Các đội cứu hộ từ Mỹ, Canada, Pháp đang đổ về từ khắp nơi để tìm kiếm con tàu Titan ngắm xác tàu Titanic. Mọi phương tiện giải cứu đã sẵn sàng cho việc trục vớt, vốn cũng sẽ khó khăn không kém, khi đã xác định được vị trí tàu lặn.
Kịch bản nào sẽ xảy ra cho con tàu lặn Titan ngắm xác tàu Titanic khi đã mất tích đến ngày thứ tư (kể từ sáng 19-6 theo giờ địa phương)?
Tàu còn nguyên vẹn, hành khách đều sống sót?
Hôm 21-6 (giờ Việt Nam), một máy bay giám sát quân sự của Canada đã phát hiện âm thanh từ dưới đại dương trong khu vực xác tàu Titanic. Điều này đang tiếp thêm hy vọng cho các đội cứu hộ.
Rất có thể có người sống sót và đang phát tín hiệu cầu cứu. Các thủy thủ đoàn tàu ngầm được huấn luyện đạp vào thân tàu để tạo ra tiếng động nhằm thu hút sự chú ý của các máy dò sonar (một kỹ thuật để dò âm thanh dưới nước, từ đó xác định hướng di chuyển).
Nếu xác định con tàu còn nguyên vẹn và hành khách đều sống sót, vấn đề duy nhất trong kịch bản này là phải có một con tàu khác có thể đi xuống biển đủ sâu nhằm tiếp cận và giải cứu tàu Titan.
Ông Jeff Karson - giáo sư danh dự về khoa học Trái đất và môi trường tại Đại học Syracuse (Mỹ) - cho biết cách tốt nhất là sử dụng robot điều khiển từ xa.
Con tàu tự nổi lên trên mặt nước?
Tàu lặn Titan của Công ty OceanGate có các cơ chế an toàn với hệ thống phao giúp tàu tự nổi lên trên mặt nước trong trường hợp khẩn cấp. Cơ chế này có thể hoạt động ngay cả khi người trong tàu đã bất tỉnh.
Giáo sư Lawrence Brennan từ Trường Luật thuộc Đại học Forham, một cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, cho rằng đây là trường hợp tốt nhất, nhưng không đồng nghĩa với việc các hành khách sẽ còn sống sót.
Cửa tàu lặn Titan không thể được mở từ bên trong. Con tàu có cửa sập được khóa chặt bằng 17 chốt và buộc phải mở từ bên ngoài. Nếu không kịp thời tìm thấy, dưỡng khí bên trong tàu lặn sẽ cạn kiệt và hành khách sẽ khó còn cơ hội sống sót.
Tìm thấy tàu lặn dưới đáy đại dương, không ai sống sót?
Theo các chuyên gia cứu hộ, nếu tàu lặn Titan bị mắc kẹt dưới đáy đại dương, hành khách sẽ nhanh chóng hết dưỡng khí và bị hạ thân nhiệt do nhiệt độ cực lạnh dưới đáy biển.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Titanic vào năm 2019, anh Nargeolet - người từng thực hiện hơn 30 chuyến đi đến đống đổ nát của tàu Titanic - nêu ra một số nguy hiểm nếu người ta mắc kẹt trong con tàu Nautile (một loại tàu lặn thám hiểm tương tự Titan).
Anh này cho biết vấn đề lớn nhất dưới đại dương là nhiệt độ nước gần như đạt ngưỡng đóng băng.
Tàu Titan bị mắc kẹt?
Một kịch bản khác có thể xảy ra khiến con tàu ngắm xác Titanic không thể kích hoạt cơ chế tự nổi là đang bị mắc kẹt trong dây thừng, lưới đánh cá hoặc một vật cản nào đó dưới đại dương.
Nhà khoa học biển Greg Stone cho hay rất nhiều lưới đánh cá cũ dưới đáy đại dương có thể làm tàu Titan mắc kẹt. Ông cho rằng con tàu mẹ nên tính đến trường hợp này và chuẩn bị một tàu lặn giải cứu có thể đi xuống và cắt các đoạn dây bị rối.
Điều đáng nói là người sáng lập OceanGate, ông Stockton Rush (một trong 5 người đang mắc kẹt trên tàu Titan) đã nhận thức được điều này.
"Tôi lo ngại một vài thứ sẽ khiến con tàu không thể nổi lên, ví dụ như những phần nhô ra dưới đáy biển, lưới đánh cá, nguy cơ mắc kẹt...", ông Rush nói trong một phỏng vấn với Đài CBS vào năm 2022, khẳng định thêm rằng thủy thủ giỏi vẫn tránh được nguy cơ này.
Tàu bị "nghiền nát" do áp suất?
Áp suất nước ở độ sâu 3.800 mét dưới đáy biển là khoảng 400 atmosphere. Như vậy, con tàu Titan (được giới thiệu có khả năng lặn sâu 4.000 mét) có thể bị nghiền nát ngay lập tức do áp lực nước dưới đại dương.
Phóng viên David Pogue của Đài CBS - người từng tham gia chuyến thám hiểm Titanic tương tự - cho biết con tàu đã mất liên lạc sau 1 tiếng 45 phút từ lúc bắt đầu lặn xuống đáy biển.
"Con tàu hoặc ngừng hoạt động do sự cố về năng lượng, hoặc thân tàu bị vỡ và đã nổ tung ngay lập tức. Cả hai trường hợp này đều vô vọng một cách tàn nhẫn", ông Pogue nói hôm 20-6 giờ địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận