Sa thải nhân viên cấp cao vì lên tiếng cảnh báo an toàn
Theo báo New York Times ngày 21-6, ngay trước khi đội ngũ kỹ sư của Công ty OceanGate bàn giao tàu lặn Titan, công ty này đã nhận một loạt cảnh báo từ các chuyên gia trong và ngoài tổ chức.
Đầu tiên, hồi tháng 1-2018, ông David Lochridge - giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của công ty - đã gửi lên một báo cáo, trong đó yêu cầu tàu Titan phải được thử nghiệm nhiều hơn.
Trọng tâm chỉ trích của ông Lochridge khi ấy là việc ông Stockton Rush - giám đốc điều hành công ty - từ chối việc mang tàu Titan đến các cơ quan chứng nhận an toàn. Theo ông Lochridge, lý do được đưa ra là công ty không muốn trả tiền cho việc này.
Bên cạnh đó, ông Lochridge cũng chỉ ra bộ phận tàu cho phép hành khách nhìn ra bên ngoài chỉ đạt tiêu chuẩn hoạt động ở độ sâu 1.300 mét.
Để có thể ngắm xác tàu Titanic, con tàu này sẽ phải lặn sâu đến 4.000 mét dưới mặt nước.
Luật sư của ông Lochridge viết: "Hành khách không biết, và cũng không được thông báo về thiết kế chưa hoàn thiện này".
Sau khi nhận báo cáo trên, Công ty OceanGate đã sa thải ông Lochridge.
Phớt lờ cảnh báo của gần 40 chuyên gia
Hai tháng sau báo cáo của ông Lochridge, Công ty OceanGate tiếp tục nhận cảnh báo chung từ 38 chuyên gia thuộc ngành công nghiệp tàu lặn. Các chuyên gia này, bao gồm kỹ sư, nhà hải dương học, nhà thám hiểm đại dương… "cùng lo ngại" về cách tàu Titan được phát triển.
Các chuyên gia này khẳng định cách tiếp thị của Công ty OceanGate "nếu nói nhẹ thì là dễ gây hiểu lầm".
Theo đó, OceanGate công bố tàu lặn của mình đạt, thậm chí vượt xa các tiêu chuẩn an toàn của công ty đánh giá rủi ro DNV. Tuy nhiên, OceanGate chưa bao giờ đưa tàu Titan đến công ty trên.
Ông Will Kohnen, một trong 38 chuyên gia trên, cho biết: "Việc họ cố tình không làm theo hướng dẫn phân loại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro".
Nhóm chuyên gia này cũng yêu cầu OceanGate ít nhất nên cho thử tàu dưới sự theo dõi của DNV hoặc một đơn vị chứng nhận khác.
Thư cảnh báo của nhóm chuyên gia này nêu rõ: "Tuy điều này tốn thời gian và kinh phí, chúng tôi cho rằng quá trình kiểm định bởi bên thứ ba rất quan trọng trong việc bảo toàn sự an toàn của người trên tàu".
Đáp lại những cảnh báo trên, OceanGate công khai khẳng định tàu Titan quá "tân tiến", khiến quá trình xin cấp phép với quy trình hiện tại có thể kéo dài nhiều năm. Do đó, tàu lặn này chưa bao giờ được một công ty kiểm định hàng đầu kiểm tra.
Vì sao tàu lặn Titan không được kiểm định nhưng vẫn hoạt động?
Ông Bart Kemper, một thành viên khác trong nhóm 38 chuyên gia, giải thích OceanGate tránh được việc tuân thủ quy định Mỹ bằng cách chỉ triển khai tàu Titan trên vùng biển quốc tế. Ở đây, các quy định của Tuần duyên Mỹ không có hiệu lực.
Thông thường, tàu Titan sẽ được đưa lên một tàu vận chuyển của Canada. Tàu vận chuyển này sẽ đi đến vùng biển quốc tế ở phía bắc Đại Tây Dương, gần tàu Titanic và thả tàu Titan ở đó.
Vì không hoạt động trên vùng biển chủ quyền, tàu Titan không phải đăng ký với quốc gia nào, do đó không phải tuân thủ các quy định liên quan.
"Điều này giống việc để một tàu vào trong thùng xe tải. Cảnh sát sẽ chỉ kiểm tra xem xe tải có đạt điều kiện lưu thông không, chứ không ai kiểm tra con tàu", phó giáo sư chuyên ngành lịch sử hàng hải tại Đại học Campell (bang North Carolina) Salvatore Mercogliano nhận định.
Thực tế, Đạo luật An toàn của tàu chở khách năm 1993 - văn bản luật áp dụng với tàu lặn chở khách - không được áp dụng với tàu Titan vì tàu này không đăng ký với chính quyền Mỹ, cũng không hoạt động trên vùng biển nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận