28/10/2006 15:17 GMT+7

Vượt ghềnh với bè tre

TỐ OANH
TỐ OANH

TTO - Mấy mươi năm nay người dân khu vực chân đèo Chuối (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) gắn bó với nghề tre. Cánh đàn ông vào rừng đốn tre, kết lại thành bè, xuôi theo dòng nước về đến làng để phụ nữ, người già chẻ tre, đan sọt... Họ chẳng thể ngờ công việc hằng ngày bỗng trở thành một loại hình du lịch mới đầy hấp dẫn: vượt ghềnh với bè tre.

1vdKRsnb.jpgPhóng to
TTO - Mấy mươi năm nay người dân khu vực chân đèo Chuối (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) gắn bó với nghề tre. Cánh đàn ông vào rừng đốn tre, kết lại thành bè, xuôi theo dòng nước về đến làng để phụ nữ, người già chẻ tre, đan sọt... Họ chẳng thể ngờ công việc hằng ngày bỗng trở thành một loại hình du lịch mới đầy hấp dẫn: vượt ghềnh với bè tre.

Đi lại thường xuyên trên tuyến TP.HCM - Đà Lạt, anh Nguyễn Đức Hiếu - giám đốc Công ty du lịch Hồng Bàng - ngắm nghía mãi dòng suối chảy qua cầu Đạ Quay (thuộc huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) với những chiếc bè tre của người dân địa phương lao vun vút theo dòng. Ý tưởng gắn bè tre vào du lịch “hành động” (action tour) cho giới trẻ được hun đúc mãi đến những ngày cuối năm 2003 mới thành hiện thực.

Vượt khoảng 150km đường quốc lộ theo hướng từ TP.HCM lên Đà Lạt, chúng tôi đến chân đèo Chuối. Tấp vào một quán nước bên đường nghỉ mệt, các thành viên trong đoàn bắt đầu chuẩn bị “đồ nghề”. Đó là hai chiếc balô to đùng, căng phồng với nón bảo hộ, áo phao, dây, đai cùng một chiếc xuồng cao su. Người dân địa phương hơi lạ khi nhìn thấy chúng tôi xuất hiện với lỉnh kỉnh đồ đạc hỏi đường vào phía thượng nguồn dòng suối Đạ Quay.

Gần một giờ cuốc bộ, vòng vèo qua mấy đám cỏ voi cao lút đầu người, đến một quãng đường rừng gập ghềnh nghe tiếng suối róc rách thì gặp Tuấn và Thuận ở điểm tập kết. Đó là hai “tiều phu” chính hiệu đã giúp chúng tôi đốn tre từ tinh mơ. Hai anh đang cặm cụi kết tre thành từng bó. Công thức tính là mười cây tre tươi kết được một bó, bốn bó thì kết thành một chiếc bè rộng hơn 1m và dài khoảng 4m. Dây cáp chuyên nghiệp đem theo dự định để kết bè chẳng hiệu quả bằng sợi lạt mềm chẻ ra từ tre non. Sợi lạt mỏng manh nhưng kết những cây tre lại thành một rất chặt. Trong khi một tốp lui cui thắt thêm dây tạo chỗ vịn từ đầu đến cuối chiếc bè thì các thành viên còn lại hì hục bơm đầy hơi cho chiếc xuồng cao su. “Phải đem theo cái này. Có nó mới yên tâm mà chơi ở địa hình lạ” - Đức, huấn luyện viên môn leo núi, giải thích.

Tuấn và Thuận chống sào, bốn chúng tôi đội nón bảo hộ, mặc áo phao vào rồi lần lượt trèo lên mà tim cứ phập phồng. Chiếc bè chìm xuống, nước tràn qua nhúng ướt toàn bộ “vòng số 3” rồi giữ luôn ở mức như vậy. Bè được đẩy ra xa bờ và từ từ xuôi theo dòng. “Mùa này, nước vừa phải đi rất sướng. Nhằm mùa nước lớn, tháng 5-6 âm lịch không phải dân chuyên nghiệp đi sẽ rất sợ. Còn mùa tết, bọn này thả bè xuống tận suối Tiên chơi đến chiều rồi đón xe đò trở về”- Tuấn cho biết. Hơn 15 năm ngược xuôi với bè tre, Tuấn và Thuận thuộc lòng từng chỗ nước xoáy, ghềnh, tảng đá, bãi sỏi... nên lèo lái chiếc bè một cách điệu nghệ. Tốc độ bè tăng dần lên.

Người chống sào nói to: “Ngồi yên nha, chuẩn bị vượt ghềnh!”. Bè tròng trành, nước bắn tung toé lên người. Chúng tôi mở hết “volume” mà la, mà cười nắc nẻ hệt như chơi các trò cảm giác mạnh ở các công viên nước. Cảm giác thật thú vị! Cứ thế chiếc bè đưa chúng tôi vượt hết ghềnh này đến ghềnh nọ. Có chỗ nước xoáy mạnh, chiếc bè như bị khẳm, chìm hẳn xuống nhúng chúng tôi vào làn nước mát rượi ngập hơn nửa người. Nhiều chỗ nước cạn, đáy bè chà xát với sỏi kêu lạo xạo hay mắc kẹt vào bãi đá nhưng vẫn thoát ra một cách dễ dàng. Chẳng bù cho chiếc xuồng hơi đến mấy chỗ này phải nhảy xuống mà... vác.

Gần nửa tiếng tận hưởng cảm giác trồi lên rồi lại... nhúng xuống đã đời, bè đưa chúng tôi đến cầu Đạ Quay (bắc qua quốc lộ 20). Đoạn này nước chỉ còn khoảng nửa mét nên các chàng trai nhảy ùm xuống nước bơi một cách thỏa thích. Xì hơi chiếc xuồng cao su, anh Hiếu tiết lộ: “Món này sẽ là một tour thú vị cho các bạn trẻ. Mình định thiết kế sáng đi chiều về (cắm trại và ăn trưa ở Mađagui) hoặc kết hợp điểm dừng chân trên đường từ TP.HCM đến Đà Lạt. Giá làm bè tre rẻ cho nên giá của tour cũng sẽ rất mềm”.

(viết chung với Trần Nguyên)

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên