09/08/2018 15:39 GMT+7

5 nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG

TTO - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có bài viết “Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam” với 5 ưu tiên. Tuổi Trẻ xin trích đăng.

5 nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Ông Mai Tiến Dũng - Ảnh: T.L.

Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết mới của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. 

Đây sẽ là định hướng cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Chính phủ tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên:

1. Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển chính phủ điện tử

Từ nay đến năm 2019 cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước. 

Khẩn trương ban hành được nghị định về đầu tư ứng dụng CNTT phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này, thay thế nghị định số 102/2009/NĐ-CP về đầu tư ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT. 

Trong thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

2. Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng

Tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai... Và để đảm bảo hiệu quả sử dụng của các cơ sở dữ liệu quốc gia này cần tiến hành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương; 

Hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; cổng thanh toán quốc gia...

3. Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ

Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tích cực trong việc xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương; đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. 

Cổng dịch vụ công quốc gia cần tiến tới là một hiện diện số nhất quán, đầy đủ và thân thiện của Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang được tập trung nghiên cứu, thiết lập.

5 nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử - Ảnh 2.

Trong thời gian qua, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM có nhiều thay đổi để rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

4. Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này. 

Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển chính phủ điện tử.

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển chính phủ điện tử.

5. Phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình

Thể hiện quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ là chủ tịch ủy ban. 

Ủy ban có các thành viên là bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng chính phủ điện tử để gắn kết xuyên suốt các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. 

Đồng thời ủy ban có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân giúp phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Các nhiệm vụ triển khai chính phủ điện tử sẽ được đánh giá gắn liền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từng bộ, ngành, địa phương và được đo lường qua bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, đo lường chất lượng kết quả xây dựng chính phủ điện tử để bảo đảm tính chính xác và công bằng thông qua tổ công tác giúp việc của ủy ban.

Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. 

Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi CNTT nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức

Việc triển khai chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Chính phủ.

Vị trí của VN trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc vẫn ở mức trung bình.

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, 2 năm qua chúng ta tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá.

Trong khu vực ASEAN, VN chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6.

Kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về chính phủ điện tử còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức.

------

* Tít và tít box do Tuổi Trẻ đặt

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên