30/12/2015 08:26 GMT+7

4 yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo y dược

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TT - Sau bài viết “Vụ “Trường ĐH Kinh doanh đào tạo nghề y”: Còn băn khăn về độ tuổi của giảng viên”, Tuổi Trẻ 29-12, GS TS Trương Đình Kiệt - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nói ý kiến của ông.

Tôi cho rằng việc hội đồng thẩm định liên ngành GD-ĐT - Y tế chấp thuận cho Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tuyển sinh ngành dược từ năm 2016 và sẽ được tuyển sinh ngành y đa khoa sau khi bổ sung nốt các điều kiện theo yêu cầu của đoàn kiểm tra liên bộ là quyết định thận trọng và có trách nhiệm.

Nhân lực y tế của VN nằm trong số 49 nước có số lượng thấp của thế giới. Trước nhu cầu nhân lực ngành y tế rất lớn, một số trường ở VN tăng quy mô đào tạo, có trường tuyển cả ngàn sinh viên y khoa/năm. Đây là việc làm hết sức sai lầm và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ở các nước, những trường tiên tiến chỉ đào tạo 100 sinh viên y khoa/năm, thậm chí có trường chỉ đào tạo 49 sinh viên/năm.

Hiện nay vẫn có nhiều trường y công lập dưới chuẩn đảm bảo chất lượng. Nếu trường tư đáp ứng đầy đủ tiêu chí để đảm bảo chất lượng đào tạo thì đâu có vấn đề gì. Một số ý kiến cho rằng không nên để các trường ĐH đa ngành đào tạo khối ngành sức khỏe.

Điều này theo tôi không hợp lý. Hiện nay, hầu hết trường ĐH có đào tạo ngành y trên thế giới đều là trường đa ngành, thậm chí đa lĩnh vực. Số trường đào tạo đơn ngành y dược chỉ chiếm 3,4%. Mô hình đúng đắn là đào tạo y dược nằm trong trường ĐH đa ngành vì sẽ hỗ trợ rất nhiều về chất lượng.

Theo tôi, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT nên ngồi lại với nhau, mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các trường ĐH bàn thật kỹ những vấn đề liên quan đến việc đào tạo nhân lực y tế. Cần xem xét thận trọng mô hình đào tạo (tổ chức, quản lý, chương trình, tuyển sinh), số lượng giảng viên/sinh viên... phù hợp với điều kiện VN.

Muốn đào tạo ngành y có chất lượng cần bốn yếu tố: 1. Mô hình tốt. 2. Lãnh đạo các trường phải có quyết tâm cao, đặc biệt vai trò của người đứng đầu. 3. Phải có tiềm lực tài chính mạnh. 4. Kiểm soát chất lượng chặt.

Trong hoàn cảnh VN hiện nay, cá nhân tôi ủng hộ việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục. Tuy nhiên, về mặt quản lý phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Việc kiểm định phải có quy chế với các tiêu chí cụ thể và phải có kỹ cương.

Trong đánh giá, kiểm định chất lượng đòi hỏi phải làm thật nghiêm túc, người kiểm định phải tử tế, chuẩn mực và công tâm. Đừng để có tình trạng các trường “mượn” tên giảng viên, khai khống, trường không đạt chuẩn vẫn được phép đào tạo.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên