15/02/2019 09:22 GMT+7

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 4: Quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 'Quân bành trướng Trung Quốc đông như kiến. Chúng tràn đến đâu dày kịt đến đó! Nói thật, kể cả người bạo gan như tôi nhìn cũng thấy rùng mình', đại tá Nông Văn Phiao kể.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 4: Quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng - Ảnh 1.

Đại tá Nông Văn Phiao kể lại cuộc chiến quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng - Ảnh: M.LĂNG

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nông Văn Phiao - nguyên phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn, hiện sống ở thành phố Lạng Sơn - là một trong số ít chiến sĩ sống sót sau cuộc chiến một mất một còn tại pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) khi quân bành trướng Trung Quốc (TQ) bất ngờ tấn công vị trí chiến lược này.

Trận đánh đầu tiên của anh binh nhất

Pháo đài Đồng Đăng nằm trên trục đường chính, bao quát bốn phía thị trấn Đồng Đăng và chỉ cách cửa khẩu 2km đường chim bay. Muốn tiến vào chiếm thị xã Lạng Sơn, quân bành trướng Trung Quốc phải tiêu diệt được pháo đài này.

Trong ngày 17-2-1979, khi quân bành trướng TQ tấn công vào pháo đài Đồng Đăng, ông Nông Văn Phiao là binh nhất của đại đội 5 Công an vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Ông kể: "Tôi nhớ rõ hôm đó là ca gác cuối cùng của chiến sĩ Dương Văn Phong, từ 4h30 đến 5h30 sáng. Khoảng 4h30, cậu Phong thấy phía biên giới có nhiều biểu hiện lạ.

Đến 4h45 nghe tiếng súng pháo nổ phía biên giới, Phong liền gọi các đồng chí khác dậy. Đồn trưởng - thiếu tá Hoàng Ý nhìn về phía biên giới, chỉ kịp nói "Quân TQ đánh ta rồi" và cho báo động toàn bộ đơn vị, lệnh cho anh em vào vị trí chiến đấu ngay.

Không kịp rửa mặt đánh răng, anh em cầm súng chạy lên pháo đài, vào các vị trí sẵn sàng chiến đấu. Thời điểm đó, một số đi công tác, một số thì đi phép.

Lúc đó, đồn trưởng Hoàng Ý lại có lệnh trên điều về Bộ chỉ huy Công an vũ trang Lạng Sơn nhận nhiệm vụ mới. Một số chiến sĩ được cử đi theo bảo vệ thiếu tá Hoàng Ý về tuyến sau. Cả đơn vị chỉ còn lại hơn 50 người.

Anh em cán bộ chiến sĩ trẻ lắm, hầu hết là hạ sĩ, binh nhất, binh nhì. Vừa chạy lên vị trí chiến đấu thì bên kia biên giới, quân bành trướng TQ câu pháo bắn thẳng vào pháo đài!".

5h sáng. Pháo binh bên đất Trung Quốc đồng loạt bắn dồn dập vào pháo đài Đồng Đăng và những quả đồi bên cạnh có bộ đội ta đóng quân. 5h15, tiếng súng ngừng.

Lúc đó, đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn và một đại đội bộ binh của Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phối hợp triển khai ra ngoài chiến hào để chiến đấu.

Đại đội bộ binh phụ trách phía bắc và đông pháo đài, còn đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn phụ trách phía nam và tây pháo đài.

Khoảng 6h30, quân Trung Quốc vây kín dưới chân pháo đài! Hỏa lực từ pháo binh và xe tăng TQ dưới chân pháo đài bắn lên. Bên kia biên giới, pháo binh TQ cũng dồn dập nhắm pháo đài mà bắn.

"Tôi là xạ thủ khẩu đội đại liên 12 li 7. Quân bành trướng Trung Quốc đông như kiến. Chúng tràn đến đâu dày kịt đến đó! Nói thật, kể cả người bạo gan như tôi nhìn cũng thấy rùng mình", đại tá Nông Văn Phiao kể.

Ở phía tây, quân TQ dùng 7 xe tăng tiến về chân pháo đài. Binh nhất Lê Minh Trường, xạ thủ B40, vượt ra khỏi chiến hào, nằm dưới lùm cây bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu. Anh bắn tiếp quả đạn thứ hai thì trúng xích một xe tăng địch khiến nó lật ngửa.

Năm chiếc xe tăng đi sau lùi lại. Quân bành trướng TQ cho bộ binh tràn lên. Khi anh Trường quay lại chiến hào để lấy quả đạn thứ ba bắn tiếp thì bị trúng đạn, hi sinh ngay tại chiến hào!

Lần tấn công đầu tiên, quân bành trướng Trung Quốc không lên pháo đài được, phải lùi xuống rồi xông lên đợt hai.

"Nó từ bờ ruộng tràn lên, mình ở trên đỉnh cao bắn xuống. Nhưng quân TQ đông không tưởng tượng được, cứ chết lớp này đến lớp khác tràn lên. Trong đợt tấn công thứ hai, anh Trần Hà Bắc hi sinh. Trung úy Hoàng Quốc Hội lên thay để chỉ huy chiến đấu rồi cũng hi sinh. Nhiều chiến sĩ ở phía tây và nam pháo đài cũng hi sinh...", đại tá Phiao bùi ngùi nói.

Dùng biển người để tràn lên nhưng lần thứ hai này, quân bành trướng TQ vẫn chưa thể chiếm được pháo đài.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 4: Quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng - Ảnh 2.

Tầng pháo đài này bị quân TQ dùng bộc phá đánh sập - Ảnh: MY LĂNG

Cuộc chiến không cân sức

9h sáng 17-2, quân bành trướng TQ lại xông lên lần thứ ba. "Tôi cầm khẩu trung liên, bắn hết băng này đến băng khác. Đến trưa, bộ đội mình ở bốn hướng của pháo đài vẫn kiên cường đánh chặn, nó vẫn không lên được, phải dạt xuống bờ suối.

Thấy bộ binh nó không hiệu quả, pháo binh nó bên kia lại bắn sang dập pháo đài. Chỉ huy mình ở các hướng đều hi sinh hết! Quân ta hi sinh rất nhiều, số còn lại phải dạt về phía nam pháo đài nơi chúng tôi đang chiến đấu", đại tá Nông Văn Phiao kể.

14h ngày 17-2, quân TQ lại bắn pháo Kachiusa H12 sang. Pháo vụt đỏ rực trời! Đồng đội tôi tiếp tục hi sinh.

Tối 18-2, lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 Sao Vàng lên mở đường máu đưa thương binh, những người ốm yếu và một số người dân Đồng Đăng về tuyến sau. Những người còn khỏe vẫn ở lại tiếp tục chiến đấu.

Sáng 19-2, quân bành trướng TQ lại tràn lên tấn công. Dù vũ khí ít ỏi và quân số còn lại quá ít so với biển người của địch nhưng bộ đội ta vẫn quyết tử giữ pháo đài. Địch tấn công đến trưa vẫn không chiếm được pháo đài.

Càng chiến đấu, bộ đội ta hi sinh càng nhiều. Đạn dược ít đi: "Chúng tôi chiến đấu đến trưa thì không còn ai tiếp phẩm nữa vì người tiếp phẩm, anh nuôi cũng phải cầm súng chiến đấu".

Khoảng 16h30 ngày 21-2, pháo đài bị trúng pháo, tan nát. Binh nhất Nông Văn Phiao bị sức ép của pháo, ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh thấy nhiều đồng đội quanh mình đã hi sinh.

"Tôi gọi đồng đội nhưng không nghe thấy tiếng ai nữa. Quân TQ ào ạt tiến lên pháo đài. Tôi cầm khẩu AK vừa đi vừa bắn chặn, vừa lùi xuống tầng hai pháo đài.

Những người còn sống phải rút hết vào trong pháo đài. Quân TQ chặn hết đường ra, bắc loa gọi đầu hàng. Không ai ra, nó ném lựu đạn cay xuống hầm! Gió thổi hơi cay vào ho sặc sụa.

Cay lắm, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa nhưng anh em quyết tâm không đầu hàng, sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng!", đại tá Nông Văn Phiao xúc động khi nhớ lại những giờ phút kiên cường của đồng đội trước vòng vây kẻ thù 40 năm trước.

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979 - kỳ 4: Quyết tử ở pháo đài Đồng Đăng - Ảnh 3.

Người dân Đồng Đăng thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ đã hi sinh khi bảo vệ pháo đài Đồng Đăng - Ảnh: MY LĂNG

5 ngày đêm ngoan cường

Không thể khuất phục được những người lính Việt Nam, đêm 21-2, quân Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập tầng một và tầng hai pháo đài.

Thương binh ở tầng hai và hàng trăm người dân chạy giặc núp dưới hầm không ai còn sống.

Đêm 21-2, sau 5 ngày đêm ngoan cường chiến đấu và cầm cự, pháo đài Đồng Đăng bị quân bành trướng Trung Quốc chiếm giữ.

Kỳ tới: Đặc công tham chiến

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên