15/09/2020 11:24 GMT+7

200 năm, hậu thế nhớ Tố Như - Kỳ 3: Người xưa thấp thoáng ngàn sau

THÁI LỘC - SƠN LÂM
THÁI LỘC - SƠN LÂM

TTO - Nhờ câu thơ Nôm tương truyền thủ bút đại thi hào Nguyễn Du, những món đồ sứ trở nên nổi tiếng, được giới chơi cổ ngoạn thích thú sưu tầm bằng sự trân quý đặc biệt.

200 năm, hậu thế nhớ Tố Như - Kỳ 3: Người xưa thấp thoáng ngàn sau - Ảnh 1.

Nhiều khách tham quan quan tâm đến những hiện vật cụ Tố Như thường dùng giai đoạn ở quê Tiên Điền - Ảnh: THÁI LỘC

Do đề tài gần gũi, không "phạm thượng, nghi kỵ" như các loại long, lân, quy, phượng. Quan trọng hơn là có câu thơ Nôm nội dung nhẹ nhàng, vui vẻ, đặc biệt tương truyền của cụ Nguyễn Du nên ai cũng thích sắm chơi bởi sự thanh tao.

Nhà nghiên cứu TRẦN ĐÌNH SƠN

Những hiện vật "châu về Hợp Phố"

Chuyến hành hương của chúng tôi về đất Tiên Điền ven hữu ngạn sông Lam trong một cảm xúc thật khó tả. 99 ngọn núi Hồng Lĩnh ghi dấu từng bước chân đại thi hào kiếm tìm niềm vui và miếng sống giai đoạn thanh bần vẫn sừng sững như thế. 

Bến Giang Đình từng đong đầy cảm xúc trong thơ Nguyễn Du nay cây ngập nước, bụi cỏ xanh dày. Tìm nhà thầy giáo Nguyễn Minh, cháu đời thứ 6 cụ Tố Như, người đi vắng, cửa khóa then cài. Khu mộ nhà thơ giữa trưa vắng vẻ, vương làn khói nhang và lẵng hoa thắm của đoàn hành hương thăm viếng. 

May thay sự sinh động vẫn tràn ngập khi ghé thăm khu di tích lưu niệm Nguyễn Du giữa quê cũ Tiên Điền...

Hòa vào dòng người tham quan, chúng tôi được người thuyết minh diễn giải hiện vật trưng bày liên quan đến gia tộc, cuộc sống và sự nghiệp. Hình ảnh nhà thơ uyên bác sống cảnh thanh bần hiện ra qua từng món đồ rất đỗi sinh động và bình dị. 

Đó là chiếc la bàn cũ, được xác định là thứ cụ Nguyễn Tiên Điền dùng để xác định phương hướng những lần đi săn giữa non xanh Hồng Lĩnh. Cái gạc nai, có lẽ là sản phẩm săn được, cụ dùng để làm móc treo áo quần. 

Cô thuyết minh bảo những hiện vật này là "nhạy cảm" bởi nó liên quan đến việc săn bắn thú rừng, điều mà ngày nay cấm tiệt. Nhưng hơn 200 năm trước, việc khai thác sản vật rừng, kể cả săn bắn, là được phép, không chỉ cái thú mà còn kiếm sống qua ngày.

Cảm động với cái nậm rượu bị sứt vỡ và một cái chén sứ của cụ thường dùng. Đó có lẽ là "chứng nhân" của biết bao lần nhà thơ giải sầu hay suy tư ngẫm ngợi chuyện của mình, chuyện của thế sự trong giai đoạn cuộc thế đổi thay, chia ly loạn lạc của đất nước... 

Cạnh đó, cái nghiên mực nằm trong chiếc hộp gỗ khảm xà cừ, dù không còn nguyên vẹn nhưng tinh xảo tuyệt đẹp. Phần mực bên trong một phần khuyết chứng tỏ đang được sử dụng. 

Chợt giật mình khi nghĩ đến biết bao vần thơ trác tuyệt, phải chăng từ thỏi mực dở dang này. Bởi lẽ, rất nhiều bài thơ chữ Hán trong tập Thanh Hiên tiền hậu tập chủ yếu được cụ làm khi còn ở Tiên Điền. Cũng có thuyết cho rằng cuộc đời nàng Kiều được tái hiện thành nên kiệt tác thơ lục bát trong giai đoạn sống ở quê hương.

Bà Trần Thị Vinh, cán bộ Ban quản lý di tích Nguyễn Du, không giấu được xúc động trước rất nhiều hiện vật liên quan đến cụ Nguyễn Tiên Điền và Truyện Kiều tụ hội về đây "như kiểu châu về Hợp Phố" thời gian qua. Đó là nhiều đồ gốm sứ, nhiều tranh vẽ, cổ vật liên quan đến thi nhân lẫn cuộc đời nàng Kiều. 

Đặc biệt là hàng loạt bản Kiều quý từ nước ngoài chuyển về, trong số đó có cả bản tiếng Ả Rập và cổ bản kèm tranh minh họa rất quý hiếm. 

"Mình cảm nhận những năm gần đây, dường như những người nhiệt huyết, đam mê đã kết nối, tụ về để có được những công trình và hiện vật độc đáo, phục vụ quảng bá, tôn vinh Nguyễn Du, Truyện Kiều" - bà Vinh nói.

200 năm, hậu thế nhớ Tố Như - Kỳ 3: Người xưa thấp thoáng ngàn sau - Ảnh 3.

Trang vẽ trong bản Kiều cổ ở Anh minh họa Kiều gặp Kim Trọng “Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng” - Ảnh NXH cung cấp

Chiếc dĩa "thủ bút" nhà thơ

Trong số hiện vật trưng bày, có hai chiếc dĩa sứ được giới thiệu: "Dĩa mai hạc; bút tích Nguyễn Du khi đi sứ sang nhà Thanh năm 1813". Đề tài trên dĩa vẽ cây mai dáng thế cổ lão đang nở hoa; bên dưới là con chim hạc khoe mình trên một phiến đá... 

Bên trên khung cảnh đề câu thơ Nôm: "Nghêu ngao vui thú yên hà/Mai là bạn cũ, hạc là người quen". 

Bà Trần Thị Vinh cho biết khu lưu niệm hiện có hơn 10 chiếc dĩa mai hạc kiểu thức tương tự, hầu hết do những nhà sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước yêu quý thi nhân hiến tặng.

Xưa nay, người ta vẫn xem câu thơ xuất phát từ thủ bút Nguyễn Du trong lần đi sứ Trung Hoa năm 1813. 

Học giả Vương Hồng Sển dẫn theo giai thoại của tác giả Bùi Thế Mỹ viết trong tập san của Hội Khuyến học Nam Kỳ năm 1943, rằng: Tương truyền, lúc Nguyễn Du đi sứ Trung Hoa, có đến thăm một lò chế tác đồ sứ, gặp dịp người ta đang làm một bộ đồ trà vẽ đề tài mai hạc. 

Chủ lò nhã ý mời quan chánh sứ An Nam phẩm đề một đôi câu thơ lên món đồ. Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm của nước nhà, ghi lên món đồ hai câu thơ: "Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ hạc là người quen". 

Tác giả kèm thêm lời bình: "Cái ngày cụ Nguyễn Du đã đi sứ sang Tàu đó, không những cụ đã vâng sứ mạng của triều đình, mà đồng thời cũng là vị sứ giả đầu tiên cho văn chương An Nam ở ngoại quốc nữa".

Ở Huế đầu thế kỷ 20, tập san B.A.V.H cũng cho đăng tải thông tin: Tác giả câu thơ trên của Định Viễn quận vương, con trai Thế tổ Gia Long, một thương gia nổi tiếng. Đến năm 2012, trên cuốn số 8 tập san Nghiên Cứu Huế, tác giả Đinh Văn Niêm khẳng định câu trên là của cụ tổ Đinh Phiên viết trong chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1819. 

Đinh Phiên và Nguyễn Du là bạn đồng hương và là thông gia: con trai cụ Đinh Phiên là Đinh Văn Phác lấy con gái Nguyễn Du là Nguyễn Thị Tiềm. Vẫn chưa có bằng chứng xác quyết tác giả câu thơ trên là của Nguyễn Du, Định Viễn hay Đinh Phiên... 

Nhà nghiên cứu văn hóa cổ vật Trần Đình Sơn, trong số những người tặng dĩa mai hạc cho khu lưu niệm, cho rằng: "Câu đó có lẽ thuộc về nhà họ Đinh thì đúng hơn. Bởi vì văn chương của cụ Nguyễn Du thường không có sự chơn chất như vậy".

"Nương theo" danh tiếng đại thi hào

Ở Huế, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng rất quen thuộc trong giới cổ ngoạn đồ sứ ký kiểu (đặt làm) thời Lê, Nguyễn. Theo ông Hoàng, đề tài mai hạc thuộc hàng phổ biến bậc nhất trong các loại đồ sứ ký kiểu của Việt Nam. 

Ông nói: "Trong số đồ ký kiểu, tôi cũng như nhiều bạn sưu tầm quen biết rất thích đồ mai hạc, bởi đề tài gần gũi và bình dị. Đặc biệt là hiệu đề rất phong phú, lại đề câu thơ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du vừa gần gũi vừa thanh tao". Ông Hoàng chỉ cách phân biệt rõ, đồ sứ mai hạc có cả loại ký kiểu do triều đình đặt làm giai đoạn đầu Nguyễn, lẫn loại sản xuất về sau. Các dạng tô, chén, bộ đồ trà và ống điếu thuốc lào ký kiểu giai đoạn đầu chất liệu sứ cao cấp, dáng vẻ thanh tao, hoa văn rất đẹp, có món giá trên thị trường hàng chục triệu đồng.

Các nhà nghiên cứu lý giải sau ký kiểu giai đoạn đầu, thương nhân Trung Quốc biết được sự yêu thích của người Việt đã đặt làm hàng loạt đồ mai hạc như thế, xuất sang thị trường Việt Nam, đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn. 

Thợ lò sứ không biết chữ Nôm, không hiểu thể thơ lục bát đặc trưng của người Việt, nên viết sai cả tự dạng lẫn câu thơ. Có trường hợp thành "bát lục": "Nghêu ngao vui thú yên hà mai là/bạn cũ hạc là người quen"; hoặc thể "tự tiện": "Nghêu ngao vui thú/yên hà mai/là bạn cũ hạc/là người quen"...

---------------------------

Sau bao cuộc dâu bể khen, thương đến tột độ, mà chê cũng đến tận cùng, đến nay đời nàng Kiều vẫn còn nhiều ý kiến soi nhìn, diễn giải...

Kỳ tới: Bởi đâu đời Kiều lận đận?

200 năm, hậu thế nhớ Tố Như - Kỳ 2:  Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như - Kỳ 2: Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày

TTO - Không chỉ Tiên Điền quê hương Nguyễn Du như bao người biết, nhiều địa danh trên dải miền Trung, từ thành Vinh, Đồng Hới hay cố đô Huế đều in dấu cuộc đời đại thi hào...

THÁI LỘC - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tố Như Nguyễn Du