Top 3 người giàu nhất Việt Nam (từ trái qua): Tỉ phú Phạm Nhật Vượng (tài sản 8,3 tỉ USD), tỉ phú Trần Đình Long (tài sản 3,3 tỉ USD), tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (tài sản 2,3 tỉ USD). Dựa trên dữ liệu các tỉ phú thế giới do Forbes cập nhật đến hết ngày giao dịch 19-5.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng - bất động sản vẫn là "gà đẻ trứng vàng"
Chỉ hơn 1 tháng sau khi Fores công bố danh sách tỉ phú thế giới ngày 6-4-2021, đến nay tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã được cộng thêm 1 tỉ USD, tăng lên 8,3 tỉ USD. Ông Vượng tiếp tục giữ vững vị trí người giàu nhất Việt Nam, đứng hạng 344 người giàu nhất hành tinh.
Ông Vượng được biết đến với vai trò chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup (mã chứng khoán VIC) - giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 18,6 tỉ USD.
Theo báo cáo thường niên 2020, trong cơ cấu cổ đông lớn của Vingroup, ông Vượng giữ hơn 876 triệu cổ phần (25,4%). Tập đoàn Đầu tư Việt Nam do ông Vượng và vợ là Phạm Thu Hương lãnh đạo, nắm hơn 1,12 tỉ cổ phiếu (tỉ lệ 32,5%).
Hiện Vingroup xác định 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trong đó công nghệ được nhấn mạnh đầu tiên, rồi đến công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Dù vậy, không thể phủ nhận bất động sản là trụ cột chính đưa ông Vượng trở thành tỉ phú đôla, đang là "gà đẻ trứng vàng" của Vingroup.
Năm 2020, doanh thu thuần của Vingroup đạt 110.500 tỉ đồng, riêng doanh thu chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 65% tổng cơ cấu, tương đương 72.200 tỉ đồng.
Dù vậy, với quan niệm "Quyết định nhanh - Đầu tư nhanh - Triển khai nhanh - Bán hàng nhanh - Thay đổi và thích ứng nhanh", trong thời gian qua tập đoàn này đã thoái vốn ở nhiều mảng kinh doanh mới.
Gần đây nhất, Vingroup đã "rút phích", ngừng sản xuất điện thoại và tivi, tập trung "sạc" tiền cho xe hơi Vinfast.
Trong hành trình khởi nghiệp, tỉ phú Vượng nhiều lần chia tay những "đứa con" của mình như dừng hoạt động Tập đoàn Tài chính Vincom, bán Technocom (kinh doanh mì ăn liền, bột canh…) cho tập đoàn Nestle, đóng sàn thương mại điện tử Adayroi và chuỗi siêu thị điện máy Vinpro, bán VinMart, ngừng cuộc đua hàng không khi Vinpearl Air chưa kịp cất cánh…
Dù vậy, hệ thống Vingroup cũng xuất hiện các thành viên mới như VinShop, VinUni, Vintech...
Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2021, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần 170.000 tỉ đồng, lãi sau thuế 4.500 tỉ đồng, lần lượt tăng 54% và giảm 1% so với năm trước.
Tỉ phú thép Trần Đình Long trở thành người giàu thứ 2 của Việt Nam
Cơn sốt cổ phiếu thép đã đẩy giá cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tăng lên hơn 3 lần so với mức giá khoảng 20.000 đồng của một năm trước.
Với diễn biến trên, tổng tài sản của chủ tịch Trần Đình Long đã nâng lên 3,3 tỉ USD, tương đương cộng thêm 1,1 triệu USD so với hồi 6-4 Forbes công bố danh sách tỉ phú thế giới.
Điều này giúp ông Long vươn lên vị trí người giàu thứ nhì Việt Nam mà tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet) duy trì nhiều năm qua.
Điều đáng nói là chỉ mới năm ngoái, ông Long bị rớt khỏi danh sách tỉ phú thế giới, nhưng năm nay đã trở lại một cách ngoạn mục.
Theo báo cáo tình hình quản trị công ty được công bố hồi đầu năm, tỉ phú Long giữ 864 triệu cổ phiếu Hòa Phát (tỉ lệ 26%), tương đương 2,3 tỉ USD theo thị giá.
Chỉ trong quý đầu năm nay, Hòa Phát ước đạt 31.000 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỉ đồng - cao gấp 3 lần so với quý 1 năm trước và lập kỷ lục 30 năm qua của tập đoàn về lãi ròng một quý.
Cả năm 2020, Hòa Phát lãi ròng sau thuế 13.506 tỉ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ và cao gấp gần 10 lần so với năm 2010. Doanh thu đạt trên 91.000 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2019.
Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, đóng góp 84% doanh thu và 82% lợi nhuận sau thuế 2020.
Năm 2021, Hòa Phát lên kế hoạch đạt 120.000 tỉ đồng doanh thu và 18.000 tỉ đồng lãi sau thuế.
"Không ai có thể làm thép mãi được. Hòa Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn phải đa ngành nghề", ông Long chia sẻ tại đại hội cổ đông 2021.
Ngoài thép, Hòa Phát cũng phát triển mảng nông nghiệp (sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo-bò-gia cầm) và bất động sản. Vào tháng 6 tới đây, tập đoàn sẽ khởi công nhà máy sản xuất vỏ container tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet vẫn có lãi giữa thời dịch
Hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi Forbes công bố danh sách tỉ phú thế giới năm 2021, tài sản của tỉ phú Phương Thảo giảm 500 triệu USD xuống còn 2,3 tỉ USD, nhưng vẫn là người giàu thứ 3 Việt Nam. Trong vòng 1 tháng nay, cổ phiếu hãng hàng không giá rẻ Vietjet (VJC) có biến động giá giảm hơn 10%.
Theo báo cáo tình hình quản trị Vietjet được công bố hồi đầu năm 2021, bà Thảo nắm giữ hơn 47,4 triệu cổ phiếu Vietjet, tương ứng 8,7% tỉ lệ sở hữu.
Hàng loạt công ty khác mà bà Thảo đang lãnh đạo cũng nắm cổ phần tại Vietjet, như: CTCP Sovico - tổng giám đốc (7,59%), CTCP Sovico Aviation - chủ tịch (1,85%), Đầu tư Hướng Dương Sunny - chủ tịch (28,57%), HDBank - phó chủ tịch (4,95%)...
Năm 2020, Vietjet đạt doanh thu 18.220 tỉ đồng và lãi sau thuế 68,6 tỉ đồng, giảm 64% và 98% so với năm trước.
Tổng kết quý 1-2021, Vietjet đạt doanh thu 4.048 tỉ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước, song lãi sau thuế tăng 112% lên 123 tỉ đồng.
Hãng bay chia sẻ số lãi trên đến từ việc đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không. Giữa thời dịch, việc một hãng hàng không vẫn kiếm được lãi là nỗ lực không nhỏ.
Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận