiện 200 cuộc tuần tra, áp tải nhiên liệu và hàng cứu trợ bằng đường sông dài hơn 10.000km. Rất nhiều lần anh phải trải qua những cuộc đàm phán căng thẳng với quân đội hai phía để thực hiện thành công các nỗ lực cứu trợ.

Tháng 7-2015, hai trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn hoàn thành sứ mệnh GGHB tại Phái bộ Nam Sudan. Họ đã được trung tướng Yohannes Gebremeskel, tư lệnh Phái bộ Nam Sudan, ký tặng huân chương và đánh giá cao sự đóng góp.

70 năm lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc - kỳ cuối: Sự tham gia của Việt Nam - Ảnh 3.

Sĩ quan mũ nồi xanh Trần Nam Ngạn tại Nam Sudan - Ảnh: nhân vật cung cấp

Những sứ giả hòa bình

Ngày 1-10-2018 đã đánh dấu một cột mốc lịch sử khi Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB tại Phái bộ Nam Sudan.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam là đơn vị quân y thứ 69 tham gia hoạt động GGHB.

Tại buổi lễ, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (thứ trưởng Bộ Quốc phòng) khẳng định Việt Nam tham gia các hoạt động GGHB của LHQ là bước đột phá nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của đất nước, thể hiện trách nhiệm và sự chung tay góp sức của Việt Nam đối với các quốc gia còn xung đột, đói nghèo.

Chỉ một ngày sau lễ xuất quân, đội hình xuất phát đợt 1 gồm 32 thành viên cùng trang thiết bị của Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã lên đường bay đến Nam Sudan.

Ngày 17-10, đội hình xuất quân đợt 2 cũng đã có mặt tại Nam Sudan. Sau hai đợt xuất quân bằng đường không, Việt Nam đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn với 63 người và hàng chục tấn hàng hóa.

Kết quả này khiến lực lượng quân y của Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Anh đánh giá rất cao vì họ đã phải mất nửa năm mới hoàn thành cơ bản công việc này.

Tại Nam Sudan, lính quân y Việt Nam sẽ làm nhiệm vụ chữa bệnh cho các nhân viên của phái bộ, các lực lượng thuộc phái bộ ở Bentiu và người dân Nam Sudan trong những trường hợp khẩn cấp.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 28 sĩ quan và một Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã và đang thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ LHQ.

"Ngoài hai lĩnh vực dự kiến tham gia từ đầu là công binh và quân y, chúng ta có thể tham gia một số lĩnh vực khác như phái viên quân sự, sĩ quan tham mưu của phái bộ, công binh công trình" - đại tá Hoàng Kim Phụng, cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, cho biết.

Ông khẳng định: "Những quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của LHQ sẽ là các đại sứ hòa bình, thể hiện trách nhiệm và truyền thống nhân văn của dân tộc ta.

Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của LHQ, những quân nhân này còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Bằng các hoạt động thực tiễn, các đại sứ đặc biệt này sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế quân đội Việt Nam trên thế giới, góp phần làm cho quan hệ quốc tế của đất nước ngày càng rộng mở, giúp thế giới hiểu rõ hơn chính sách quốc phòng của Việt Nam".

70 năm lực lượng mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc - kỳ cuối: Sự tham gia của Việt Nam - Ảnh 4.

Đội nữ y bác sĩ VN của Bệnh viện dã chiến cấp 2 trong trang phục bà ba tại Nam Sudan - Ảnh: HỒ LÊ cung cấp

Các dấu mốc tham gia của Việt Nam

Ngày 11-4-2015, Bộ Quốc phòng tiếp tục cử ba sĩ quan tham gia lực lượng mũ nồi xanh tại Cộng hòa Trung Phi với vai trò tham mưu.

Năm 2017, LHQ đề nghị Việt Nam cử thêm hai sĩ quan đi Trung Phi làm quan sát viên quân sự và phân tích thông tin tình báo.

Ngày 14-7-2017, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để Bộ Quốc phòng triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 và đội công binh tham gia hoạt động GGHB của LHQ.

Ngày 30-10-2017, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của LHQ tại Phái bộ Nam Sudan.

Theo đại tá Hoàng Kim Phụng, "lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB của LHQ không phải là lực lượng tham chiến, không đặt dưới sự chỉ huy của bất kỳ quốc gia nào và chỉ hành động trong khuôn khổ các thỏa thuận với LHQ".


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên