Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Dân vận trung ương (ngồi giữa) - chủ trì hội thảo - Ảnh: VŨ TUẤN
Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho hay: chỉ tính 12 tỉnh vùng Tây Bắc, tây Thanh Hóa, tây Nghệ An, có khoảng 40.000 người dân tộc thiểu số đã được đào tạo cao đẳng, đại học nhưng chưa có việc làm.
Theo bà Hạnh, đây là con số được điều tra, khảo sát kỹ lưỡng từ một đề tài nghiên cứu khoa học của Ủy ban Dân tộc. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tổ chức hội thảo và công bố chi tiết các con số trong nghiên cứu trên.
Trong khi đó, thảo luận tại hội thảo, các tham luận đều cho rằng tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thấp, cơ cấu không đồng đều giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan...
Thực tế, cán bộ là người dân tộc thiểu số chủ yếu làm việc trong những cơ quan hội, đoàn thể... nơi cần vẫn thiếu nhưng nơi khác lại thừa quá nhiều người được đào tạo, không thể sắp xếp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh - Ảnh: VŨ TUẤN
Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ ra: theo khảo sát của Ủy ban Dân tộc, các trường dân tộc nội trú, bán trú và dự bị đại học nếu duy trì cách hoạt động như hiện tại sẽ không phát huy được hiệu quả.
"Ví dụ trường dân tộc nội trú mà chỉ 'khoanh' tất cả học sinh là người dân tộc thiểu số cùng ăn, cùng ở, cùng học với nhau thì sự phát triển không được là bao nhiêu. Nhưng nếu có chỗ ở cho học sinh dân tộc, sau đó cho các em học cùng học sinh người Kinh để có một sự hòa trộn, trong sự đồng đều phát triển thì sẽ tốt hơn" - bà Hạnh gợi ý.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng vấn đề đào tạo lao động cũng như đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số còn rất nhiều bất cập, đặc biệt là việc đào tạo không gắn với quy hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận