11/08/2024 16:22 GMT+7

400 triệu người bị COVID-19 kéo dài, tốn 1.000 tỉ USD mỗi năm

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Medicine, khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới gặp các triệu chứng và di chứng hậu COVID-19 kéo dài.

4 năm sau khi bùng phát, COVID-19 vẫn khiến cộng đồng y tế lo lắng - Ảnh: Xinhua

4 năm sau khi bùng phát, COVID-19 vẫn khiến cộng đồng y tế lo lắng - Ảnh: Xinhua

Cũng theo nghiên cứu, phí tổn kinh tế ước tính từ các yếu tố như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người mắc COVID-19 kéo dài không thể quay lại làm việc... là khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm, tương đương 1% GDP toàn cầu.

Bên cạnh đó, khoảng 6% người trưởng thành trên toàn thế giới đã mắc các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài; nhiều người vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và việc điều trị căn bệnh này vẫn là một trong những thách thức lớn nhất.

Theo nhà dịch tễ học lâm sàng Ziyad Al-Aly tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, công trình trên của ông và các cộng sự còn nhằm cung cấp lộ trình cho các ưu tiên về chính sách và nghiên cứu.

Tham gia công trình này còn có một số nhà nghiên cứu COVID-19 hàng đầu khác cùng 3 lãnh đạo của tổ chức Patient-Led Research Collaborative do các bệnh nhân mắc các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài, đồng thời là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, sáng lập.

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới WHO gần đây cảnh báo vi rút SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành và lưu ý các quốc gia cần tăng cường hệ thống ứng phó.

Tại một cuộc họp báo, bà Maria Van Kerkhove - giám đốc phụ trách Phòng chống dịch bệnh của WHO, dẫn dữ liệu từ 84 quốc gia cho thấy tỉ lệ xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 đã tăng trong vài tuần qua.

Hơn nữa, giám sát nước thải (được coi là phương pháp cung cấp chỉ báo sớm trước 2-3 tuần về số ca bệnh) cho thấy mức độ lưu hành vi rút SARS-CoV-2 trên thực tế cao hơn từ 2 - 20 lần so với những gì được báo cáo.

Bà đánh giá dấu hiệu này rất đáng lưu tâm vì vi rút SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tiến hóa và thay đổi, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc phải một biến thể mới có thể tinh vi hơn. Các biến thể mới lại có khả năng "né" các biện pháp xét nghiệm và/hoặc can thiệp y tế, trong đó có cả việc tiêm chủng.

Số bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc tăng gấp 6 lần trong một tháng

Ngày 9-8, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại nước này đã tăng mạnh khi vi rút bùng phát trở lại vào mùa hè.

Cụ thể, số người nhập viện vì COVID-19 trong tuần đầu tiên của tháng 8 đã lên tới 861 người, gấp gần 6 lần so với tháng trước. Giới chức y tế dự báo số ca bệnh sẽ duy trì xu hướng tăng cho đến cuối tháng này.

Làn sóng COVID-19 mới nhất bắt nguồn từ biến thể phụ KP.3 của biến thể Omicron lây lan nhanh, chiếm 45,5% tổng số ca tính đến tháng 7. Trong số những bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tháng 8 này, 65,2% là những người từ 65 tuổi trở lên, tiếp theo là 18,1% trong độ tuổi 50-64.

Hiện Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp theo dõi sức khỏe người cao tuổi và các nhóm có nguy cơ cao khác, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo nguồn cung thuốc và bộ xét nghiệm ổn định.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ nối lại chiến dịch tiêm phòng COVID-19 vào tháng 10, trong đó các nhóm có nguy cơ cao sẽ được tiêm vắc xin miễn phí.

WHO cảnh báo COVID-19 quay lại khi tỉ lệ tiêm ngừa giảm báo độngWHO cảnh báo COVID-19 quay lại khi tỉ lệ tiêm ngừa giảm báo động

Các chuyên gia y tế nhận định số ca bệnh COVID-19 mới có dấu hiệu tăng trên toàn thế giới, khi tiêm chủng giảm mạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên