Hai phụ nữ người dân tộc Mông sử dụng điện thoại thông minh tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - Ảnh: NAM TRẦN
Theo thống kê, hiện có khoảng 12,4 triệu thuê bao vẫn đang dùng điện thoại "cục gạch" và chưa thể kết nối mạng Internet.
Chuyển đổi số là sự phát triển mang tính đột phá. Đột phá ở chỗ càng nhiều người dùng thì càng rẻ... Đột phá ở chỗ nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất nhưng với giá rất rẻ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Nhiều nhà mạng cùng triển khai
Từ tháng 10-2020, nhà mạng Viettel đã thực hiện phân phối trên hệ thống bán hàng cả nước của mình smartphone Vsmart Bee Lite theo hình thức trợ giá, chỉ còn 600.000 đồng thay vì nguyên giá 1.490.000 đồng.
Bên cạnh ưu đãi về giá, tất cả người dùng khi mua máy còn được Viettel Telecom tặng kèm gói cước dữ liệu miễn phí 15GB trong ba tháng.
Viettel và Vinsmart liên kết cùng triển khai kế hoạch phổ cập smartphone giá rẻ theo chủ trương của Bộ Thông tin và truyền thông.
Ý tưởng này được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra vào cuối tháng 3-2020 với mục tiêu tiến tới phổ cập điện thoại di động thông minh vào năm 2025, giúp mọi người dân Việt Nam đều được tiếp cận các tiện ích số.
Lúc đầu không ít ý kiến băn khoăn về mức độ khả thi của việc cung cấp đại trà những chiếc smartphone với giá 500.000 - 600.000 đồng đến tay người dùng bởi trên thị trường, những chiếc smartphone rẻ nhất cũng đang ở mức trên dưới 2 triệu đồng.
Nhưng kế hoạch này đã được các nhà sản xuất điện thoại trong nước, các nhà mạng nhanh chóng hưởng ứng. Thậm chí, đây còn là cơ hội để các nhà sản xuất điện thoại di động trong nước có thể tăng thị phần tại thị trường trong nước.
"Chỉ sau hai tháng triển khai đã có hơn 25.000 người được hưởng ưu đãi của chương trình - nhà mạng Viettel cho biết - Ngoài dòng điện thoại Vsmart Bee Lite, Viettel sẽ sớm triển khai chương trình bán trả góp smartphone áp dụng với cả các dòng máy có giá dưới 3 triệu đồng".
Trong khi đó, VNPT cũng cho biết sẽ thử nghiệm cung cấp smartphone 4G thương hiệu VNPT Technology cho khách hàng đang sử dụng máy 2G tại năm tỉnh, thành phố.
Các thiết bị đầu cuối do VNPT cung cấp có giá bán từ 500.000 - 600.000 đồng kèm theo các gói cước từ nhà mạng VinaPhone hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi từ điện thoại 2G sang dùng smartphone 4G.
Còn nhà mạng MobiFone đã lựa chọn một số mẫu thiết bị smartphone có giá rẻ, phối hợp với kênh phân phối bán hàng thực hiện giảm 10-15% giá thiết bị niêm yết khi mua các dòng máy thuộc chương trình thúc đẩy sử dụng smartphone.
Từ tháng 7-2020, Bkav đã công bố sản xuất dòng điện thoại Bkav Smart Feature Phone 4G - C85 tới tay người dùng với giá chưa tới 1 triệu đồng. Để có mức giá này, Bkav đã hợp tác cùng một nhà mạng trợ giá và phân phối Bkav-C85.
Dây chuyền sản xuất điện thoại tại nhà máy Vsmart - Ảnh: MINH SƠN
Giá rẻ nhưng "ngon lành"
Về chất lượng sản phẩm điện thoại, các chuyên gia công nghệ cho rằng với giá 40-50 USD từ nhà sản xuất tất nhiên sẽ không thể đòi hỏi tính năng, chất lượng tương đương với máy 5-7 triệu đồng, dù nhà sản xuất đã tối ưu các tính năng, linh kiện sản phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
"Sản xuất ở mức giá 40-50 USD sẽ không thể có lãi, nhưng về lâu dài mình sẽ lấy được thị trường và mở rộng thị phần" - ông Trần Hữu Quyền, tổng giám đốc Công ty VNPT Technology, doanh nghiệp hiện có hai nhà máy sản xuất điện thoại di động, nhìn nhận từ kinh nghiệm thực tiễn.
Trên thực tế, các smartphone đang được bán trong chương trình phổ cập smartphone có chất lượng và tính năng được các chuyên gia cũng như người dùng đánh giá là khá "ngon lành" so với số tiền bỏ ra.
Với ưu thế nhỏ gọn, thời lượng pin lâu, dễ sử dụng, Bkav-C85 có thể dùng lên đến cả tuần không cần sạc pin, có thể truy cập các ứng dụng phổ biến như Facebook, YouTube, Google...
Thậm chí, nhà sản xuất Bkav còn ưu ái đưa công nghệ ra lệnh bằng giọng nói vào dòng điện thoại mới này. "Bkav-C85 chạy trên hệ điều hành KaiOS, một phiên bản kế thừa của hệ điều hành Firefox và được Bkav tối ưu cho người sử dụng Việt Nam" - đại diện Bkav cho hay.
Trong khi đó, Vsmart Bee Lite được trang bị màn hình 5,45 inch, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài... hoàn toàn đủ tính năng đáp ứng nhu cầu của người dùng lần đầu tiếp cận với các tiện ích số.
Đặc biệt, dù chỉ có 600.000 đồng nhưng Vsmart Bee Lite sở hữu chip Qualcomm Snapdragon 215, hệ điều hành Android Go đảm bảo khả năng xử lý ứng dụng mượt mà và tốc độ, khiến người dùng khi sử dụng chiếc smartphone với giá chỉ 600.000 đồng có thể xóa đi suy nghĩ giá rẻ gắn liền với chất lượng không cao.
Làm thế nào để được mua smartphone 4G giá rẻ?
Nhà mạng Viettel cho biết: Không phải tất cả khách hàng đều có thể được mua smartphone giá rẻ.
Vì đây là chương trình nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại di động hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ điện thoại thường sang smartphone nên khách hàng cần truy cập viettel.vn/beelite, nhập số thuê bao để kiểm tra có thuộc đối tượng mua hàng và đặt hàng smartphone Vsmart Bee Lite với giá 600.000 đồng ngay trên trang này.
Cách khác soạn 4G gửi 191, nếu thuộc đối tượng chương trình thì gọi lên tổng đài 18008168 để mua hàng.
"Khách hàng không cần cam kết về cước, tuy nhiên máy đã mua sẽ chỉ sử dụng được với sim đủ điều kiện mua máy" - nhà mạng này lưu ý.
Ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - VIA):
Cơ hội cho người dân tiếp cận các tiện ích số
Phổ cập smartphone giá rẻ tới 100% dân số là chủ trương tốt và hợp lý vì đây là một trong những động lực để thúc đẩy phát triển mục tiêu của quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ điện tử.
Khi sản phẩm smartphone đơn giản, rẻ thì càng có nhiều người dùng và khi mọi người đều dùng smartphone thì nhu cầu về các dịch vụ số càng lớn, cơ hội người dân tiếp cận với các tiện ích số càng gia tăng...
10 người mới có 4,5 người xài smartphone
Theo thông tin từ kết quả nghiên cứu thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota, tỉ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam năm 2020 đạt 44,9%. Tức cứ 10 người thì mới có xấp xỉ 4,5 người sử dụng smartphone.
Chương trình phổ cập smartphone mà Bộ Thông tin và truyền thông đang thúc đẩy sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phổ cập smartphone, làm cơ sở cho việc tắt sóng công nghệ cũ 2G trong thời gian tới.
Phổ cập smartphone chính là những bước đầu tiên để tiến tới phủ sóng 4G, 5G cũng như tạo nền tảng cho chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đến 2025, 100% người dân sử dụng smartphone
Ngay khi đưa ra kế hoạch chương trình phổ cập smartphone đến 100% người dân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã xác định thực hiện "thông qua việc sản xuất smartphone mang thương hiệu Việt Nam".
Rõ ràng, đây là cơ hội lớn để các nhà sản xuất smartphone và nhà mạng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh sòng phẳng với các dòng sản phẩm như Xiaomi, OPPO, Huawei đang làm mưa làm gió ở phân khúc trung bình và giá rẻ tại thị trường Việt Nam...
Dây chuyền sản xuất điện thoại tại nhà máy Vsmart - Ảnh: MINH SƠN
Trong đó, VinSmart đang hội tụ đủ yếu tố để trở thành nhà cung cấp smartphone giá rẻ lớn nhất Việt Nam.
Trước hết, về năng lực sản xuất, tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm, trong đó năng lực sản xuất smartphone khoảng 23 triệu sản phẩm/năm.
Ngoài ra, cũng có thể kể đến những doanh nghiệp công nghệ Việt có tiềm năng sản xuất smartphone giá rẻ như Công ty VNPT Technology hay Tập đoàn Bkav...
Ý tưởng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là thực hiện chương trình phổ cập smartphone giá rẻ thông qua việc sản xuất những chiếc smartphone Việt Nam với giá chỉ 45-50 USD, tương đương hơn 1 triệu đồng.
Sau đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, điều này sẽ giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD.
Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân, theo kỳ vọng của ông Hùng, sẽ chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500.000 đồng.
"Phổ cập công nghệ luôn là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng mỗi người dân Việt Nam sẽ có một smartphone, với giá cả hợp lý, do chính người Việt Nam sản xuất. Do đó, Vingroup luôn sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác, bắt tay với các doanh nghiệp có chung khát vọng" - bà Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart, Tập đoàn Vingroup, chia sẻ.
Ông Trần Hữu Quyền, tổng giám đốc Công ty VNPT Technology (đơn vị thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT), cho biết trong danh mục sản phẩm điện thoại hiện nay của VNPT Technology đã có mẫu điện thoại giá khoảng 1 triệu đồng.
Công ty có hai nhà máy sản xuất smartphone, có khả năng sản xuất 2-3 triệu smartphone/năm, nên theo ông Quyền, với hạ tầng nhà máy hiện tại chỉ cần có đơn đặt hàng từ nhà mạng là doanh nghiệp có thể sản xuất được luôn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là thời điểm thuận lợi để bắt đầu chương trình phổ cập smartphone, bởi Việt Nam sẽ thương mại hóa công nghệ 5G mới, tắt sóng 2G và quan trọng nhất là năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được về giá thành sản phẩm và mang lại doanh thu đáng kể.
Bước đi mạnh mẽ đến xã hội số và chính phủ điện tử
Giữa cao điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các bệnh viện đều phải áp dụng giãn cách xã hội, một người bệnh ở vùng nông thôn Thanh Hóa được tư vấn, hướng dẫn điều trị bởi các bác sĩ từ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội qua một chiếc smartphone.
Một thí sinh ở vùng núi nghèo tỉnh Nghệ An đã trúng tuyển ĐH nhờ một chiếc smartphone kết nối mạng mà thí sinh này cứ ngày ngày vượt qua quãng đường đèo núi để ra một điểm có thể "hứng sóng" học và ôn thi trực tuyến...
Nông dân xã Nam Thái A (huyện An Minh, Kiên Giang) được hướng dẫn sử dụng phần mềm quan trắc môi trường qua smartphone để chủ động trong sản xuất nông nghiệp mùa khô 2021 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Với đà chuyển đổi số ở những lĩnh vực thiết yếu, liên quan đến đa số người dân như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử... như hiện nay, khi có trong tay chiếc smartphone kết nối mạng, cuộc sống của mỗi người dân thực sự có thể thay đổi rất nhiều.
Đơn cử như lĩnh vực y tế, mới đây Bộ Y tế đã đồng loạt triển khai nhiều ứng dụng trong khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ, bệnh án điện tử..., nếu có một chiếc smartphone để kết nối mạng, người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... cũng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, được tư vấn, theo dõi sức khỏe kịp thời...
Còn với những nền tảng học trực tuyến trong giáo dục, khi được kết nối ở mọi nơi, mọi lúc bằng chiếc smartphone, khoảng cách địa lý cũng sẽ được thu hẹp với hàng triệu học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt...
Có thể nói, với chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tốc độ chuyển đổi số đang được đẩy nhanh ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, hiệu quả, lợi ích của chương trình phổ cập smartphone rất rõ ràng.
Người đang dùng feature phone (điện thoại cơ bản) khi chuyển sang smartphone sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ số hơn, như dịch vụ nội dung số, thanh toán số, chính phủ điện tử..., nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, biên giới và hải đảo.
Ông Thạch Dương (60 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long):
Tiện theo dõi giá cả, kỹ thuật trồng trọt
Thấy tụi nhỏ bấm bấm, lướt lướt lên mạng bằng điện thoại thông minh cũng ham, vì tui rất thích nghe đài, tin tức thời sự. Nếu có điện thoại xịn giá tầm vài trăm ngàn tui cũng sắm một cái cho biết với người ta.
Có điện thoại thông minh, học được cách xài chắc chắn việc đầu tiên tui sẽ lên mạng. Mình coi những cái hay, theo dõi tin tức về giá lúa, giá hoa màu và các kỹ thuật trồng trọt sao cho hiệu quả. Rồi mình còn biết cái nào đang thừa, cái nào đang thiếu để mà trồng.
Cô Già Thị Xinh (25 tuổi, thị trấn Đồng Văn, Hà Giang) đã dùng điện thoại nhiều năm - Ảnh: T.T.D.
Anh Nguyễn Hữu Quang (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam):
Người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách của Nhà nước
Kế hoạch phổ cập điện thoại thông minh nhắm đến các đối tượng có thu nhập thấp nhưng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên điện thoại thông minh, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số trên vùng cao hiện chưa tiếp cận nhiều với thông tin, công nghệ.
Việc này vừa thúc đẩy số lượng thuê bao di động sử dụng Internet 3G, 4G vừa thúc đẩy các tập đoàn viễn thông đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu việc sử dụng điện thoại thông minh phổ biến sẽ dễ dàng trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hơn.
Thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dân sẽ dễ tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Các thông tin trên Internet sẽ giúp ích cho việc tìm hiểu thông tin, các mô hình, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi được thuận lợi.
Chí Hạnh - Lê Trung ghi
Thúc đẩy để tạo lợi ích lâu dài
Nhiều chuyên gia cho rằng thành công của việc "phủ sóng smartphone giá rẻ tới 100% dân số" rất cần vị trí quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với vai trò là đơn vị trợ giá chính - một hình thức bán hàng phổ biến ở các nước phát triển và phương Tây.
Mặt khác, các nhà mạng cũng là người hưởng lợi đầu tiên trong chương trình này, với nguồn thu lớn đến từ việc tiêu thụ data.
Vì vậy, cần khuyến khích sự bắt tay giữa các nhà sản xuất smartphone như VinSmart với các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone bằng việc trợ giá, thực hiện bán smartphone giá rẻ kèm gói cước, data.
Ông Tào Đức Thắng, phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel), cho rằng mức trợ giá 10 USD như Bộ Thông tin và truyền thông ước tính không phải là vấn đề gì lớn đối với nhà mạng nếu số lượng thuê bao/máy được trợ giá chỉ một vài triệu.
Còn ông Nguyễn Trường Giang, tổng giám đốc VNPT-VinaPhone, cho biết nếu tham gia nhà mạng sẽ phải hi sinh một chút lợi ích kinh tế ban đầu.
Cụ thể, đối với VinaPhone có 2-3 triệu thuê bao 2G cần chuyển đổi, tức cần trợ giá 2-3 triệu máy, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra hai ba chục triệu USD.
"Nhà mạng có thể coi như đây là khoản đầu tư ban đầu và sẽ thu lợi về sau, bởi càng nhiều người dùng smartphone thì nhu cầu dùng Internet càng lớn. Khi nhu cầu 4G càng nhiều thì khả năng thu hồi vốn đầu tư 4G càng tốt" - ông Giang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận