Ra đời đúng ngày thành lập Đoàn 26-3, Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã có nửa thế kỷ đồng hành, góp phần đào tạo bao thế hệ cán bộ làm công tác thanh niên cho TP.HCM từ trong chiến tranh đến hôm nay.
Đổi mới để tiếp cận với gen Z
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang nói giai đoạn sắp tới, thanh niên chủ yếu thuộc thế hệ mà chúng ta gọi là gen Z.
Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là thế hệ rất sáng tạo, năng động, tự tin thể hiện và mong muốn thể hiện bản thân, thích tìm tòi điều mới. Cùng với tốc độ phát triển nhanh của mạng xã hội và thông tin trên mạng, thế hệ trẻ tiếp cận nhanh nhất các nguồn thông tin này.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp nhu cầu, thị hiếu thanh niên. Muốn vậy phải có lực lượng cán bộ Đoàn chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo chị Trang, nhiệm vụ đó có vai trò quan trọng của các thiết chế đào tạo của Đoàn, trong đó có Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Do vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo của trường đáp ứng với tình hình mới. Đặc biệt là trang bị các kỹ năng cần thiết cho cán bộ Đoàn hiện nay.
"Cần nghiên cứu xây dựng hệ thống giáo trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mới cho cán bộ Đoàn như: kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng; kỹ năng xây dựng, thiết kế các thông điệp truyền thông.
Cán bộ Đoàn phải biết kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội trong thanh niên, vận động nguồn lực phục vụ cho công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi...", chị Trang nói.
Sứ mệnh phản bác quan điểm sai trái
Chúc mừng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định nơi đây không chỉ đào tạo cán bộ Đoàn - Hội - Đội mà còn xây dựng đội dự bị tin cậy cho Đảng bộ TP.HCM.
Nhiều cán bộ chủ chốt của thành phố và một số địa phương trưởng thành từ môi trường công tác của Đoàn từng học tập tại ngôi trường này.
Ông Hiếu nói Thành Đoàn cùng Trường Đoàn Lý Tự Trọng cần đầu tư đổi mới nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên, báo cáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Theo ông Hiếu, trường phải thường xuyên thực hiện các hoạt động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi cũng như nhu cầu của xã hội để xây dựng khung chương trình đào tạo hoàn chỉnh.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh sứ mệnh của Trường Đoàn cũng như đội ngũ giáo viên cùng cán bộ Đoàn còn là đấu tranh phản bác quan điểm sai trái. Thành Đoàn TP.HCM cần mạnh dạn giao trọng trách cho Trường Đoàn.
"Thành Đoàn và Trường Đoàn cần tham mưu tốt hơn nữa cho lãnh đạo thành phố các chính sách liên quan đến công tác cán bộ Đoàn - Hội - Đội, đầu tư cơ sở vật chất thích đáng, cần thiết cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi", ông Hiếu phát biểu.
Hiệu trưởng Huỳnh Ngô Tịnh cho hay qua 50 năm, Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn khoảng 300.000 lượt cán bộ Đoàn - Hội - Đội từ cấp thành đến cơ sở, cả hỗ trợ cho các tỉnh thành.
"Với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0, thanh thiếu nhi sẽ có thay đổi đáng kể về tư duy, khả năng, trình độ và nhu cầu.
Điều này đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội - Đội không thể không thay đổi. Và công tác đào tạo đội ngũ này cũng phải được đổi mới, điều chỉnh phù hợp", ông Tịnh bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận