05/08/2019 11:58 GMT+7

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới

PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN
PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN

TTO - Rất nhiều người chúng tôi gặp đều nói 40 năm trước khi bám trụ ở biên giới, không ai có thể tưởng tượng được có ngày như bây giờ, khi cuộc sống đã dường như trở nên dễ dàng hơn nhiều lắm. Nhưng người dân vẫn còn nhiều băn khoăn...

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới - Ảnh 1.

Người dân lấy nước ở mó nước duy nhất của bản Tả Ô (Vàng Ma Chải, Lai Châu) - Ảnh: PHƯƠNG MAI

Bản Tả Ô (Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu) mới vẫn chưa có nước sạch, chưa có điện. Đường lên bản vẫn là con đường đất men theo ruộng bậc thang, chỉ có thể đi bằng xe máy theo cách vừa lái vừa dùng chân... làm trụ, ngày mưa thì gần như chỉ có thể đi bộ.

Vẫn chờ điện và đường

Phó bản Chẻo Chỉn Dìn bảo sau tám năm, thế này đã là khá lắm vì ngày trước còn đi bộ cả tiếng mới về được đến nhà. Cả bản trông vào một cái mó nước, mà để xây được nó cũng là kỳ tích. 17 thanh niên trong bản làm liên tục suốt bốn ngày mới xong.

"Bây giờ mong nhất là có điện thôi, có thêm cái đường lên thì tốt" - cụ Dìn cười.

Đường, điện bao năm vẫn là câu chuyện trăn trở ở các vùng biên giới. Để vào được đội Pha Hán (thôn Giang Nam, Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), chúng tôi phải gọi Lý Đức Vương đi ghe qua sông.

Mấy hộ dân nằm trong tổ tự quản đường biên cột mốc, giữ nhiệm vụ giữ mốc 262, 263 nhiều năm vẫn chưa có điện lưới.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới - Ảnh 2.

Phiên chợ vùng cao ở Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) - Ảnh: PHƯƠNG MAI

Năm 2008 khi đi qua Hoang Thèn (Vàng Ma Chải), con đường đất lầy lội xen đá sau mùa mưa đã làm xe của chúng tôi lăn mấy vòng xuống vực, chỉ nhờ may mắn mà sống sót.

11 năm sau, đường Hoang Thèn vẫn vậy. Chỉ khác là đã thêm mấy nếp nhà của bản mới ở gần. Một vài dự án đã đến và đi nhưng vẫn chưa thấy cái gì là thành hiện thực.

Hay ở Hà Giang, con đường Hạnh Phúc thì ai cũng biết. Nhưng từ ngã ba Mèo Vạc - Sơn Vĩ, đi đến nơi xa nhất chưa một ai dám nói dễ đi.

Những Thượng Phùng, Xín Cái (Mèo Vạc) cho dù đã đỡ vất vả hơn nữa, cho dù không còn phải vượt qua những dốc Chín Thang khúc khuỷu thì vẫn chỉ khi nhìn thấy cầu Tràng Hương, chuẩn bị lên đường Hạnh Phúc mới dám thở phào.

Chúng tôi đã theo chân những người lính biên phòng, những người dân các thôn bản đến một số cột mốc - một phần rất nhỏ của gần 1.400 cột mốc phía Bắc. Phải đu theo rễ cây để lên cái cột mốc cao nhất phía Bắc số 79 - mốc nằm trên đỉnh Khang Su Văn của đồn biên phòng Vàng Ma Chải.

Chúng tôi đã mất hai ngày xuyên qua những tán rừng ẩm ướt. Nhưng lính biên phòng và người dân ở đây ngày nào cũng thấy có mặt. Tại mốc cực Bắc 428, chúng tôi gặp dọc đường đi hầu hết những gương mặt trẻ già của người dân Xéo Lủng.

Anh lính biên phòng dẫn đường bảo: "Đồn này chỉ có hai mốc là dễ đi, còn thì leo núi cả ngày". Đại úy Nguyễn Huy Thái, chính trị viên phó đồn biên phòng Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang), nói: "Cột mốc nào cũng có nương của nhân dân. Đất ở đâu bà con ở đó".

Cột mốc nào cũng có nương của nhân dân. Đất ở đâu bà con ở đó.

Đại úy NGUYỄN HUY THÁI

Tìm cách để tồn tại

Ma Seo Củi, chủ tịch UBND xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) là con trai già làng Ma Seo Páo, người đầu tiên trồng chuối ở biên giới sông Hồng.

Chè cổ thụ A Mú Sung chắc là ngon, nhưng tìm đường ra từ cây chè cũng là một điều đau đầu. Dự án chè giai đoạn 2017-2021 với 309ha nhưng mới khởi động được 100ha, có 18ha chè cổ thụ năng suất cao.

Hiện giờ sản lượng chè không đủ, nhà máy chế biến chè sạch A Mú Sung đã hình thành nhưng vẫn đang chờ chè để sao. Cốc chè mùi khói A Mú Sung dù đã đăng ký thương hiệu vẫn chưa thể theo sông Hồng về xuôi.

Xã vẫn chỉ biết dựa vào cây chuối - một vòng đời cây chỉ được 2-3 năm, sẽ phải chờ tiếp 1-2 năm để đất nghỉ. Xã đã động viên bà con thử từ ớt sang bí xanh nhưng chưa hiệu quả.

Lý A Kỳ, bí thư xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai), băn khoăn: "Cái khó bây giờ là đào tạo người ta trong việc nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức về kinh tế".

Trong câu chuyện với chúng tôi, trung tá Đồng Đức Trang, chính trị viên đồn biên phòng Vàng Ma Chải, lại nói cái băn khoăn không chỉ là điện và đường: "Ở đây cũng được Nhà nước hỗ trợ chăn nuôi nhưng không khả thi.

Chẳng hạn như dự án bò giống hỗ trợ người dân, ở nơi khác thì tốt nhưng vào đây bà con đều kiến nghị nên đổi sang trâu. Mấy năm nay vùng này mùa đông ngày càng lạnh, trâu chịu rét tốt hơn bò.

Ngay cả trâu mà năm 2016 cả Phong Thổ có 96 con trâu chết thì 70 con chết ở Vàng Ma Chải rồi. Bò càng khó chịu đựng. Nhưng trâu lại đắt hơn bò nên chúng tôi vẫn đang xin phép".

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ cuối: Khúc vĩ thanh biên giới - Ảnh 4.

Làm nương ở sát biên giới (Lũng Cú, Hà Giang) - Ảnh: PHƯƠNG MAI

Trong trận lũ năm 2018, Tham Còn (Cao Bồ, Vị Xuyên, Hà Giang) bị sạt trắng gần cả bản. Mà đường vào Tham Còn đủ sức để so sánh với những cung đường khó nhất phía Bắc.

Ngày chúng tôi ở Thanh Thủy, trung tá Phan Văn Minh, chính trị viên đồn biên phòng, bảo mới có trận lũ quét, mấy nhà trong bản tốc hết cả mái. Những chuyện đó dường như là rất "bình thường" ở biên giới.

Tại thôn Lũng Pô, bí thư chi bộ Ma Seo Lằng bảo dân ở đây biết ganh đua nhau làm ăn. Không chỉ dựa vào cây chuối, người Lũng Pô kéo nhau sang Quang Bình (Hà Giang) tìm hiểu cây cam. Hiện giờ cả thôn đang thử nghiệm trồng 12ha rồi thêm 3ha xoài.

"Mỗi nhà một tí. Cam với xoài đều có vẻ được" - Lằng nhận định.

Năm 2007 ở đây có 90% hộ nghèo. Sau 10 năm người Lũng Pô đều xây nhà mới, 80% nhà có tủ lạnh, thậm chí có nhà có cả ôtô.

Có nhà như Lý Seo Vư năm rồi tự tính thu nhập đến 700 triệu đồng. Hay như Tẩn Láo Lở sẵn có mảnh vườn, anh còn mày mò lên mạng tìm hiểu, thử nghiệm thêm 8ha nho.

Hoặc Lý Xá Xuy sinh ra và lớn lên ở Y Tý, tốt nghiệp ĐH Xây dựng hẳn hoi, bây giờ cậu trở lại quê mở một homestay nho nhỏ. Xuy từ chối nhiều lời đề nghị hợp tác từ các đại gia để tự mình thử kinh doanh trên đất nhà của chính mình.

Tháng 7, Y Tý có lễ hội Khô già già, một lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì Bát Xát, Lý Xá Xuy báo tôi biết homestay của cậu đã được đặt kín khách.

Ngoài sinh nhai còn vì Tổ quốc

Đã có những cây cổ thụ dành cả tuổi trẻ để gìn giữ những thửa ruộng, căn nhà ở biên giới. Những câu chuyện cả 40 năm qua vẫn còn đấy, như một lời nhắc nhở. Giờ xuất hiện thêm những Ma Seo Củi, Lý Đức Vương, Ma Seo Lằng, Lý Xá Xuy vẫn trẻ và còn hoài bão.

Chính họ đang viết tiếp câu chuyện từ thế hệ cha ông trên nét cong của đầu chữ S bằng nhiều cách, bằng những ước mơ vượt núi của riêng mình. Họ đã lựa chọn đất biên giới để ở lại, sống bám núi, chết bám núi, ngoài cuộc sống sinh nhai còn vì đó là Tổ quốc.

PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên