Bè tre lênh đênh trên biển - Ảnh: Đỗ Nguyên Ái
Đó là "7 gã lãng tử" bày ra cuộc chơi độc đáo: dùng bè tre mong manh vượt ngàn hải lý dọc bờ Biển Đông ở đất nước mình. Họ xuất phát ngày 20-1-2019 từ bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa.
99 giờ lênh đênh trên biển
Chiếc GPRS được sắm trên hai chiếc bè tre cho thấy: một đường cong ôm sát dọc bờ biển đất nước với điểm đầu tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và điểm tạm dừng tại sông Hàn. Điểm kết thúc hải trình sẽ là tại Phú Quốc (Kiên Giang), lịch dự tính 40 ngày.
"Hiện tại, bè đã đi được tổng cộng 297 hải lý, tính thời gian lênh đênh trên biển của mấy anh em là 99 giờ. Một con số đẹp và một kỷ niệm đâu dễ có được" - ông Đỗ Nguyên Ái, trưởng nhóm bè tre gồm 7 thành viên, giọng khàn khàn.
9 ngày, 99 giờ trôi trên biển và 297 hải lý dọc bờ biển, ít ai có thể ngờ được 7 con người đã ăn ở, sinh hoạt, nấu nướng, sinh tồn trên biển chỉ trên hai chiếc bè tre với mỗi chiếc rộng không quá 3m, dài không tới 10m và trên mỗi bè một cột buồm không quá 7m.
"Bè tre đúng nghĩa bè tre, tất cả được ghép nối lại hoàn toàn bằng tre, các nút thắt kết nối bằng dây buộc, hoàn toàn không dùng một con ốc, đinh vít nào" - ông Châu Hùng, thành viên "phụ trách kỹ thuật" của đội bè tre, dẫn giải chi tiết.
Cuộc vượt biển của những tay lãng tử
Đội bè tre gồm 7 người, trong đó có 2 ngư dân ở Sầm Sơn. Vì ham chơi mà cũng đã bỏ biển, theo anh em đi chặt tre, kết bè. Mấy gã chơi với nhau từ lâu trong hội thuyền buồm, gặp nhau rồi gút ý tưởng di chuyển bằng bè tre này trong một cuộc gặp gỡ.
Ông Đỗ Nguyên Ái cho biết để có thể kết được bè tre, cả nhóm đã họp mặt và lên kế hoạch trước đó hai tháng trời. Tất cả thành viên mỗi người một tỉnh, kẻ ở TP.HCM, người ở Đà Nẵng... khăn gói ra Sầm Sơn đi kiếm tre kết bè. Chiếc bè tre được kết ngay làng đóng bè Quảng Đại (Sầm Sơn) và mất một tháng để hoàn thiện.
"Anh em tui muốn cùng nhau ghép bè bằng những thứ tối giản, nguyên thủy nhất để làm một phương tiện đường thủy y hệt như cha ông tổ tiên xưa đã thân chinh làm cuộc Nam tiến trên biển, để xem cha ông chúng ta đã sống như thế nào trên bè. Bọn tui tự tin cha ông làm được thì tụi tui muốn xem họ làm thế nào và để chứng minh với thế giới rằng bè tre Việt Nam hoàn toàn có thể đủ sức vượt đại dương" - ông Châu Hùng giải thích lý do 7 con người đi chơi kiểu hoang dã suốt hàng tháng trời.
Trích nhật ký group Bè tre Việt Nam 2019
Trong “cabin” bè có thiết bị để ngủ nghỉ và liên lạc - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
* Ngày 25-1: "Những ngày đầu hành trình lúc gió nhẹ thì anh em thấy chán vì bè không chạy được bao nhiêu, quá chậm, cũng là tâm lý chung của những người chưa từng đi thuyền buồm. Ngày thứ hai gió mạnh sóng dữ, một số anh em bình tĩnh, một số lo lắng, điều này cũng đúng luôn.
* Ngày 26-1: "Chưa câu được con cá nào...".
* Ngày 27-1: "Vừa hé cửa cabin đã muốn thụt vào, vì ngoài trời mưa lạnh trong khi trong khoang ngủ ấm ru. Bước ra vuốt mặt rửa mắt mũi bằng nước mưa. Hiện còn 10 hải lý nữa là vào hải phận Thừa Thiên, 70 hải lý nữa đến Đà Nẵng. Đang tiến hướng đông nam, tốc độ 2,55 lý/giờ".
* 28-1: Ôm vòng hòn Sơn Chà vào Vũng Hàn, Đà Nẵng. Vừa thò đầu vào thì thấy hai bóng thù lù chạy ra, một tàu du lịch khổng lồ có đèn sáng, tàu kia chở container đen thùi lùi. Chạy sát núi bên mạn phải để tránh luồng tàu, nhưng gió cứ tạt bè qua luồng. Chạy được có 2 lý/giờ"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận