Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi 2021 hỗ trợ thí sinh biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19 trước khi vào phòng thi - Ảnh: Q.L.
Hôm nay (11-11), TP.HCM kỷ niệm 25 năm ra đời và phát triển chương trình "Tiếp sức mùa thi". Điều thú vị là ý tưởng đầu tiên về hoạt động này khởi nguồn từ chính một sinh viên xa quê, khi Ngô Anh Vương đặt chân đến TP.HCM thi đại học vào năm 1997.
Giá mà được giúp!
Đó là trải nghiệm không bao giờ quên mà Vương và mấy người bạn cùng quê Bình Định bị mấy tài xế xe ôm táng vào đầu vì "cái tội láo không chịu đi xe"!
"Giá mà mấy bạn học sinh ở tỉnh vào đến Sài Gòn được ai đó giúp để không gặp cảnh như tụi mình" - anh Vương nhớ lại cảm xúc của năm nào như vẫn vẹn nguyên ùa về. Nhưng ý tưởng xin đặt cái bàn ở bến xe để hễ gặp bạn học sinh nào ở tỉnh đến thì giúp của Vương và nhóm bạn đã không được nơi nào đồng ý. "Lúc đó có ai biết tụi mình là ai. Không ra được bến xe, tụi mình làm loanh quanh ở trường, giúp cũng được nhiều á" - Vương kể.
Kỳ thi mấy năm sau cũng vậy, nhóm tiếp sức của Vương đã nhiều hơn và vẫn làm công việc này vào mùa tuyển sinh, và vẫn chưa vào được các bến xe như mong ước. Các bạn đi tìm những chỗ trọ giá bình dân, có chỗ cho ở miễn phí, các địa điểm thi để có thể hướng dẫn chi tiết nhất có thể cho thí sinh và phụ huynh lần đầu đến thành phố.
Năm 2001, "Tiếp sức mùa thi" chính thức chào sân với quy mô toàn thành, hỗ trợ cho thí sinh từ khắp nơi về TP.HCM thi đại học, và đây cũng là năm chương trình nhận được sự hỗ trợ đầu tiên của Tập đoàn Thiên Long. Năm 2002, báo Thanh Niên tổ chức chương trình và Tập đoàn Thiên Long vẫn đồng hành với "Tiếp sức mùa thi" đến nay, đa dạng hoạt động hơn, trong đó có cả hỗ trợ học bổng ban đầu cho học sinh sinh viên khó khăn được chương trình tiếp sức.
Dù từng giai đoạn có khác nhau do thay đổi phương thức thi tuyển sinh nhưng điều không thể phủ nhận là hàng chục triệu phụ huynh, thí sinh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ. "Hàng vạn tấm lòng người dân TP.HCM và rất nhiều sinh viên tình nguyện luôn sẵn sàng chia sẻ với những người chẳng thân quen từ nơi xa đến một cách ân cần. Tôi nghĩ đó là giá trị nhân văn mà chương trình đã làm được và sẽ còn lưu giữ mãi những hình ảnh đẹp đó" - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM Lê Xuân Dũng nói.
Đổi thay và thích ứng
Hầu như ai đã từng một lần làm chiến sĩ tình nguyện tiếp sức cho thí sinh sẽ gần như gắn bó khó rời. Đã có rất nhiều nhóm hiện vẫn giữ kết nối cùng nhau dù ai cũng ra trường, đi làm cả chục năm rồi. Anh Nguyễn Trọng Hoàng là một trong số đó. Từng làm chiến sĩ, sau khi ra trường về đầu quân cho Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tiếp tục làm chương trình và giờ khi đã ra làm doanh nghiệp nhưng mỗi khi chương trình cần thì hỗ trợ được gì anh đều sẵn sàng ngay.
Bạn Nguyễn Hoàng Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) tham gia "Tiếp sức mùa thi" trong hè cuối cùng thời sinh viên nói điều nhớ nhất là tình cảm đồng đội, chia sẻ nhiệm vụ dù các chiến sĩ chỉ mới gặp nhau khi cùng tham gia chương trình. Đã học xong về quê nghỉ hè song Tuấn lại trở ngược lên TP.HCM đi tiếp sức mùa thi, rồi tham gia đội hình chống dịch COVID-19.
Không may mắn, Tuấn nhận kết quả dương tính và phải đi cách ly điều trị hết cả tháng. Trở lại, vẫn mang tinh thần hỗ trợ người khác như lúc tiếp sức mùa thi, Tuấn tình nguyện quay lại phục vụ trong bệnh viện dã chiến từ giữa tháng 8. "Mình mới xin về cách đây mấy ngày vì bắt đầu đi làm, thấy vui vì đã có những ngày đáng nhớ, góp chút sức nhỏ bé cùng các bạn khác" - Tuấn cười.
Theo anh Vũ Linh (Trường CĐ Kinh tế - công nghệ TP.HCM), tiếp sức hiện nay cần quan tâm hơn đến hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp tân sinh viên tự tin đến trường. Còn anh Ngô Anh Vương - người nghĩ ra ý tưởng tiếp sức - mong chương trình chọn cách làm khác hơn vì mọi thứ so với cách đây 25 năm đã thay đổi nhiều. Anh Vương nói hiện tại công nghệ giúp thí sinh không quá vất vả khi tìm điểm thi, chưa kể thi tại địa phương, thí sinh không quá lạ lẫm so với việc từ các tỉnh đổ về đô thị lớn như trước.
Nhờ sự tiếp sức của Tập đoàn Thiên Long mà hành trình "Tiếp sức mùa thi" có thêm điều kiện để mở rộng các hoạt động qua từng năm. Người ta nhắc đến ông chủ tịch của Thiên Long, Cô Gia Thọ, với suy nghĩ muốn hỗ trợ cho một hoạt động của sinh viên TP.HCM để rồi sau đó đã ra đời chương trình "Tiếp sức mùa thi" tại TP.HCM và nhân rộng ra cả nước 20 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận