Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống rửa tiền, trong đó có quy định các ngân hàng phải báo cáo khi khách hàng giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.
Với tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng như casino; xổ số; đặt cược... thì phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày.
Hiện mỗi ngày, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận, phân tích, xử lý hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ. Qua đó, nhiều vụ việc đã được chuyển đến cơ quan điều tra để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, truy thu thuế và xử lý vi phạm.
Các ngân hàng cho biết mỗi ngày hệ thống đều lọc tự động để chuyển các thông tin giao dịch đáng ngờ về Cục Phòng chống rửa tiền. Đây có thể hình dung như một kho dữ liệu để khi cần cơ quan quản lý có thể truy vết tội phạm.
Nhưng tội phạm liên quan đến rửa tiền ngày càng tinh vi hơn theo hướng xóa dấu vết. Một trong các cách đó là giao dịch bằng tiền mặt, chuyển hóa thành nhiều tài sản khác nhau để cho người khác đứng tên tài sản, sau đó tạo ra những nguồn thu nhập để hợp thức hóa..., thậm chí chuyển thành tiền ảo.
Như vậy có thể thấy kênh giao dịch ngân hàng là cơ sở dữ liệu quan trọng để cơ quan chức năng có thể kiểm tra, truy vết các giao dịch đáng ngờ.
Nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định các giao dịch giá trị lớn như mua nhà đất, xe cộ bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Vẫn còn tình trạng người dân mang cả bao tiền ra phòng công chứng để trả tiền mua nhà đất. Trong khi các khoản giao dịch tiền tỉ này chính là kênh mà tội phạm có thể tận dụng để rửa tiền một cách nhanh nhất.
Nhiều chuyên gia, tổ chức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ô tô, vàng bạc, đá quý..., sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.
Do vậy, bên cạnh quy định các ngân hàng phải báo cáo khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, cũng cần sớm có quy định bắt buộc tất cả giao dịch tài sản có giá trị lớn như nhà đất, du thuyền, máy bay, ô tô... phải qua ngân hàng.
Ở các nước phát triển quy định này đã được áp dụng từ lâu trong khi Việt Nam dù đã đề xuất từ nhiều năm qua nhưng chưa quy định chính thức dù có nhiều tác động tích cực như bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán, người mua và giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát dòng tiền, sớm phát hiện dòng tiền "bẩn" được hợp thức hóa.
Nhiều năm qua cơ quan thuế đã đặt ra ngưỡng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng là 20 triệu đồng thì doanh nghiệp mới được đưa vào chi phí hợp lý, hợp lệ. Thậm chí có ý kiến đề xuất nên hạ về ngưỡng 10 triệu đồng vì so với trước các phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đã rất đa dạng, tiện lợi.
Người dân cũng không cần ra ngân hàng mà chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại đã có thể thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt. Đến cả các quán vỉa hè hiện nay cũng có thể quét mã QR để thanh toán.
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, một trong những tiêu chí quan trọng là tính minh bạch. Thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt chính là cái gốc để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có cả phòng chống rửa tiền và khi đó khó có con voi nào có thể "lách" qua lỗ kim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận