10/09/2018 11:51 GMT+7

4 hay 5 'chấm', nếu không vì dân cũng vô nghĩa

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một hội thảo đã diễn ra vào sáng 9-9 để nhìn lại công trạng vị tổng đốc đầu tiên của Hà Nội được dân yêu mến, là người đầu tiên cho vẽ bản đồ Hà Nội, nhưng đến nay chưa có đường phố, công trình văn hóa nào mang tên ông.

4 hay 5 chấm, nếu không vì dân cũng vô nghĩa - Ảnh 1.

Khuê Văn Các giữ được vẻ đẹp cho tới ngày nay không thể không nhớ đến công lao của tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa - Ảnh: X.BÌNH

Hội thảo khoa học về đại thần Đặng Văn Hòa do Viện nghiên cứu Hán Nôm và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đặng tộc Việt Nam tổ chức, nhằm đánh giá lại công lao của vị đại thần đặc biệt họ Đặng mà bấy lâu nay chưa được công nhận xứng đáng.

Được dân phong Thánh

Tại hội thảo khoa học về đại thần Đặng Văn Hòa (1791-1856, người Thừa Thiên - Huế) do Viện nghiên cứu Hán Nôm phối hợp với dòng tộc họ Đặng tổ chức ở Hà Nội sáng 9-9, nhà sử học Dương Trung Quốc đã lấy tấm gương tận tụy vì dân, vì nước, chăm lo phát triển văn hóa, giữ gìn di sản của vị tổng đốc đầu tiên của Hà Nội Đặng Văn Hòa để bàn về vai trò của người lãnh đạo. 

"Chúng ta cứ say sưa nói tới 4.0 với 5.0 nhưng nếu không vì dân thì cũng vô nghĩa. Chúng ta phải tìm lại người xưa những điều có ý nghĩa, cộng với sự thay đổi của thời đại để tạo ra hình mẫu thời đại của mình. Hiểu biết hơn về quá khứ sẽ tìm được sức mạnh cho tương lai" - ông Quốc nói.

Đánh giá về Đặng Văn Hòa (hay còn có tên khác là Đặng Văn Thiêm), ông Dương Trung Quốc cho biết điều đầu tiên phải nói đến đó là ông là tổng đốc đầu tiên của Hà Nội, khi cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng biến tổng trấn Bắc Thành thành tỉnh Hà Nội. 

Trong 14 năm gắn bó với Hà Nội, Đặng Văn Hòa đã tạo nên rất nhiều sự thay đổi ở nơi đây, từ việc vẽ lại bản đồ, quy hoạch lại Hà Nội (theo ngôn ngữ ngày nay) để giảm thiểu các vụ cháy nhà cũng như dễ bề chữa cháy khi có hỏa hoạn. 

Cũng bởi tận tụy chăm lo cho dân khỏi "giặc nước", "giặc lửa", Đặng Văn Hòa là tổng đốc duy nhất của Hà Nội được dân phong là Thánh - Thánh Đồng Đen.

Một chính khách, một nhà văn hóa

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, TS lịch sử Đinh Công Vĩ (nguyên cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho hay từ khi có thuật ngữ Hà Nội ở cấp tỉnh, thành phố đến nay, chưa có một vị quan đầu tỉnh, thành nào gây ấn tượng sâu sắc, bền bỉ, được dân yêu mến thực sự, đã thành thơ, thành nhạc, tạc vào năm tháng như Đặng Văn Hòa. 

Nhưng đáng tiếc là ở Hà Nội và nhiều tỉnh "thấm đẫm ơn đức" của ông lại chưa có một đường phố, một công trình văn hóa nào mang tên ông.

TS Đinh Công Vĩ cũng cho rằng Đặng Văn Hòa không chỉ là một chính khách mà còn là một nhà văn hóa. 

Khi đứng đầu Hà Nội, ông đã góp phần cùng danh sĩ nổi tiếng nơi đây như Thần Siêu - Nguyễn Văn Siêu và Vũ Tông Phan chấn hưng văn hóa Hà Nội để giữ cho chốn kinh kỳ xưa tiếp tục là nơi giàu có về kinh tế và văn hóa khi không còn là kinh đô của đất nước nữa. 

Ông cũng đặc biệt quan tâm tới di sản Hà Nội. Theo TS Vĩ, đại thần Đặng Văn Hòa cho trùng tu Khuê Văn Các của Văn Miếu Quốc Tử Giám (năm 1831), trùng tu chùa Một Cột và xây dựng Miếu hỏa thần nhằm nhắc nhở dân ý thức phòng cháy (năm 1838)...

Đặng Văn Hòa cũng là một đại thần rất đặc biệt khi làm quan tới 4 triều vua Nguyễn, là thượng thư (bộ trưởng) của 5 trong tổng số 6 bộ, là quan đầu tỉnh của 9 tỉnh. 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tuy đó là một cuộc đời không dài lắm nhưng có cống hiến rất lớn, đặc biệt cho Hà Nội. Bởi vậy, ông rất xứng đáng được đặt tên đường hoặc tên cho một công trình văn hóa tại Hà Nội, cũng như một số tỉnh ông đã làm việc và có nhiều cống hiến.

Nhà sử học hứa hẹn Hội Khoa học lịch sử sẽ đứng ra làm văn bản gửi lên TP Hà Nội kiến nghị đặt tên Đặng Văn Hòa cho một con đường hoặc một công trình văn hóa. Việc thế hệ hôm nay chưa biết nhiều về đại thần Đặng Văn Hòa, theo ông Quốc, trách nhiệm một phần thuộc về các nhà sử học. 

"Một thời các nhà sử học của ta trong các nghiên cứu của mình luôn mặc định rằng cứ đại thần của triều Nguyễn là những người đi ngược lại sự tiến bộ và phát triển nên họ đã bỏ quên vị đại thần rất đặc biệt này".

Hội thảo có sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc trong đoàn chủ tịch, TS Nguyễn Tuấn Cường - viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, TS Đinh Công Vĩ (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), KTS Đặng Văn Thảo - giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đặng tộc Việt Nam...
Lần đầu tiên Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi Lần đầu tiên Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi

Từ 26/5 đến hết tháng 8/2018, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa với chủ đề 'Sĩ tử nhí' tại khu vực Hồ Văn.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên