24/05/2012 09:19 GMT+7

3.500 cái chết mỗi năm

LAN ANH
LAN ANH

TT - Thật khó tưởng tượng rằng 3.500 cái chết ấy đến với 3.500 em bé vốn khỏe mạnh hoàn toàn. Các bé chết khi đang đi chơi, đi học, thậm chí đi làm giúp cha mẹ. 3.500 em bé ấy chết đuối vì không biết bơi.

Đà Nẵng: Gần 5 tỉ đồng dạy trẻ học bơi

Không phải VN không tích cực. Một chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em ở 15 tỉnh thành có số trẻ chết đuối hằng năm cao nhất nước đã được triển khai từ năm 2009.

Nhưng kết quả là đến nay vẫn còn 7/15 địa phương trong số này không giảm số trẻ bị chết đuối hằng năm. Và cách đây vừa tròn một tháng, một chương trình mới chống đuối nước đã được phát động với tham vọng giảm được 1/4 số trẻ chết hằng năm do tai nạn thương tích, trong đó đuối nước chiếm 1/2, vào năm 2015.

Năm 2012, chưa đến hè mà đã có trên 200 cái chết thương tâm. Cứ vài ngày, trên báo người ta lại thấy những gương mặt cha mẹ thẫn thờ khóc ngất sau buổi lên rẫy, đi ruộng, vào rừng về, có gia đình mất cùng lúc 2-3 đứa con vì chết đuối.

Theo số liệu của ông Nguyễn Trọng An - phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), VN là nước có số trẻ em chết đuối nhiều nhất khu vực, và con số này ở VN gấp đến mười lần một số nước phát triển. Theo ông An, những gia đình mất con vì chết đuối gần đây đều là gia đình nghèo, không có nhiều thời gian trông giữ con và cũng không có thời gian đọc báo, nghe đài để phòng ngừa về hiểm họa trẻ đuối nước. Họ mất con vì nghèo, chắc chẳng còn nỗi cám cảnh nào hơn thế.

Hai cháu bé ở Đắk Lắk chết đuối do trượt chân xuống ao cá trước nhà khi đang chơi diều. Trước đó, có năm bé chết khi đang đi mót điều. Một trong năm em bé này chết vào đúng sinh nhật và bé muốn tặng mẹ một việc làm tốt trong ngày thiêng liêng ấy. Trước đó nữa, ở Phú Đô (Từ Liêm, Hà Nội) có bốn bé chết đuối ở hố nước công trình gần nhà. Phải chờ đến nửa tháng sau đó mới có một quy định của Chính phủ về việc xử phạt các chủ công trình không an toàn gây tai nạn cho trẻ, nhưng mức phạt cũng chỉ 20 triệu đồng nếu trẻ qua đời. Còn trước đó, chẳng ai biết dựa vào đâu để phạt nếu các chủ công trình gây tai họa cho trẻ.

Một thời gian ngắn nữa, đại diện VN sẽ đi Geneva báo cáo 20 năm thực hiện Công ước quyền trẻ em, công ước mà VN là quốc gia thứ hai trên thế giới đặt bút ký. Phải làm gì đi chứ! Tại sao không có những thanh niên tình nguyện dạy bơi cho trẻ em bên cạnh hoạt động tình nguyện cắt tóc, cắt móng tay, be bờ ruộng... từng chiếu trên tivi? Tại sao những người làm công tác bảo vệ trẻ em chưa một lần cật vấn mình vì sao VN có 3.260km bờ biển, nhiều sông ngòi ao hồ mà số trẻ chết đuối lại cao nhất khu vực? Một em bé mất đi sẽ là nỗi đau cho cả một đời người, thậm chí nhiều đời người thân của bé, vậy mà mỗi năm VN có đến 3.500 cái chết như vậy. Thật đau đớn, xót xa!

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên