04/06/2018 14:52 GMT+7

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Ân tình đáp trả

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
THÙY DƯƠNG - LAN ANH

TTO - Những ngày này, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy vui hơn khi thấy cậu bé Võ Sơn Lâm, 7 tuổi, ở Q.2, TP.HCM (em trai một người hiến tạng) có kết quả học tập tốt..

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Ân tình đáp trả - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Khiêm lúc còn sống. Khiêm đã tặng trái tim, tặng gan, thận và giác mạc để cứu 6 người. Vợ con anh - những người còn sống - cần được đáp trả bằng ân tình - Ảnh: GĐCC

Cuộc sống rất ngắn ngủi nên hãy làm điều tốt nhất khi đang sống

Ông MAI HỒNG BÀNG (giám đốc Bệnh viện 108)

"Quà" cho người hiến tặng sự sống

Cách đây gần ba năm, anh trai của Lâm bị tai nạn giao thông và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Do người này bị đa chấn thương nặng, chết não nên các bác sĩ đã báo cho TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Thu khi ấy đã đến gặp mẹ của bệnh nhân để tư vấn cho bà về việc hiến tạng con trai mình có thể sẽ có cơ hội cứu sống được nhiều người bệnh khác.

Bà P., mẹ của Lâm, là một người phụ nữ mộc mạc, lam lũ. Nghe tin con trai không thể cứu được nữa, bà rất đau buồn. Nhưng khi bác sĩ đề cập đến việc con trai bà có thể sẽ cứu sống được nhiều người nếu anh ấy hiến tim, gan, thận, giác mạc của mình thì bà đã đồng ý.

Sau khi hiến tạng xong, bà đưa con về nhà để làm đám tang. Nơi gia đình bà ở là một phòng trọ nhỏ ở Q.2, TP.HCM. Hằng ngày bà P. đi bán nước ở một công trình xây dựng để kiếm tiền nuôi cậu con trai nhỏ là Lâm.

Kinh tế gia đình khó khăn, chạy ăn từng bữa nên bà P. chưa từng cho Lâm đi học mẫu giáo và cũng chưa nghĩ đến việc sẽ cho Lâm đi học lớp 1.

Hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy nhưng chưa khi nào bà mẹ mở lời đòi hỏi bệnh viện giúp đỡ.

Khi chứng kiến gia đình người hiến tạng nghèo quá, bác sĩ Thu và ThS Lê Minh Hiển, trưởng phòng công tác xã hội của bệnh viện, đã quyết định phải làm điều gì đó cho gia đình người hiến. Đó là việc giúp em trai của người hiến tạng được đi học.

Đơn vị đã nhờ người kết nối và xin cho bé được vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, sau đó liên lạc với một nhà hảo tâm chu cấp toàn bộ tiền học cho bé Lâm.

Cũng từ đó, bác sĩ Thu thường xuyên liên lạc với giáo viên của trường để đóng học phí và theo dõi tình hình học tập của cậu bé này.

Những ngày đầu đến trường của Lâm là những ngày đầy lo lắng của giáo viên và các y bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy. "Lâm chưa từng đi học mẫu giáo nên hoàn toàn không biết gì hết". Đó là nhận xét đầu tiên của cô giáo chủ nhiệm về Lâm.

Lâm ngồi trong lớp nhưng không hiểu được những điều cô dạy. Khi cô giáo dạy đọc, Lâm chỉ đứng cắn môi đến chảy máu chứ không thể đọc. Nhiều lần như thế khiến Lâm ngày càng sợ học. Không những không chịu học mà nhiều lúc cậu bé còn bỏ trốn.

Có lúc bác sĩ Thu nhận được điện thoại từ cô giáo ở trường báo: "Lâm nó đi đâu mất tiêu rồi, bác sĩ ạ. Bây giờ tụi tôi kiếm không ra. Nó không học được nên chạy trốn...".

Thấy cô giáo nào cũng than phiền về cậu học trò chẳng giống ai này, bác sĩ Thu phải nhờ người kèm thêm cho Lâm ngoài giờ học ở trường. Đó là cô Đinh Thị Kim Thoa, một giáo viên đã nghỉ hưu.

Cô Thoa tận tâm dạy từng chữ A, B, C... cho cậu bé nhưng cũng không đạt kết quả vì cậu không nhớ, không tiếp thu được những gì các cô đã dạy. Cô chủ nhiệm thông báo là cuối năm bé thi lại cả môn toán lẫn môn tiếng Việt và khó lòng lên lớp 2.

Nhưng thật kỳ lạ, nhờ chịu khó học kèm suốt mùa hè với cô Thoa, đầu năm học sau đó tất cả cô giáo đều bắt đầu khen Lâm. Nào là Lâm viết chữ đẹp, tiếng Việt đã có những điểm 8, 9, còn toán nhiều điểm 10.

Lâm còn không chịu nghỉ tết vì "con nhớ cô giáo lắm, con chỉ muốn được đi học".

Không chỉ mẹ Lâm, các cô giáo mà những bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy biết chuyện của gia đình Lâm đều vui mừng đón nhận những thông tin tốt đẹp về Lâm của ngày hôm nay. Anh trai của Lâm nơi chín suối chắc cũng yên lòng về đứa em trai của mình.

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Ân tình đáp trả - Ảnh 3.

Chuẩn bị cho bác sĩ tiến hành ghép tim - Ảnh: THÚY ANH

Dành điều tốt nhất cho người ở lại

Cuối tháng 3 vừa rồi, hơn một tháng sau khi chồng ra đi, chị Tạ Thị Kiều, 38 tuổi, vợ cố thiếu tá Lê Hải Ninh, đã có dịp trở lại Bệnh viện T.Ư quân đội 108, nơi hơn một tháng trước chồng chị đã qua đời và dành tặng lại tim, gan, giác mạc, thận để cứu sáu người.

Bệnh viện 108 đã tổ chức một buổi lễ long trọng để tri ân người đồng đội đã ra đi. Và trong phút mặc niệm, ông Mai Hồng Bàng, giám đốc Bệnh viện 108, cho biết ông đã nghĩ mãi đến hình ảnh một rừng nến đang cháy và khi nến tắt thì vẫn còn một ngọn nến tiếp tục cháy.

"Cuộc sống rất ngắn ngủi nên hãy làm điều tốt nhất khi đang sống" - ông Bàng chia sẻ.

Với thiếu tá Ninh, anh đã dành sự sống và ánh sáng cho sáu người khác. Họ đều đã về nhà, đã khỏe và vui trở lại. Với gia đình họ, niềm vui vừa có được là sự sum họp và hi vọng.

Nhưng gia đình thiếu tá Ninh từ ngày anh mất, họ vắng đi người chồng, người cha, vắng đi trụ cột. Trong bộ quần áo đen, hơn một tháng sau khi chồng mất, chị Kiều dường như vẫn chưa gượng dậy được...

Phải làm gì để đền đáp nghĩa cử ấy? Các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ Bệnh viện 108 luôn trăn trở về điều đó. Và họ đã quyết định trao cho chị Kiều bản cam kết sẽ nhận hai con chị vào làm việc tại bệnh viện nếu như hai cháu có nguyện vọng.

Nhìn hai cậu con trai nhỏ xíu bê tấm bảng, sẽ còn hàng chục năm nữa đến khi cam kết ấy có thể thành hiện thực, nhưng dường như chị Kiều đã yên lòng được một chút khi có người chia sẻ khó khăn của một bà mẹ góa chồng có hai con nhỏ, như ở đâu đó anh Ninh đang dang tay chia sẻ với chị.

Tri ân

Tại buổi lễ tri ân thiếu tá Ninh, rất nhiều người đã khóc. Sự chia ly bao giờ cũng đem đến cho người ta những cảm xúc đau buồn. Ở đây lại là chia ly vĩnh viễn, và người ở lại thật chông chênh bởi gánh nặng cha mẹ già, con thơ.

Không có kỹ thuật y khoa nào mang lại những xúc cảm đặc biệt như kỹ thuật ghép tạng, đặc biệt là ghép tạng từ người hiến đã chết não, bởi khi có một người được sống là có một người vừa ra đi.

Người hiến đã dành những điều tốt nhất cho người ở lại, và những người ở lại cũng phải dành những gì tốt đẹp nhất để tri ân gia đình họ.

__________________________

Kỳ tới: Công việc thầm lặng

26 năm ghép tạng ở Việt Nam - Kỳ 5: Những người tận hiến 26 năm ghép tạng ở Việt Nam - Kỳ 5: Những người tận hiến

TTO - Trưa 22-2-2018, khi các cán bộ của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đang ăn bữa trưa tại cơ quan thì bất ngờ đường dây nóng kêu vang.

26 năm ghép tạng ở Việt Nam - Kỳ 4: Cảm ơn người tặng trái tim 26 năm ghép tạng ở Việt Nam - Kỳ 4: Cảm ơn người tặng trái tim

TTO - Trước Tết Nguyên đán 2018 vài ngày, mẹ con cháu Nguyễn Thành Đạt - học sinh lớp 4 ở Sơn Tây, Hà Nội - về Bệnh viện Việt Đức khám lại sau gần một năm được ghép tim.

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên